Nghề từng 'ăn nên làm ra' ở Thạch Long ngày càng mai một

Từng là nghề 'ăn nên làm ra', thu hút cả trăm lao động cùng làm, nhưng giờ đây, nghề đóng tàu ở xã Thạch Long (Thạch Hà) đang đứng trước nguy cơ xóa sổ.

Thời điểm này, về thôn Đông Hà 1, Đông Hà 2 của xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc tàu gỗ cũ kỹ, phai màu đã nằm bờ từ lâu bên dòng sông Vách Nam. Các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền không còn chộn rộn với công việc như trước. Thậm chí, một số cơ sở đã đóng cửa, máy móc, dụng cụ đóng tàu phủ bạt khá lâu.

Là cơ sở duy nhất vẫn có đơn hàng đóng mới tàu gỗ ở thôn Đông Hà 1, xã Thạch Long, ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1971 - chủ cơ sở đóng tàu) cho biết, hiện chỉ có 2 nhân công thực hiện việc đóng con tàu gỗ 9m, công suất 90 CV.

Xưởng của ông Nguyễn Văn Quỳnh là cơ sở duy nhất ở thôn Đông Hà 1 còn có đơn hàng đóng tàu vỏ gỗ mới.

Xưởng của ông Nguyễn Văn Quỳnh là cơ sở duy nhất ở thôn Đông Hà 1 còn có đơn hàng đóng tàu vỏ gỗ mới.

Ông Quỳnh chia sẻ: “Tôi theo nghề đóng tàu từ năm 18 tuổi, đến nay, đã có 33 năm kinh nghiệm làm nghề. Trước đây, cơ sở đóng tàu của tôi luôn có 8 - 10 nhân công, mỗi tháng đóng mới được từ 3 - 5 tàu có công suất từ 90 CV đến 350 CV. Nghề đóng tàu từng cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá, với giá bán tàu nhỏ khoảng 30 triệu đồng, tàu lớn có thể lên đến gần 500 triệu/chiếc; trừ các khoản chi phí, mỗi con tàu hoàn thiện tôi cũng có khoản lãi khoảng 20%”.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh được học nghề đóng tàu từ bố và đã có 33 năm theo nghề. (Trong ảnh: ông Quỳnh đang căng dây để chuẩn bị cưa gỗ làm tàu).

“Tuy nhiên, hiện nay, việc không còn nhiều, mỗi năm chỉ nhận được 4 - 5 đơn hàng đóng mới tàu gỗ loại nhỏ nên cơ sở chỉ có tôi và 2 công nhân còn hành nghề. Với tàu nhỏ 9m này, chúng tôi chỉ mất tầm 1 tháng là đã hoàn thiện” - ông Quỳnh cho biết thêm.

Nghề đóng, sửa chữa tàu ở xã Thạch Long không thu hút được người trẻ mà chủ yếu là người lớn tuổi.

Cũng theo ông Quỳnh, trong khoảng 10 năm trước là thời kỳ hưng thịnh của nghề đóng tàu khi cả thôn có gần 15 xưởng đóng tàu lớn nhỏ, tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động. Hiện tại, còn rất ít cơ sở như của ông hoạt động dù cầm chừng.

Khi nghề đóng tàu không còn hưng thịnh như trước, nhiều người đã tìm công việc mới để làm, số ít vẫn bám nghề nhưng cũng chỉ hoạt động theo thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Long (SN 1974, trú tại thôn Đông Hà 1) - người có 30 năm làm nghề đóng tàu, chia sẻ: “Tôi theo nghề hàng chục năm nay nhưng khi nghề bị mai một, tôi đành chuyển qua làm nông. Khi xưởng đóng tàu của ông Quỳnh có đơn hàng, tôi mới đi làm lại. Tiền công được tính theo ngày, mỗi ngày được 350 nghìn đồng, tính ra khi hoàn thiện một con tàu, tôi cũng có thu nhập khá cao, khoảng 10 triệu đồng nhưng không phải tháng nào cũng có việc để làm”.

Những lúc có đơn hàng đóng tàu mới, ông Long mới làm lại nghề đóng tàu.

