'Nghe trời gió lộng mà thương'

Tôi không phải kiểu người muốn sống nhiều nơi cùng một lúc, nhưng đôi khi ngồi ở núi mà nhớ biển vô cùng, nhất là trong những ngày này. 10 năm trước, tôi rời biển trở về làm người của núi đồi, để lại con sóng nhỏ phủ lên những mỏm đá xa vắng của mùa hè nắng đổ. Chừng ấy tháng năm với biết bao đổi dời, ngoảnh lại, nhớ là nhớ thế thôi chứ thời gian đâu ai giữ được.

Lúc nào tôi cũng muốn nhận mình là nữ sinh Văn khoa Quy Nhơn theo cách gọi thân thương ngày đó. Hồ như với hai chữ “Văn khoa”, ai cũng muốn ôm vào lòng những gì sáng đẹp. Từ Pleiku xuống phố biển độ chừng 200 cây số, không mấy xa xôi nên nhớ quá thì tôi lại về. Đáng ra, mùa hè này là hội khóa 10 năm nhưng cuộc hạnh ngộ dở dang bởi đôi điều. Ngày về, tôi không gặp được nhiều người khi xưa. Quy Nhơn bỗng thành “một vùng biển đầy ắp sự vắng mặt”.

Minh họa: Huyền Trang

Phố biển giờ đây mới mẻ nhưng tôi không muốn khám phá thêm điều gì về nơi này cả. Một chút của xa xưa, như vậy là đủ rồi. Uống cà phê và đi loanh quanh trong phố giữa trưa hè rát bỏng, tôi thầm mơ mình mang áo dài lụa trắng, từ giảng đường chạy về qua chợ khu 6 mua mấy ngàn cá tươi. Chuyện thực của ngày đó sao bây giờ thành ảo ảnh? Phố nhỏ một bước chân dài đến biển, thấy vắng lạnh như thể chỉ nghe được tiếng bước chân mình. Biển không ra vẻ hân hoan, cũng chẳng đìu hiu, chỉ có con sóng dâng nhẹ vào bãi bờ. Tôi trách mình đã mang những câu chuyện xa lạ đến thì thầm cho biển nghe. Nhưng biển chẳng chối từ. Có phải vì vậy mà biển trắng trước mùa đông?

Tôi tìm về Quy Nhơn lần này như một bước lùi vào dĩ vãng. Có người bảo “dĩ vãng” nghe xa xôi quá nhưng kỳ thực đời người được mấy lần “10 năm” đâu. Chúng ta chỉ có những mùa hè để đi tới, không còn mùa hè nào để trở lại. Tôi biết dốc Mộng Cầm vẫn nằm yên ở đó, gầy một dáng trăng. Đường Xuân Diệu vẫn “tình” trong những gì còn sót lại. Cô nữ sinh năm nào “lòng chợt bình yên mà sao buồn thế”. Một thập kỷ trôi, biết mình đã lạc mất quá nhiều thứ. Cũng từng viển vông, cũng từng ngút lòng như con sóng kia, muôn đời nuối tiếc.

Đời sống “cuốn chiếu” mỗi ngày. Tôi sợ những lần thất hẹn. Thế nên vội vã cũng được nhưng phải gặp phố biển đôi lần cho vơi nhớ. Trở lại phố quanh đồi, tôi vẫn có “ghềnh bãi” cho riêng mình. Đó là những ngày lạnh, sương trải mênh mông từ đỉnh dốc chẳng khác nào ân huệ trời ban cho người mộng mơ. Tôi không sống xa nơi này lâu được. Như thể có một vẻ kỳ bí nào đó cứ níu lấy bàn chân. Kể cũng lạ, sương trắng núi đồi tựa sóng bạc đầu khơi xa, bao giờ mới thôi phủ lấp tâm trí con người. Mùa hè này chỉ đợi thêm vài cơn mưa nữa là qua hẳn. Những khi nằm nghe mưa, tôi biết mình sống ở núi để suốt đời nhớ biển.

Quy Nhơn trong tôi là một phần tuổi trẻ. Tôi vẫn nhớ những gương mặt bồi hồi nói lời tạm biệt lúc chia xa. Thấm thoắt “mười năm tắm gội”, chỉ dám cầu mong yên lành cho thầy cô, bè bạn. Tôi gửi lại tôi cho biển, cho những ngày đạp xe trên đường phố Quy Nhơn mà nhớ nhà da diết, quên cả tiếng sóng vỗ bờ rào rạt những trưa quạnh vắng. Tôi mãi là nữ sinh Văn khoa thuở nào. Cuộc hạnh ngộ còn dở dang nhưng tin chắc bạn tôi sẽ tìm về với biển theo một lẽ nào đó. 10 năm nữa, chẳng biết biển có còn bâng khuâng gọi thầm như lời “Biển nhớ” hôm nao nhưng tôi sẽ về, để “nghe trời gió lộng mà thương”…

LỮ HỒNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-troi-gio-long-ma-thuong-post241924.html