Nghệ thuật sắp đặt: Giấc mơ ngắn đẹp đẽ

Khoảnh khắc kỳ diệu nhất của người sáng tạo nghệ thuật sắp đặt là tạo ra giấc mơ ngắn nhưng vô cùng diễm lệ. Đó là bản chất thực sự của nghệ thuật này

Mất hằng tháng trời để sắp đặt những vật dụng theo ý đồ riêng của tác giả nhằm tạo ra không gian nghệ thuật đủ sức tương tác, gợi cảm xúc ở người xem. Nhưng tác phẩm ấy chỉ có thể tồn tại trong ký ức người xem vì thời gian trưng bày thường rất ngắn.

Thú chơi sắp đặt

Những đám mây được làm từ lưới mắt cáo gắn 58.000 hạt pha lê Swarovski trong triển lãm "Mây pha lê - La Pán Tẩn 2018" tại Mù Cang Chải (Yên Bái) do nghệ sĩ Andy Cao (người Mỹ gốc Việt) và Xavier Perrot (người Pháp) thực hiện, thu hút sự thu hút của công chúng. Những đám mây này cùng các cột thép mọc lên ở vị trí ngẫu nhiên trên khoảng 1.000 m2 "đồi mâm xôi" biến vùng đất quen thuộc này thành một không gian nghệ thuật qua ý tưởng "đem mây xuống trần".

Tác phẩm "Mây pha lê" ở Mù Cang Chải Ảnh: ANDY CAO

"Độc và lạ" là phản hồi mà tác phẩm "Mây pha lê" của Andy Cao và Xavier Perrot nhận được từ khán giả. Trước đó, tác phẩm này cũng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi thực hiện ở Áo.

Để thực hiện tác phẩm này, họ đã đóng cửa công ty của mình ở Pháp và Mỹ một tháng rưỡi để đến Việt Nam thực hiện tác phẩm. 58.000 viên pha lê gắn lên lưới mắt cáo, chuyện tưởng đơn giản nhưng họ đã huy động toàn bộ người dân địa phương cùng mình thực hiện.

Tác phẩm "Đất và nước" của tác giả Vương Văn Thạo Ảnh: LÝ ĐỢI

Khác với nghệ thuật sắp đặt (Instalation) nơi các nghệ sĩ tư duy theo ý tưởng và ý niệm thì Andy Cao đi theo một hướng khác, nghệ thuật sắp đặt cảnh quan (landscape designer), nơi Andy Cao tư duy theo cảnh quan. Điều đó cũng lý giải vì sao tác phẩm sắp đặt của ông được thực hiện ở Mù Cang Chải, nơi tạo cho ông những cảm xúc đặc biệt đủ hứng thú để thực hiện tác phẩm này.

Cùng với "nghệ thuật trình diễn", "nghệ thuật sắp đặt" được nhắc đến với tần số khá lớn bởi thành tựu mà nghệ thuật này gặt hái được trong 20 năm qua. Những cái tên tiêu biểu được nhắc đến nhiều và đã trở thành tên tuổi tầm cỡ quốc tế là Dinh Q. Lê, Jun Nguyễn Hatsushiba, Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh, Ưu Đàm... Thậm chí, Dinh Q. Lê được công nhận là nghệ sĩ sắp đặt hàng đầu thế giới hiện nay.

Xu thế thượng phong

Hiện nay, các loại hình nghệ thuật thị giác đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art... đang rất phát triển ở thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt (installation), thậm chí đang là xu thế "thượng phong" khi đang là lựa chọn trong hoạt động sáng tác của nhiều nghệ sĩ trẻ và từng bước hòa nhập vào đời sống mỹ thuật Việt Nam. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: "Xuất hiện trên thế giới khoảng 50 năm nay, khởi nguồn từ việc bày các "vật có sẵn" và cả mớ ý tưởng cách tân khác của pop art hay happening art, installation (sắp đặt) đã trở thành loại hình chiếm đoạt không gian đáng sợ nhất của các cuộc triển lãm và hội chợ mỹ thuật thế giới".

Các tác phẩm sắp đặt có các đặc điểm: dùng các vật chất có sẵn, từ rác tới vàng, bạc, kim cương; từ vật dụng trong đời sống hằng ngày đến đồ vật do nghệ sĩ chế tác... Các vật này được sắp đặt, tạo ra một không gian mà người xem sẽ tương tác với nó. Không gian này có thể là một phòng bảo tàng một kiến trúc cụ thể hay một không gian mở ngoài đường phố, thậm chí cả một khoảng thiên nhiên mênh mông. Nó thường tuân theo một ý tưởng hay nhắm vào một chủ đề, có lời bạch để tương tác với người xem. Nó thích gây sốc và gây chú ý bằng các thủ pháp phóng đại, hài hước hay kinh dị… Nó có yếu tố thời gian khi tác giả dùng các chất sẽ biến dạng, các sinh vật có thể sẽ sinh trưởng tàn lụi trong quá trình triển lãm, các chuyển động... Cuối cùng, nó là một dự án được hình thành tại triển lãm và "mất đi" sau khi trưng bày.

Thích thú vì tò mò, lạ lẫm

Khán giả Việt từng xuýt xoa với cách sắp đặt tài tình của nghệ sĩ Yayoi Kusama với triển lãm nghệ thuật sắp đặt "Yayoi Kusama: Những nỗi ám ảnh" vài năm trước. Với gương và bóng chấm bi, nữ nghệ sĩ Kusama đã tạo ra một không gian 2D, 3D kỳ ảo. Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Dân cũng chinh phục công chúng với dự án "Dây và cột điện" và triển lãm sắp đặt "Phố Dân - Dân phố". Anh kể rằng khi triển lãm diễn ra, những vật liệu như cột điện sắt và hệ thống sứ điện, trụ điện, bên trên là quả địa cầu mà anh đặt tên gọi là "Kiệu rước trái đất" khiến nhiều người thấy buồn cười. Về nhà đi ngủ nằm nghĩ lại, anh cũng thấy thật buồn cười. Nhưng nay nó là một tác phẩm được nhiều người nhắc đến khi nói về nghệ thuật sắp đặt.

Mặt nào đó, sự lạ lẫm, thậm chí kỳ quặc của nghệ thuật sắp đặt khiến người xem cảm thấy thích thú, tò mò.

Dù tác phẩm được lưu giữ lại bằng hình ảnh tư liệu nhưng so với công sức đầu tư cho một tác phẩm sắp đặt, việc tháo bỏ quá nhanh cũng khiến không ít người tiếc nuối. Tuy nhiên, với người trong giới, "cảm giác vất vả hoàn thành tác phẩm (từ giai đoạn lên ý tưởng, tìm vật liệu đến hành trình biến ý tưởng thành tác phẩm) khá nhiêu khê rồi ngay khi hoàn thành, tác phẩm nhanh chóng "mất đi" thực sự rất "sướng" - nghệ sĩ Xavier Perrot nói. "Nó giống như mây tụ - mây tan", đến rồi đi nhanh chóng đến mức chúng ta phải hỏi "triển lãm ấy có diễn ra chưa? Tác phẩm ấy có thành hình hay chưa? Đó là khoảnh khắc kỳ diệu nhất của người làm sáng tạo. Một giấc mơ ngắn nhưng vô cùng đẹp đẽ. Đó là bản chất thực sự của nghệ thuật sắp đặt" - nghệ sĩ Andy Cao chia sẻ.

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nghe-thuat-sap-dat-giac-mo-ngan-dep-de-20180621215459169.htm