Nghệ thuật nghi binh hoàn hảo trong Chiến dịch Tây Nguyên

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng, nên Mỹ - ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ chiến lược lớn, hòng đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng Khu 5. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng miền Nam trong năm 1975, tháng 1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp quán triệt và quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (mang mật danh A275), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức), thực hiện chia cắt chiến lược và tạo thế chiến lược mới trên chiến trường toàn miền Nam.

Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: Thanh Thuận

Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: Thanh Thuận

44 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng Ba Tây Nguyên sục sôi đánh giặc vẫn in đậm trong tâm trí của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 Tây Nguyên, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng tham mưu). Với Trung tướng Khuất Duy Tiến, những ngày ông trực tiếp chiến đấu tại Tây Nguyên mãi là ký ức đẹp mà ông luôn ghi nhớ, trân trọng. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Khuất Duy Tiến xung quanh Chiến dịch Tây Nguyên.

- Đề nghị Trung tướng cho biết bối cảnh lịch sử thời điểm chuẩn bị Chiến dịch Tây Nguyên?

- Đầu năm 1975, trên chiến trường toàn quốc, thế của ta mạnh hơn địch sau 2 năm thực hiện Hiệp định Paris (tháng 1-1973). Miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, huy động lực lượng với khí thế hừng hực ra sức chi viện cho tiền tuyến để tập trung tìm mọi cách vào giải phóng miền Nam nhanh nhất.

Với Hiệp định Paris, ta đã “đánh cho Mỹ cút” mà vẫn chưa “đánh cho ngụy nhào”. Mỹ còn duy trì được chính quyền tay sai ở miền Nam, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho ngụy. Chúng huy động lực lượng tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Tại Tây Nguyên, lực lượng địch có Sư đoàn bộ binh 23, 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn, 230 khẩu pháo, 150 máy bay... Nhìn chung, địch bố trí lực lượng mạnh ở khu vực Bắc Tây Nguyên, còn khu vực phía Nam Tây Nguyên được coi như hậu phương, nên chúng bố trí lực lượng mỏng hơn.

- Thưa Trung tướng, trước bối cảnh lịch sử đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có những chiến lược gì?

- Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam trên đà chuyển biến, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch chiến lược chính trên chiến trường Tây Nguyên, đánh địch ở Nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột, đánh vào tỉnh lỵ Phú Bổn (Cheo Reo) và phát triển xuống đồng bằng Khu 5 trong năm 1975.

Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chính thức giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên do tôi làm Trưởng phòng lập tức lập kế hoạch chuẩn bị chiến trường chiến dịch, xây dựng kế hoạch chiến dịch bao gồm: Kế hoạch triển khai đường cơ động trên các hướng, các mũi chiến dịch; kế hoạch cơ động lực lượng; kế hoạch nghi binh chiến dịch; kế hoạch tập kết bộ đội; kế hoạch đảm bảo hậu cần kỹ thuật... Đồng thời, lập kế hoạch tiếp nhận cơ sở vật chất, tiếp nhận các đơn vị mới đến tăng cường, các đơn vị binh chủng kỹ thuật của Bộ phải được tổ chức chu đáo, bí mật, an toàn. Công tác bảo quản, sửa chữa vũ khí, phương tiện xe - máy phải bảo đảm tối đa hệ số kỹ thuật các phương tiện hiện có. Công tác Đảng, công tác chính trị tư tưởng phải nhằm nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, sức mạnh chiến đấu tổng hợp của mọi đơn vị, mọi binh chủng...

Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã xác định, để cô lập và đánh chiếm Buôn Ma Thuột nhanh nhất, cần phải lên kế hoạch nghi binh để lừa địch. Tư lệnh Vũ Lăng đã giao tôi phụ trách việc xây dựng kế hoạch nghi binh. Tôi đã dốc sức để xây dựng kế hoạch được thông qua, tiến hành thực hiện kế hoạch một cách cẩn thận, chu đáo.

- Điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật tác chiến ở Chiến dịch Tây Nguyên là tổ chức nghi binh, lừa địch, khiến địch bất ngờ, mất quyền chủ động đối phó. Kế hoạch này đã diễn ra như thế nào?

