Nghe tin 1,7 tỷ dự chi cho 3 cán bộ đi Mỹ sau cơn lũ dữ

Tôi nghe Thanh Hóa dự chi 1,7 tỷ đồng cho 3 cán bộ đi Mỹ 'quảng bá địa phương Việt Nam' thì trong đầu lại chỉ toàn hình ảnh về một Mường Lát hoang tàn, đổ nát sau lũ dữ.

Huyện miền núi Mường Lát, Thanh Hóa bị cô lập sau lũ dữ. Phải đến cả tuần liền khi cơn lũ dữ đi qua, người ta mới có thể lội bộ chừng 30km từ ngoài vào đến trung tâm huyện hoặc là theo xuồng của cán bộ ngược dòng sông Mã lên.

Không có con đường nào bằng phẳng, toàn huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn. Những ngôi nhà sụp lún sâu xuống dưới lớp bùn đỏ nhão nhoét hàng mét, đồ đạc trôi nổi khắp nơi, không còn phân biệt được tài sản của nhà nào với nhà nào. Người dân ám ảnh với cơn lũ kinh hoàng, ánh mắt trẻ thơ hoảng hốt vì chứng kiến tận mắt ngôi trường đang học sụp dần vào dòng lũ cuốn dữ dội.

Số người chết và mất tích ở Thanh Hóa dường như vẫn chưa dừng lại, thống kê đến ngày 5/9 vừa qua là 13 người trong đó có 7 người chết. Thiệt hại về tài sản ước tính không phải là con số dưới tiền tỷ. Mường Lát đang cần lắm những tấm lòng sẻ chia để giúp họ vượt qua tai ương này.

Ngôi nhà chìm sâu trong bùn đất sau cơn lũ dữ vừa qua ở Mường Lát, Thanh Hóa.

Vốn đã khó khăn, lam lũ, người dân giờ trắng tay nhìn nhà cửa, ruộng vườn, tài sản suốt một đời tích cóp chìm sâu dưới bùn vô giá trị. Đau xót tột cùng! Ám ảnh về cơn lũ cuồn cuộn dội về cuốn phăng tất cả có lẽ sẽ còn trong tâm trí họ cho đến mãi sau này.

Thậm chí, ngay cả tài sản sinh cơ lập nghiệp của họ là đất ruộng, đất vườn giờ đây cũng chỉ là lớp bùn quánh đặc. Rồi đây họ sẽ mưu sinh bằng gì? Dù không muốn nhưng người ta đã bắt đầu mường tượng ra số lượng hộ nghèo ở địa phương này sẽ tăng lên theo thời gian…

Theo dự kiến thì phải đến 7/9, đường lên huyện Mường Lát mới được thông xe. Những chuyến hàng chờ cứu trợ vẫn nằm dài dưới xuôi, điều đó cũng có nghĩa là người dân Mường Lát đang phải tự khắc phục mọi khó khăn và chưa thể nhận được hàng cứu trợ.

Thế mà mấy hôm nay, tôi đọc trên báo Người Lao Động, ông Phạm Đức Trí, Phó giám đốc trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch (viết tắt là trung tâm Xúc tiến đầu tư; thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa), thông tin rằng, cơ quan này vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thẩm định kinh phí dự chi cho đoàn công tác của tỉnh tham gia chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Mỹ.

Thanh Hóa là 1 trong 5 địa phương trên cả nước, có 3 cán bộ là Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở Ngoại vụ và Giám đốc Trung tâm này cùng đi. Con số dự trù kinh phí cho 3 người thực hiện chuyến đi này là gần 2 tỷ đồng. Tuy chưa được phê duyệt, nhưng cái dự trù đã khiến nhiều người phát hoảng – trong đó có tôi.

Chẳng hiểu vì sao khi tôi nghe Thanh Hóa dự chi 1,7 tỷ đồng cho 3 cán bộ đi Mỹ “quảng bá địa phương Việt Nam” thì trong đầu lại chỉ toàn hình ảnh về một Mường Lát hoang tàn, đổ nát sau lũ dữ.