Cạnh xưởng đóng tàu của ông Quỳnh là cơ sở sửa chữa tàu của ông Võ Công Tín (SN 1974). Không có đơn đặt hàng đóng tàu như xưởng của ông Quỳnh, cơ sở của ông Tín chuyển sang nhận cải hoán, sửa chữa, sơn sửa định kỳ các tàu cá. Và, đây là hướng đi hiệu quả khi cơ sở của ông Tín đang hoạt động nhộn nhịp nhất ở xã Thạch Long trong thời điểm này.

Hiện nay, cơ sở sửa chữa tàu của ông Tín đang tạo việc làm cho 6 nhân công với tiền công mỗi ngày khoảng 300 nghìn đồng.

Để duy trì nghề, ông Tín đã chuyển qua cải hóa, sửa chữa, sơn sửa định kỳ các tàu cá.

Ông Tín cho biết: “Tôi theo nghề đóng tàu đã gần 30 năm nay. Khoảng 3 năm trở lại đây, ngư dân đi biển bằng tàu gỗ đã ít đi mà thay vào đó là tàu vỏ thép nên chẳng còn đơn hàng đóng mới tàu vỏ gỗ. Để duy trì nghề, tôi chuyển qua cải hoán, sửa chữa tàu”.

Mỗi năm, cơ sở của ông Tín nhận sửa chữa cho gần 200 lượt tàu, chủ yếu là các lỗi nhỏ với tiền công từ 2 – 10 triệu đồng/tàu. Nhờ vậy mà cơ sở vẫn duy trì được công việc quanh năm, không phải đóng cửa tạm thời như các xưởng đóng tàu khác. Dù tiền công cho việc sửa chữa tàu khá cao nhưng vẫn không thu hút được lao động trẻ mà chủ yếu là người lớn tuổi, người đã có kinh nghiệm làm nghề.

Cơ sở sửa chữa tàu của ông Tín đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập khá.

Ông Phạm Đình Diệu - Trưởng thôn Đông Hà 1 cho biết: Nghề đóng tàu ở địa phương đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước và phát triển mạnh nhất trong những năm 2010 - 2017, nhất là ở thôn Đông Hà 1 và Đông Hà 2. Thời vàng son, thôn này có hàng chục cơ sở và hàng trăm nhân công làm nghề.

Hiện nay, nghề này đang dần mai một. Trên địa bàn 2 thôn chỉ còn cơ sở của ông Quỳnh và ông Tín ở thôn Đông Hà 1 đang hoạt động. Ở thôn Đông Hà 2 có 3 cơ sở đóng và sửa chữa tàu nhưng ít khi hoạt động, chỉ lúc nào có đơn hàng chủ cơ sở mới gọi nhân công đến làm. Đây là một điều đáng buồn cho nghề truyền thống của địa phương.

Một xưởng đóng tàu ở thôn Đông Hà 1 đã xuống cấp, máy móc được phủ bạt suốt thời gian dài.

Nói về nguyên nhân khiến nghề đóng tàu dần mai một, ông Diệu cho biết, ngư dân dần chuyển qua tàu vỏ thép nên các cơ sở đóng tàu gỗ không có nhiều đơn hàng mới. Thêm vào đó, mặt bằng tại các cơ sở đã chật hẹp hơn, không đủ khả năng tiếp nhận những con tàu có trọng tải lớn. Ngoài ra, gỗ để đóng tàu chủ yếu là gỗ táu và săng lẻ ngày càng cạn kiệt khiến giá gỗ trở nên đắt đỏ, kéo theo giá tàu cũng tăng theo.

Lớp trẻ trong thôn cũng không ai theo nên nghề đóng tàu ở địa phương dần mai một là điều dễ hiểu...

Nghề đóng tàu ở địa phương đang dần mai một khi không có lớp trẻ kế cận theo nghề và không có đơn hàng mới. Vì thế, trước mắt, địa phương đang vận động các chủ cơ sở đóng, sửa chữa tàu tìm kiếm thị trường mới từ các tỉnh, thành lân cận để tạo thêm việc làm cho người dân và giữ nghề truyền thống. Đồng thời, địa phương cũng định hướng cho các lao động làm nghề đóng tàu chuyển hướng sang nghề khác song song với việc đóng tàu lúc có đơn hàng.

Ông Phan Tố Hoài - Chủ tịch UBND xã Thạch Long

Anh Thùy

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/nghe-an-nen-lam-ra-mot-thoi-o-thach-long-ngay-cang-mai-mot/231593.htm