- Khi đó, Sư đoàn 968 đang đứng chân tại Nam Lào đã được lệnh về Tây Nguyên trước ngày 6-1-1975 nhận nhiệm vụ. Khi Sư đoàn 968 về đến Tây Nguyên đã được giao nhiệm vụ thay cho Sư đoàn 10 (ở Kon Tum) và Sư đoàn 320A (ở Gia Lai) để hai sư đoàn này cơ động về hướng chính làm nhiệm vụ. Với Sư đoàn 968, bằng mọi biện pháp, Sư đoàn phải thu hút sự tập trung đối phó của địch lên hướng Bắc Tây Nguyên, ghìm chân địch ở hướng này càng lâu càng tốt cho đến ngày hướng chính nổ súng.

Trong khi đó, ngày 17-1-1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A di chuyển hết lực lượng về Nam Tây Nguyên mà địch tưởng hai sư đoàn chủ lực này của ta sẽ đánh vào Kon Tum và Pleiku (phía Bắc Tây Nguyên), chứ không đánh xuống phía Nam. Vì để đánh được Đắk Lắk, ta phải đi mất khoảng 300km đường rừng, nhiều sông suối, nên việc hành quân và đưa phương tiện vào sẽ rất khó khăn. Chúng tôi tương kế tựu kế theo nhận định của địch, lên kế hoạch nghi binh, cho địch lầm tưởng ta đang chuẩn bị đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế, ta lại điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Mặt khác, ta lan truyền thông tin vào trong nhân dân và những huyện gần căn cứ địch ở Kon Tum và Pleiku, để các địa phương vờ thực hiện chuẩn bị lực lượng, làm đường, kéo pháo, tải lương... để vào đánh Kon Tum và Pleiku... Khi đó, máy bay do thám của địch trên không, quân thám báo của địch thăm dò thấy vậy nên tin là ta sẽ đánh Kon Tum.

Quân Giải phóng đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy trong trận Buôn Ma Thuột, tháng 3-1975. Ảnh: Tư liệu

Đối với lực lượng hành quân xuống phía Nam, Bộ Tư lệnh quy định toàn bộ cuộc hành quân phải bảo đảm nguyên tắc bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân..., đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó.

Cùng thời gian đó, ở Kon Tum và Gia Lai, ta hạ lệnh truyền tin, chuẩn bị đi dân công, tải thương, tải đạn, kéo xe tăng... áp vào đánh địch. Sư đoàn 968 nhận lệnh kéo pháo đánh ngay Đồn Thanh An, bắn pháo vào Pleiku. Từ ngày 1 đến 3-3, ta đánh mạnh ở Gia Lai, Kon Tum, khiến địch tin rằng ta chuẩn bị đánh Bắc Tây Nguyên thật.

- Có thể nói, nghệ thuật nghi binh hoàn hảo đã tạo thế đánh bật địch khỏi Tây Nguyên, giải phóng “nóc nhà của Đông Dương”?

- Đúng vậy. Từ ngày 14 đến 18-3-1975, Sư đoàn 10 và các lực lượng phối hợp bằng 4 trận tiến công đã tiêu diệt Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động số 21, đập tan ý định phản kích của lực lượng dự bị Quân đoàn 2, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển. 5 giờ sáng ngày 17-3-1975, các mũi tiến công của Trung đoàn 19 đồng loạt nổ súng đánh vào quận lỵ Thanh An, nhanh chóng tiêu diệt quân địch. Tiếp đà, Trung đoàn 19 tiến công giải phóng Bàu Cạn, Hòn Rồng. Cùng ngày, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 29 cắt đường 14, chặn đánh Tiểu đoàn 153 bảo an, diệt 52 tên, bắt 14 tên, thu 23 súng các loại. 11 giờ 30 phút, ngày 17-3, Trung đoàn 95A chủ lực Quân khu 5 và Trung đoàn 19 tiến vào giải phóng Pleiku, Trung đoàn 29 vào giải phóng Kon Tum. Ngày 19-3, Sư đoàn 968 đưa Trung đoàn 29 về làm nhiệm vụ tiếp quản Buôn Ma Thuột... Đến ngày 24-3, quân ta hoàn toàn làm chủ Tây Nguyên. Lúc này, kế hoạch nghi binh đã hoàn thành tốt đẹp.

Mất Buôn Ma Thuột, địch hoảng loạn, tan vỡ từng mảng. Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, hơn 28 nghìn quân địch bị loại khỏi vòng chiến. Tây Nguyên sạch bóng quân thù, tạo tiền đề cho sự sụp đổ hoàn toàn và tan rã nhanh chóng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn một tháng sau đó.

- Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Thanh Thuận (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-thuat-nghi-binh-hoan-hao-trong-chien-dich-tay-nguyen/