Nghệ thuật đích thực sẽ mãi tỏa sáng

Sau 30 năm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những kịch bản mà ông để lại vẫn được các nhà hát chính thống, các sân khấu tư nhân dàn dựng và được người xem vô cùng yêu mến. Đặc biệt, những tư tưởng mà Lưu Quang Vũ gửi gắm trong những vở kịch vẫn còn nguyên tính thời sự và làm thổn thức trái tim những người xem yêu nghệ thuật sân khấu.

Vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Ảnh: Nguyên Thanh

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Ít người biết Lưu Quang Vũ từng là người lính trong QĐND Việt Nam. Năm 1978, sau khi phục viên, Lưu Quang Vũ trở thành biên tập viên Tạp chí Sân khấu khi vừa tròn 30 tuổi. Có thể nói, đây là bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời Lưu Quang Vũ. Bởi từ đây, Lưu Quang Vũ bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” (1979). Vở kịch được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980.

Sau khi cha ông là nhà viết kịch Lưu Quang Thuận qua đời, năm 1981, Lưu Quang Vũ đã hoàn thành kịch bản còn dang dở "Nàng Sita" của cha để lại. Kể từ đó, Lưu Quang Vũ bắt đầu sáng tác kịch bản với tốc độ phi thường, khiến cho các đồng nghiệp đều phải nể phục.

Với tài năng và lòng nhiệt huyết, sức lao động bền bỉ, sáng tạo của mình, Lưu Quang Vũ đã tạo nên “hiện tượng” phi thường đối với người sáng tác, càng đặc biệt hơn trong giới viết kịch Việt Nam. Cùng với mấy tập truyện và tập thơ, Lưu Quang Vũ đã viết 50 vở kịch, trong đó có 39 vở được nhiều đoàn từ Bắc chí Nam cùng đưa lên sân khấu qua các loại hình khác nhau.

Lưu Quang Vũ đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ hậu chiến, kinh tế bao cấp khó khăn nhất của nước nhà. Chính những điều đó đã trở thành nguồn cảm hứng để Lưu Quang Vũ viết nên nhiều vở kịch giàu tính hiện thực, in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Thế mạnh của một người làm thơ, viết văn, làm báo nhanh nhạy đã được ông huy động trong sáng tác kịch bản. Muôn mặt đời thường đều có thể trở thành nguồn cảm hứng trong tác phẩm và trở thành những điển hình nghệ thuật truyền tải những thông điệp về cuộc sống. Đó là những người mà Lưu Quang Vũ thường gặp: Một ông giám đốc, một chị công nhân, một bác sĩ, có cả những kẻ lang thang, người say rượu, người bán hàng rong...

Ông viết một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không đao to búa lớn hay khiên cưỡng. Những câu chuyện thường nhật tưởng chừng chẳng mấy ai quan tâm qua ngòi bút của ông bỗng mang một ý nghĩa sâu sắc. Nhiều vở kịch vẫn được khán giả nhắc tới ngày nay như: Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nguồn sáng trong đời, Người tốt nhà số 5, Người trong cõi nhớ, Chuyện bên dòng sông Thu, Đôi dòng sữa mẹ, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Ông không phải bố tôi, Bệnh sĩ, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy...

Người thân và những đồng nghiệp của Lưu Quang Vũ từng hết sức ngạc nhiên về tốc độ làm việc phi thường của ông. Người ta thấy ông làm việc không ngừng nghỉ. Tại “Hội thảo về thơ, kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh” được tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cuối tháng 8 vừa qua, bà Lưu Khánh Thơ - em gái của Lưu Quang Vũ chia sẻ, bà đã từng chứng kiến anh trai mình làm việc quên ăn quên ngủ. “Ngay cả thói quen của bản thân đã hình thành rất lâu trong con người anh Lưu Quang Vũ nhưng vì công việc, anh cũng từ bỏ thói để lao vào công việc” - Bà Lưu Khánh Thơ nói.

