Nghệ thuật phối hợp các lực lượng tác chiến trong thành phố

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng ta chỉ đạo huy động nhiều lực lượng, gồm: Chủ lực (bộ binh, pháo binh); tinh nhuệ (đặc công, biệt động); lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương... tham gia.

Việc phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tại thành phố Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng được tổ chức chặt chẽ, khoa học.

Trong lúc quân và dân ta đón Tết Mậu Thân, Mỹ-ngụy phải tập trung lực lượng đối phó tại Khe Sanh. Đêm 30 rạng 31-1-1968 đến ngày 25-2-1968, LLVT của ta ở miền Nam bất ngờ, đồng loạt tiến công, kết hợp với nổi dậy của quần chúng ở nhiều thành phố, thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trọng điểm là các thành phố lớn: Sài Gòn, Huế và Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, Sài Gòn là trọng điểm lớn nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, bởi đây là trung tâm đầu não chính trị, quân sự, chỉ đạo toàn bộ bộ máy chiến tranh của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tại miền Nam. Ở nội thành, lực lượng biệt động đồng loạt, bất ngờ tiến công vào Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ. Phối hợp với lực lượng biệt động, LLVT, bán vũ trang đánh địch tại chỗ và phát động quần chúng nổi dậy, giành quyền làm chủ ở một số khu vực nội thành.

Đồng thời, LLVT của các phân khu 1, 2, 3, 4, 5 ở các vùng ven đô và lân cận tiến công đánh chiếm một số mục tiêu của địch. Ở vòng ngoài, lực lượng chủ lực Miền (các sư đoàn 5, 9, 7) phối hợp với LLVT địa phương đánh vào Bộ chỉ huy dã chiến 2 của Mỹ, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3, sở chỉ huy Sư đoàn 25 ngụy quân Sài Gòn, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình... ngăn chặn và kìm chế, không cho địch đưa lực lượng từ ngoài vào ứng cứu nội thành.

Lực lượng đặc công, biệt động phối hợp tiến công vào 6/9 mục tiêu quan trọng của địch trong nội thành. Cùng với những đòn tiến công mạnh mẽ của lực lượng chủ lực Miền và LLVT địa phương đánh táo bạo, hiểm hóc vào các sở chỉ huy, căn cứ địch ở vùng ven Sài Gòn đã làm rối loạn hậu phương của chúng, gây tiếng vang lớn trong nước, làm chấn động cả nước Mỹ và lan rộng ra thế giới.

Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân Giải phóng phá hủy (tháng 2-1968). Ảnh: TTXVN

Tại TP Huế, trọng điểm thứ hai của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sau khi lực lượng pháo binh bắn đồng loạt vào các vị trí của địch, LLVT ta trên hai cánh bắc và nam đồng loạt đánh vào 40 mục tiêu của địch trong và ngoại thành Huế. Ở cánh bắc, lực lượng chủ lực (Đại đội 1 và Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 Bộ binh, Sư đoàn 304) phối hợp với đặc công, tiến đánh đồn Mang Cá, sân bay Tây Lộc.

Trong khi đó, một bộ phận lực lượng chủ lực khác (Đại đội 3 và Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 Bộ binh) tiến công đánh chiếm khu Cột Cờ và toàn bộ khu Đại Nội. Phối hợp với đòn tiến công nội thành, một bộ phận lực lượng chủ lực (Tiểu đoàn 806 và Tiểu đoàn 816 thuộc Trung đoàn 9 Bộ binh) phối hợp với LLVT địa phương tiến công các vị trí địch ở vòng ngoài, gây cho địch một số thiệt hại.

Ở cánh nam, do đường hành quân xa, lại bị địch phục kích ngăn chặn nên lực lượng chủ lực ta (gồm Tiểu đoàn 815 và Tiểu đoàn 818 thuộc Trung đoàn 9 Bộ binh; Tiểu đoàn 840 và Tiểu đoàn 810 Bộ binh thuộc Đoàn 5) tiến công vào nội thành chậm so với kế hoạch đề ra. Các đơn vị này đã phối hợp với lực lượng đặc công tiến công đánh chiếm đài phát thanh, Trường Quốc học Huế, Trường Đồng Khánh, tòa tỉnh trưởng...

Ở vòng ngoài, một bộ phận lực lượng của Trung đoàn 9 Bộ binh còn phối hợp với đặc công tiến công địch ở Tam Thai, Nam Giao, khu nhà thờ Phước Quả, các trại Lê Lợi, Quang Trung, gây cho địch thiệt hại nặng.

Đối với Đà Nẵng, trọng điểm thứ ba trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, sau khi lực lượng pháo binh ta bắn phá sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và lực lượng biệt động, tự vệ đánh chiếm một số mục tiêu ở nội thành ngày 30-1, thì ở phía Bắc, lực lượng bộ binh (Trung đoàn 31), công binh và LLVT Khu 1 tiến công đồn Nhất và đánh chiếm thị trấn Nam Ô. Ở phía Nam, lực lượng đặc công và LLVT Khu 2 tiến công sở chỉ huy Trung đoàn 51 của địch.

Ở nội thành, lực lượng Tiểu đoàn 1 Bộ binh đánh vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy quân Sài Gòn bị chặn lại. Trong khi đó, lực lượng chủ lực (Sư đoàn 2 Bộ binh), do nhận được lệnh hoãn ngày nổ súng nên rút về tuyến sau. Vì thế, kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các lực lượng trong và ngoại vi Đà Nẵng không thực hiện được.

Trong điều kiện so sánh lực lượng, địch hơn hẳn, ta khó có thể thực hiện tác chiến đánh tiêu diệt lớn quân địch thì việc tổ chức các lực lượng tác chiến, đánh thẳng vào trung tâm đầu não chính trị, quân sự của địch ở các thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng cũng như các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ, kết hợp với nổi dậy của quần chúng trong Tết Mậu Thân 1968 là một quyết định sáng suốt, táo bạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kinh nghiệm về phối hợp các lực lượng tác chiến trong nội thành và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng ngoại thành với lực lượng nội thành tại những thành phố lớn Tết Mậu Thân 1968 là cơ sở quan trọng để cho Quân đội ta nói riêng, lực lượng cách mạng Việt Nam nói chung tiếp tục kế thừa, phát triển, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng tác chiến trong những trận đánh lớn có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/nghe-thuat-phoi-hop-cac-luc-luong-tac-chien-trong-thanh-pho-683560