Nghề trọng tài bóng đá châu Âu: Những tiếng còi nghìn đô

Chỉ cần một tiếng còi theo đúng ý của dân dàn xếp tỷ số, trọng tài có thể nhận khoảng 60.000 USD, tương đương nửa năm thu nhập của một ông vua sân cỏ ở đẳng cấp cao nhất.

Đề nghị khó cưỡng

Đầu năm 2011, UEFA phanh phui ra việc trọng tài FIFA, Novo Panic đã nhận 60.000 USD để đảm bảo hiệp 2 trận đấu giữa Liechtenstein và Phần Lan, diễn ra hồi tháng 9/2009, thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2010, có ít nhất 2 bàn thắng. Mọi chuyện xảy ra như ý của giới dàn xếp tỷ số. Phút 74, Panic thổi phạt Liechtenstein một quả phạt đền tưởng tượng và Jari Litmanen thực hiện thành công. Sau đó 1 phút, Michele Polverno gỡ hòa cho đội chủ nhà, và kết thúc trận đấu với tỷ số 1-1.

Trọng tài Robert Hoyzer (Đức) phải ngồi tù 14 tháng vì tội dàn xếp tỷ số

Panic chỉ là một cá nhân trong vụ dàn xếp tỷ số lớn bậc nhất châu Âu, sau Calciopoli hồi 2006. Ngoài vị trọng tài người Bosnia, một ông vua sân cỏ đình đám khác cũng bị lôi ra ánh sáng, là Robert Hoyzer. Trọng tài người Đức thừa nhận làm sai lệch kết quả nhiều trận đấu ở Cup Quốc gia Đức và các trận đấu thuộc giải hạng nhì nước này để thắng cá cược. Hoyzer thực hiện các phi vụ từ năm 2001, nhưng mãi tới đầu năm 2005, LĐBĐ Đức (DFB) cùng các công tố viên mới có đủ chứng cứ để đưa vụ việc ra tòa dân sự. Hoyzer bị kết án 27 tháng tù giam, nhưng được tha sau 14 tháng, nộp phạt 70.000 USD. Dù vậy, con số này quá nhỏ so với mức lợi mà ông này thu về. Theo tờ Bild của Đức, một người Croatia ở khu Hoyzer sinh sống bỗng nhiên thắng cược 700.000 USD trong cùng thời gian vị vua sân cỏ một thời cầm còi. Sự trùng hợp này khiến ai cũng phải nghi ngờ.

Trong thời đại internet, một trùm cá độ có thể vươn vòi bạch tuộc đến tận những nơi cách xa nửa bán cầu. Đó là những gì mà Wilson Raj Perumal, trùm cá độ gốc Singapore đã làm để thao túng hàng chục quốc gia và hàng trăm giải đấu trên khắp thế giới. Trong cuốn tự truyện “Những kẻ dàn xếp tỷ số” được Raj viết sau khi ra tù, người đàn ông này thừa nhận, không gì dễ mua chuộc hơn trọng tài để đưa một trận đấu đi đúng ý. “Một cầu thủ không thể định đoạt tỷ số chung cuộc, nhưng một trọng tài thì có thể”, Raj viết. Chỉ cần một tiếng còi, có thể là một quả phạt đền, một chiếc thẻ đỏ, hoặc kết thúc trận đấu trước khi hết thời gian bù giờ, tình thế đã thay đổi 180 độ.

Thù lao dành cho các trọng tài ở bất kỳ nền bóng đá nào luôn cao hơn vài lần so với mức sống trung bình trong xã hội. Tại Anh, một trọng tài điều khiển giải Ngoại hạng có thể kiếm từ 150.000 đến 200.000 USD một năm, gấp bốn lần bình quân GDP đầu người của xứ sương mù. Tại Việt Nam, một trọng tài chính nhận 8 triệu đồng cho mỗi lần ra sân, và thu nhập hàng tháng của họ ở mức vài chục triệu, ngang hoặc cao hơn phần đông những cầu thủ chơi tại V-League. Tuy nhiên, trước những đề nghị bằng cả nửa năm thu nhập, sự dao động của giới cầm còi vẫn là điều khó tránh.

Lôi dân cá cược vào cuộc

Nhận biết một cầu thủ có biểu hiện không bình thường, ví dụ cố gắng lừa bóng qua nhiều hậu vệ cùng lúc, trượt chân trước một cơ hội rõ ràng, để mất bóng dễ dàng hay phạm nhiều lỗi ngớ ngẩn… là điều không khó. Nhưng để phát hiện một trọng tài khác thường lại là điều không dễ. Ngay tại V-League, những sai lầm của các ông vua sân cỏ thường được đổ cho một lý do bất khả kháng, khiến người hâm mộ nào cũng thấy nhàm tai, đó là “lỗi nhận định”. Đã là nhận định thì có thể đúng và sai, và khi sai, người ta chỉ nhận năng lực kém, chứ không bao giờ thừa nhận tư tưởng có vấn đề.

Các trọng tài trong một buổi tập huấn

Phạt một trọng tài là điều không dễ và để làm điều ấy, những nền bóng đá hàng đầu đã mời sự tham gia của các công ty cá cược. Trước, trong và sau mỗi trận đấu, ban tổ chức hoặc đơn vị quản lý nhận thống kê về kèo, tỷ lệ đặt tiền cho mỗi đội một cách liên tục. Thông thường, tỷ lệ xuống tiền cho các “cửa” sẽ theo phân bố chuẩn, nghĩa là khả năng càng dễ xảy ra càng được đặt nhiều tiền. Nếu xuất hiện bất cứ dòng tiền bất thường nào, thông tin sẽ được ghi nhận.

Sportradar, cơ quan giám sát cá cược thể thao, là công ty hàng đầu trong lĩnh vực này. Họ đã bắt tay hợp tác với nhiều LĐBĐ, phát hiện nhiều vụ dàn xếp tỷ số, gần đây là các trận đấu tại SEA Games 29 và đường dây móc ngoặc ở Thai League 2017.

Theo tờ DW, Đức, Sportradar có công đầu trong việc vạch mặt 3 trọng tài cầm còi tại Bundesliga, giai đoạn từ mùa 2010-11 đến 2014-15. Không có dấu hiệu khả nghi nào nếu xem xét riêng từng trận đấu, nhưng khi tổng hợp số liệu sau 5 mùa, các trận đấu do 3 trọng tài trên điều khiển có mức chênh tiền cược đáng kể so với tất cả đồng nghiệp còn lại, nhất là ở cửa tài-xỉu.

CHÂU NHẠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nghe-trong-tai-bong-da-chau-au-nhung-tieng-coi-nghin-do-post218198.html