Trên khắp đất nước, hiếm có đơn vị nghệ thuật của tỉnh nào mà chưa từng dàn dựng một vài vở kịch của Lưu Quang Vũ. Nhiều đoàn nghệ thuật nhờ dàn dựng những vở kịch của Lưu Quang Vũ mà sân khấu liên tục đỏ đèn hàng đêm, tạo thu nhập cao cho các nghệ sĩ của đoàn. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm, có thể khẳng định Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch có số lượng tác phẩm gây chấn động dư luận nhất Việt Nam”.

Không bị quên lãng sau 30 năm

Những năm 80 của thế kỷ 20, có thể nói, Lưu Quang Vũ đã tạo dựng nên một nền sân khấu mới mẻ, có sức hấp dẫn kỳ lạ bằng hàng loạt vở kịch đầy hơi thở hiện đại. Hiếm có một tác giả đương đại nào có ảnh hưởng sâu rộng đến sân khấu cả nước như Lưu Quang Vũ. Sự phong phú của đề tài, sự giàu có màu sắc của nhân vật và tư tưởng chủ đề đã đưa Lưu Quang Vũ trở thành “hiện tượng”của sân khấu thập niên 80.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, vào năm 1988, một tai nạn hy hữu đã cướp đi mạng sống của Lưu Quang Vũ. Năm đó, Lưu Quang Vũ mới 40 tuổi. Sự ra đi quá đột ngột của ông để lại sự tiếc thương vô hạn của người thân, bạn bè và sự hụt hẫng không nhỏ của giới làm sân khấu cả nước.

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ đi vào cõi vĩnh hằng khi đang ở độ “chín” của tài năng và sự sung sức trong sáng tạo nghệ thuật, chưa bao giờ tên tuổi và ký ức về ông ngừng hiện hữu trên sân khấu nước nhà cũng như trong tâm trí người xem. Thời gian qua, những tác phẩm của ông vẫn được các đơn vị từ chèo, cải lương, rối, dân gian kịch và đặc biệt là sân khấu kịch Việt Nam ở các đơn vị nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang và các địa phương luôn khai thác dàn dựng. Những kịch bản mà Lưu Quang Vũ để lại vẫn làm thổn thức trái tim người xem đương đại và cái tên Lưu Quang Vũ vẫn đảm bảo cho các nhà hát bán hết vé mỗi khi dựng tác phẩm kịch của ông. Đặc biệt, gần đây, vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đã đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018.

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Anh Vũ luôn ở trong trái tim mọi người. Kịch của anh có tính dự báo vượt thời đại và phải là con người rất tài năng, tác giả mới có thể đưa ra những cảnh báo như vậy. Trong khi đó, các kịch bản hiện nay lại rất thiếu điều này”.

Vậy, vì sao kịch của tác giả Lưu Quang Vũ lại luôn được nhắc đến và trân trọng, dàn dựng? “Những kịch bản đó hay, hấp dẫn trong câu chuyện kịch và quan trọng nhất là đã đánh trúng tâm lý người xem, giải quyết được những vấn đề bức xúc của xã hội mà chưa có ai nói thay được tiếng nói của đại đa số người dân trong bối cảnh nước nhà khi đó còn loay hoay giữa thời kỳ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lưu Quang Vũ đã dám xông pha vào lĩnh vực vô cùng “nhạy cảm” của xã hội lúc đó. Chính vì vậy, kịch bản của ông luôn có sự tìm tòi về nội dung, hình thức, cấu trúc... để vở diễn đến được với đông đảo công chúng...” - Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Châu khẳng định.

Những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ để lại cho đời đã minh chứng cho một chân lý: Tài năng và nghệ thuật đích thực sẽ mãi được vinh danh và tỏa sáng!

Nguyên Thanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-thuat-dich-thuc-se-mai-toa-sang/