Nghe và thấy:Phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng khoáng sản titan

Bình Thuận - tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ được xem là địa phương sở hữu tiềm năng, lợi thế rất lớn về khoáng sản titan với trữ lượng xấp xỉ 600 triệu tấn, chiếm tỷ lệ khoảng 92% của cả nước…

Trong 9 dự án khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch tại Bình Thuận, duy chỉ có KCN Sông Bình với quy mô 300 ha là mang tính chất đặc thù chuyên chế biến khoáng sản titan. Theo đó, KCN Sông Bình trên địa bàn huyện Bắc Bình được khởi công xây dựng hạ tầng từ năm 2013 và đã đủ điều kiện thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư. Tính đến cuối năm 2023, KCN này thu hút 3 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực và có 1 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh là Nhà máy nghiền Zircon siêu mịn Sông Bình, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động… Ngoài KCN Sông Bình, hiện trên địa bàn huyện Bắc Bình cũng có một vài doanh nghiệp tham gia khai thác và chế biến khoáng sản (tuyển tinh Ilmenite - Zircon, sản xuất Zirconium - Titanium), góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Dù đạt một số kết quả nhất định, tuy nhiên thực tế cho thấy lĩnh vực chế biến khoáng sản titan tại Bình Thuận chưa phát huy lợi thế và phát triển xứng tầm tiềm năng của địa phương. Riêng với KCN Sông Bình, do công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi dự án thứ cấp trong thời gian qua còn hạn chế và đem lại hiệu quả chưa cao, nên tỷ lệ lấp đầy chưa đạt như kỳ vọng. Đối với dự án đang hoạt động thì cũng gặp không ít khó khăn, nguyên nhân do ảnh hưởng tình hình bất ổn của thế giới, thị trường có nhiều biến động và cả nguyên liệu đầu vào. Mặt khác với các quy định chặt chẽ về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và điều kiện lựa chọn nhà đầu tư như hiện nay cũng dẫn đến việc thu hút vào lĩnh vực này đã khó lại càng khó hơn… Vừa qua, những vấn đề nêu trên cũng được đề cập, phản ánh nhân các buổi khảo sát thực địa của lãnh đạo UBND tỉnh tại dự án KCN Sông Bình và một số doanh nghiệp tham gia chế biến titan trên địa bàn huyện Bắc Bình.

Một dự án tham gia hoạt động chế biến khoáng sản titan trên địa bàn huyện Bắc Bình (Ảnh minh họa).

Được biết những khó khăn, hạn chế trên lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến Quyết định (số 866, ngày 18/7/2023) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung: Việc cấp phép thăm dò, khai thác mới phải gắn với chế biến sản xuất ra pigment; lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án khai thác mới phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu khai thác đến chế biến sản xuất ra pigment, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó còn có nội dung: Đối với các dự án khoáng sản, cơ quan cấp đăng ký đầu tư lấy ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch khoáng sản về sự phù hợp quy hoạch, phù hợp của công nghệ, thiết bị, sản phẩm sau chế biến, sự đáp ứng về nguyên liệu khoáng sản cho chế biến trước khi cấp phép…

Do vậy từ tình hình thực tế ở địa phương, sở ngành và đơn vị chức năng cần tiếp tục rà soát, tổng hợp những trường hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đủ năng lực tiếp cận đầu tư ngành nghề này và thuận lợi hơn trong việc phối hợp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Qua đó phát huy lợi thế, tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng khoáng sản titan theo định hướng. Đồng thời thúc đẩy công nghiệp Bình Thuận vươn lên, góp phần tăng thu ngân sách cũng như giải quyết thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nghe-va-thay-phat-huy-loi-the-khai-thac-hieu-qua-tiem-nang-khoang-san-titan-119059.html