Dự trù kinh phí cho cán bộ tình Thanh Hóa đi Mỹ lên đến gần 2 tỷ đồng. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Bất cứ ai cũng mong muốn hình ảnh Việt Nam vươn cao, vươn xa hơn, được thế giới biết đến. Chúng ta đều kỳ vọng, sau chuyến đi quảng bá này, nguồn tiền đầu tư về Thanh Hóa sẽ vượt xa con số 2 tỷ đồng. Thanh Hóa giàu lên, đất nước phát triển, đời sống dân sinh được cải thiện, đó là tương lai mà chúng ta đặt niềm tin vào những chuyến đi học tập kinh nghiệm và quảng bá hình ảnh như thế.

Cán bộ đi để tích lũy kiến thức, mang về quê hương nhiều kiến thức quý báu, tôi hoàn toàn ủng hộ. Chẳng phải các cụ dạy rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”? Nên lắm, hợp lý lắm, nhưng cái mà người dân và cá nhân tôi lo lắng là chúng ta thu được gì từ những chuyến đi như thế này?

Vì ngân sách là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, từ đồng thuế nhân dân đóng góp mà có, trong đó, chắc hẳn không thể thiếu những đồng tiền thuế của người dân Mường Lát.

Theo người dân địa phương, đợt mưa lũ ở Mường Lát vừa qua là đợt mưa lũ lịch sử tại huyện vùng cao này trong vòng 60 năm trở lại đây. Nhưng hẳn là chuyến đi Mỹ với dự trù kinh phí gần 2 tỷ đồng của các vị sếp tại tỉnh Thanh Hóa không phải là chuyến đi duy nhất và càng không phải chuyến đi có mức chi phí kỷ lục trong nhiều năm qua.

Nắng mưa là việc của trời, cơn lũ vừa quét qua Mường Lát là sự cố bất ngờ từ thiên nhiên, không ai mong muốn. Chẳng ai có thể vô lý để yêu cầu cán bộ của tỉnh hoãn chuyến đi nước ngoài trị giá bạc tỷ để thêm phần hỗ trợ nhân dân trong lúc khó khăn vì thảm họa thiên tai, vì được biết chuyến đi nằm trong kế hoạch đối ngoại đã được phê duyệt từ trước.

Nhưng như bảng kê các chương trình mà báo chí đăng tải cho thấy tổng số tiền cho 3 người đi hết gần 1,5 tỉ đồng trong 11 ngày, số tiền còn lại là kinh phí in tài liệu và quà tặng phẩm. Liệu rằng, những con số hạch toán này có sát với thực tế hay không? Liệu rằng, khoản chi này có thực sự tiết kiệm tối đa và không lãng phí, “đội giá” hay không? Điều này, chỉ những người có trách nhiệm, có tâm, vì nước vì dân mới có thể trả lời một cách thẳng thắn, minh bạch.

Người dân không ganh đua, không vị kỷ đến mức muốn cán bộ phải dừng đi nước ngoài để ủng hộ tiền cho đồng bào vùng lũ trong tỉnh, nhưng cái họ cần là sự công khai, minh bạch, là từng đồng thuế họ đóng góp để xây dựng, kiến thiết đất nước phải được sử dụng một cách hợp lý, có ích và hiệu quả nhất.

Cái người dân cần không phải là những bảng báo cáo thành tích dài dòng khẳng định chuyến đi thành công rực rỡ, mà đơn giản họ chỉ mong sau mỗi một chuyến công du của cán bộ, với kinh nghiệm thực tế từ nước ngoài, địa phương sẽ bớt đi một dự án nghìn tỷ đang bỏ hoang, bớt đi một cây cầu treo bắc tạm qua sông, bớt đi một con đường lầy lội hay đơn giản là những ngôi nhà mới khang trang, trường học sẽ được sớm mọc lên sau cơn lũ dữ…

Ngay như ở Mường Lát lúc này, những khát khao tương tự như thế có lẽ còn đang mạnh hơn rất nhiều so với sự cuồng nộ của cơn lũ vừa qua.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-tin-17-ty-du-chi-cho-3-can-bo-di-my-sau-con-lu-du-a396698.html