Nghệ thuật lãnh đạo có tính ứng dụng cao của các vị vua nổi tiếng thời Tam Quốc

Chắc hẳn ai đọc Tam Quốc cũng đều có những hình tượng riêng cho mình, rất nhiều nhân vật trong đó đều có những bài học riêng. Nhưng nếu nổi bật nhất có lẽ không thể bỏ qua ba nhà lãnh đạo quan trọng đó là Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị.

Có những bài học lãnh đạo mà cho đến bây giờ của Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị vẫn còn tính ứng dụng cao. Cho dù là cách dùng người cho đến đối nhân xử thế, chúng ta đều thấy có tính ứng dụng cao.

Lưu Bị

Lưu Bị được đánh giá là một nhà lãnh đạo tài ba, với tính cách khiêm tốn và tầm nhìn chiến lược, ông đã nhanh chóng lên nắm quyền lực, lập nên không ít kỳ công cho bản thân.

Bản thân Lưu Bị luôn có những cách lãnh đạo quân của riêng mình. Ông khác với Tào Tháo, dùng quân hết sức tin tưởng, không một lời thắc mắc, đã giao việc đó cho ai sẽ tin tuyệt đối. Đối với ông, một nhà lãnh đạo nếu không được tin tưởng sẽ chẳng ai nghe theo, cũng không thể hy sinh hết mình cho trận chiến nếu luôn mang theo sự nghi ngờ. Phương châm của ông là: “Nếu bạn tin tưởng ai đó, hãy tin tưởng họ một cách hoàn toàn. Nếu không thể tin tưởng hoàn toàn, thà rằng đừng tin”. Đó là lý do vì sao quân của Lưu Bị hết sức trung thành, không ai có tư tưởng phản bội.

Tuy nhiên, những người theo chân Lưu Bị đều được sàng lọc rất cẩn thận, đó phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, trước hết là phải đủ Trung, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đối với bất kỳ người là đầu cấp hay chỉ là người trực tiếp quản lý quân từng nhóm cũng phải có tài, không phải tùy tiện sử dụng.

Đã là tướng, ông hoàn toàn giao cho quyền tự quyết. Mỗi người đứng đầu sẽ có cách sắp xếp và đưa ra những sách lược quan trọng. Nó giống như một hệ thống dân chủ, không có độc tài, không tiếm quyền, ai ai cũng có tiếng nói và được quyền đưa ra ý kiến, chỉ cần là có lợi cho quân sẽ được sử dụng.

Ngày nay, việc quản lý một đội ngũ nhân viên đông đảo chắc chắn cũng không dễ dàng gì. Bản thân người làm sếp không thể một mình quan tâm quá nhiều thứ, nếu không biết sử dụng một cách hợp lý những người là leader, bên cạnh đó trao cho họ sự tin tưởng và quyền chủ quyết, chắc chắn không thể thiết lập nên một hệ thống vững chắc được.

Tào Tháo

Nhắc đến dùng quân không thể không nhắc đến Tào Tháo. Khác với Lưu Bị, Tào Tháo là người rất đa nghi, bất kỳ quyết định nào của ông cũng có sự cân nhắc cẩn thận, điều tra kỹ lưỡng và rõ ràng. Thế nhưng, chính nhờ đầu óc nhạy bén, thức thời nên Tào Tháo chưa bao giờ khiến quân sĩ thất vọng. Ba điểm quan trọng nhất trong cách dùng quân của Tào Tháo là:

Thứ nhất, không quan tâm đến vấn đề xuất thân. Cho dù là kẻ có thân thế nghèo hèn hay công tử con nhà giàu, miễn là có tài sẽ được trọng dụng. Chính điều này giúp Tào Tháo có được một đội quân hùng hậu, đa dạng mỗi người đều có hiểu biết riêng về các lĩnh vực khác nhau. Mỗi người đều có khả năng phân tích các vấn đề và mở rộng đáng kể các lựa chọn chiến lược của ông cho các cuộc chinh phạt của Tào Tháo.

