Nghệ thuật Rô-băm lưu truyền tự nhiên trong văn hóa Khmer

Đầu năm 2019, 17 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc các loại hình nghệ thuật dân gian liên tục được xếp hạng nhằm có chế độ bảo tồn tốt hơn, cho thấy chúng có thể đang ngày càng mai một. Nghệ thuật Rô-băm của người Khmer Nam bộ là một ví dụ điển hình.

Nghệ thuật Rô-băm được biểu diễn trong các ngôi chùa Khmer vào mùa lễ dâng y. Ảnh: TTH

Nghệ thuật Rô-băm được biểu diễn trong các ngôi chùa Khmer vào mùa lễ dâng y. Ảnh: TTH

Do loại hình nghệ thuật này xuất xứ từ bộ các loại hình phục vụ trong cung đình xưa, nên trang phục, kịch thoại, cử chỉ của nhân vật trong sân khấu Rô-băm cũng mang những quy tắc của vua chúa, quan lại, quý tộc trước đây. Quy cách của sân khấu mang tính ước lệ. 2 tuyến nhân vật đối lập là thiện - ác, chính - tà để diễn tả cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, giữa lương thiện và tàn ác, giữa lành và dữ, thuận và nghịch.

Tuyến nhân vật chính thường là vua chúa và các hoàng tử, công chúa. Tuyến đại diện cho thế lực đen tối bị trừng trị thường đeo mặt nạ, trong đó có cả ma quỷ, chằn tinh... Đây cũng chính là yếu tố hấp dẫn của Rô-băm, bởi loại hình nghệ thuật này có cốt truyện, có trang phục lộng lẫy, có sự hóa thân tài tình. Sân khấu của Rô-băm được đặt trong không gian đời thường, thôn ấp. Thưởng thức Rô-băm, người dân ngộ được những triết lý sâu xa từ trong các điệu múa và lời thoại của nghệ sĩ, qua những chiếc mặt nạ, động tác diễn.

Các nhân vật trên sân khấu Rô-băm múa các động tác chân, tay theo một quy ước chung cho từng loại nhân vật. Rô-băm có 33 điệu múa, riêng múa chằn có 12 điệu. Mỗi điệu có những ý nghĩa và tạo hình khác nhau. Mặt nạ Rô-băm được chế tác tinh xảo, có thần thái, hài hòa giữa mỹ thuật và tạo hình. Nhiều loại mặt nạ như mặt nạ chằn (rắn thần), khỉ, ngựa, chim thần, phượng hoàng, rùa đều là biểu tượng đại diện cho các nét tính cách, các thế lực tự nhiên theo thuyết giáo của đạo Phật. Mặt nạ trên sân khấu Rô-băm sinh động, giàu biểu cảm và đều được nhân cách hóa, nhằm mang thêm hứng thú cho người xem.

Mùa lễ dâng y, Tết Đôn-ta, Tết Chôl Chnăm Thmây vào trung tuần tháng 4 hàng năm, ở các vùng đồng bào Khmer dọc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường là mùa đông vui nhất. Có thể bắt gặp ở bất cứ ngôi chùa Khmer nào không khí hứng khởi của lễ hội. Đối với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo Tiểu thừa, chùa là nhà, có lúc còn đóng vai trò như nhà văn hóa cộng đồng trong mùa lễ hội.

Những ngày chính lễ, trong chùa tổ chức lễ nghi liên quan tới Phật giáo, đồng thời là chỗ trẻ con chơi đùa, người lớn gặp gỡ hàn huyên, bàn chuyện lớn nhỏ. Ngày nắng nóng, các phật tử từ xa đến nghỉ trong chùa, ăn uống sinh hoạt chờ tới ngày, giờ làm lễ. Ngôi chùa rất thân thuộc với người Khmer, là nơi thanh thiếu nhi được dạy dỗ trưởng thành. Vì vậy, chùa dung dưỡng tất cả những lễ nghi tôn giáo, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán của người Khmer.

Như vậy, có thể thấy, nếu không có sự bảo bọc của các ngôi chùa, nghệ thuật Rô-băm đã không còn hiện diện trong đời sống. Vì đây là một loại kịch múa cổ của cung đình Khmer xưa, sử dụng nhạc cụ (phổ biến nhất là trống vỗ), mặt nạ, trang phục và diễn các tích cũ đã được nhân cách hóa. Cho đến nay, đương nhiên sinh hoạt cung đình không còn nữa, nhưng nghệ thuật Rô-băm vẫn còn tồn tại, do đây là loại hình diễn xướng có liên quan đến tôn giáo. Tất cả các tích cũ có mang tinh tần đạo Phật, nhánh Ấn giáo, đạo Bà-la-môn.

Sử thi Ramayana được sử dụng nhiều nhất, như là hình ảnh “đóng đinh” cho nghệ thuật Rô-băm. Quen thuộc nhất là chiếc mặt nạ khỉ Hanuman. Sự lấp lánh của một loại hình nghệ thuật là nó hòa vào đời sống lúc nào không hay. Dựa vào đó để lưu truyền văn hóa thì tin rằng dù có bị nhiều sức ép, nó vẫn không thể mất đi.

Sư trụ trì chùa Ta Quit, một ngôi chùa Khmer ở thành phố Sóc Trăng cho biết, mỗi khi chùa diễn ra các nghi lễ, ngày hội, nhóm các phật tử thường xuyên sinh hoạt trong chùa cũng diễn cho bà con xem vài vở diễn mà họ thường tập cùng nhau. Trong cộng đồng dân tộc Khmer, hầu hết các loại hình nghệ thuật dân gian được bảo trợ bởi các ngôi chùa Khmer. Vì vậy, cứ nơi nào nhiều chùa và sinh hoạt tôn giáo gắn kết với đông đảo phật tử thì ở đó, các loại hình nghệ thuật dân gian như Rô-băm có đất diễn, có khả năng lưu truyền và phát triển.

Hiện nay, chỉ có vài đoàn nghệ thuật múa Rô-băm hoạt động một cách chính quy, chủ yếu tồn tại và mở rộng nhờ vào sự tâm huyết giữ gìn vốn văn hóa dân tộc của các nghệ sĩ. Họ diễn tại các chùa lớn vào mỗi dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ dâng y để giữ lửa sân khấu. Các chùa khác mỗi dịp lễ dâng y, các đoàn kịch múa Rô-băm đều chuẩn bị tập luyệt và diễn phục vụ bà con trong ấp. Vào chính lễ, những đội kịch mới được truyền dạy cũng đeo mặt nạ, mặc trang phục Rô-băm đứng đón khách tới. Màn trình diễn thú vị và xôm trò này là nét riêng của các vùng đồng bào Khmer vào mùa lễ hội. Sức sống của một loại hình nghệ thuật dân gian cũng len vào đời sống một cách tự nhiên như thế.

Nghệ thuật sân khấu Rô-băm là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Sân khấu Rô-băm lâu nay đã quay lại trên những cánh đồng sau thu hoạch, hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer. Giờ đây, Rô-băm đang được bảo tồn và gìn giữ, góp phần phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Khmer.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-thuat-ro-bam-luu-truyen-tu-nhien-trong-van-hoa-khmer/