Thứ hai, chân thành liên hệ với cảm xúc của người khác. Thân làm tướng, không có nghĩa là đặt mình lên trên quân quá cao. Ông đặt mình vào vị trí người khác, cố gắng một cách tốt nhất để có thể liên hệ bản thân đến người khác. Đặc biệt là luôn có thưởng phạt rõ ràng, bởi ông biết như vậy sẽ có khích lệ không nhỏ đến tướng sĩ và quân. Ai có cao kiến được thưởng, ai không đưa được ý kiến vẫn được khích lệ cho lần sau. Như vậy mọi người có thể thoải mái đề bạt, có thêm động lực để đóng góp.

Thứ ba, Tào Tháo là bậc thầy trong việc nắm giữ cảm xúc của người khác. Vốn là người đa nghi nên chắc chắn lấy được lòng của Tào Tháo không phải việc dễ dàng gì, nhưng nếu đã có được lòng tin lại rất được trọng dụng. Cách quản lý quân của Tào Tháo đó là cho dù nghiêm khắc nhưng vẫn học cách tha thứ cho người khác vì vậy dễ dàng mua chuộc trái tim và lòng tin của người khác. Quân sĩ mang ơn khắc phải trả.

Trong công việc, nếu chỉ biết nghĩ cho vị trí của mình đó sẽ là người lãnh đạo thất bại. Cho dù ở cấp bậc nào, sếp cũng cần phải dùng nhu, cương để xử lý và sắp xếp. Một người sếp biết thu phục trái tim của người khác, biết người ta cần gì, muốn gì mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp. Đặc biệt là cho dù là ai, xuất thân như thế nào, chỉ cần họ có tài năng chắc chắn họ sẽ có ích.

Tôn Quyền

Tôn Quyền là vị hoàng đế có nhiều cái “nhất” trong lịch sử Trung Quốc. Ông được gọi là “Đại hoàng đế” có danh phong lừng lẫy nhất. Dưới trướng của Tôn Quyền có vô số những bậc quân sư tài giỏi và được trọng dụng.

Khi mới bắt đầu lên ngôi, ông cũng là vị tướng trẻ tuổi nhất, rất nhiều người nghi ngờ liệu ông có thể lãnh đạo được đất nước hay không. Thế nhưng chính Tôn Quyền là người đã chứng minh tài năng của mình.

Điểm quan trọng nhất trong cách lãnh đạo của Tôn Quyền chính là khiếm nhường và tôn trọng chân thành những người đứng đầu. Ông luôn là người đứng sau dõi theo mọi người, không đặt mình trước người khác, điều này cho thấy ông tôn trọng họ. Thái độ khiêm nhường đó của một vị vua đã thu hút được nhiều tài năng đến đầu quân, chính vì vậy ông có được một đội ngũ lãnh đạo toàn tướng tài.

Mặc dù là một quân vương nhưng Tôn Quyền biết mình cần phải gắn kết với mọi người. Ông rất coi trọng khối đoàn kết, trận chiến Xích Bích liên quân Tôn – Lưu đã vô hiệu hóa 200.000 quân Tào chỉ với 40.000 quân là kết quả của việc ông bỏ qua cái cá nhân, hướng đến tập thể vì mục đích chung.

Đặc biệt Tôn Quyền thể hiện sự tín nhiệm của bản thân với các thống soái, ông không muốn họ mất đi sự tin tưởng với mình. Ông cũng không tỏ ra nghi ngờ, hay khiến họ phải nghi ngờ. Chính vì vậy, các tướng lĩnh luôn coi Tôn Quyền là người lãnh đạo tốt, không nề hà khó khăn, hết lòng vì ông.

Là người lãnh đạo, trước hết phải cho họ thấy sự tín nhiệm của mình, chỉ khi họ tin tưởng mình họ mới cống hiến cho mình. Đặc biệt là cho dù ai đúng, ai sai, ở cấp bậc nào cũng cần có sự tôn trọng như vậy họ sẽ tôn trọng lãnh đạo và làm mọi việc vì lãnh đạo.

Dung Mai

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/song-tre/nghe-thuat-lanh-dao-co-tinh-ung-dung-cao-cua-cac-vi-vua-noi-tieng-thoi-tam-quoc-55600.html