Nghe và xem 'Sân khấu về khuya' tại Sydney

Sydney - thành phố lớn nhất nước Úc, cách Sài Gòn khoảng 8 giờ bay. Vậy mà, sáng hôm 2.11, Sydney và Sài Gòn cứ như chung một sân nhà, khi tôi nghe thấy trên Radio 2SER, sau lời giới thiệu bằng tiếng Anh, vang lên một câu vọng cổ ngọt ngào. Chèn đéc ơi, đó là tiếng hát của Thanh Nga và lại là trích đoạn trong vở cải lương 'Sân khấu về khuya' của nghệ sĩ Năm Châu đã đi vào kinh điển, lẫy lừng từ hơn 50 năm trước!

“Điểm tâm” cải lương trên radio Sydney

Radio 2SER, phát trên sóng 107.3 FM là một đài công cộng được hai đại học danh tiếng Macquarie và UTS ở Sydney tài trợ, không phải là đài thương mại. Đài có chương trình Breakfast (Điểm tâm) vào “giờ vàng” 6-9 giờ sáng, là giờ các gia đình đã thức dậy và lên xe đến trường và công sở. Đây là chương trình phỏng vấn - chit chat chủ yếu về văn hóa, trước nhất là âm nhạc.

Sáng 29.10, rất bất ngờ Radio 2 SER mời hai vị khách Việt Nam đến “nấu” món “cải lương” chuẩn bị lên sóng cho buổi 2.11. Hai “đầu bếp” hôm ấy là nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên và “ông bầu” Trương Quang Minh (Hội Nghệ sĩ Việt Nam Úc Châu).

Phỏng vấn về cải lương tại Radio 2 SER Sydney ngày 31.10 (từ trái: cô Jess Klajman, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, ông Trương Quang Minh). Ảnh do nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cung cấp

Trước khi đến đài, anh Minh phôn cho người viết: “Cũng hơi run, hồi hộp như trước khi lên sân khấu. Chưa biết họ sẽ hỏi gì về cải lương. Phải làm gì đây để họ thưởng thức được chất nhạc và kịch độc đáo của cải lương không chỉ qua lời nói của mình!”. Hồi hộp như vậy nhưng anh cho biết sẽ mang theo một “bảo bối” mới có được hôm qua. Đó là năm chiếc dĩa hát cải lương ngày xửa ngày xưa, do một người bạn từ Sài Gòn vừa mang sang, 24 giờ trước. Năm chiếc dĩa sản xuất từ những năm 1960, cũ kỹ, sờn mòn, chưa biết đem qua đây có bị “hắt hơi xì mũi” hay không. Anh Minh không xài máy hát dĩa (vinyl records) và chưa kịp tìm máy để thử.

Cả hai anh Minh và Tuyên đến studio Radio 2SER với tâm trạng đầy háo hức nhưng cũng không kém âu lo, vì đây là lần đầu tiên một đài radio Úc phỏng vấn về cải lương. Hơn nữa, càng hồi hộp khi nghĩ đến làn sóng thu âm sẽ phát vào “giờ vàng” cùng lúc phát trên internet và lưu giữ trên website của đài, cho hàng triệu thính giả.

Bốn ngày sau, người viết nghe trên website 2SER.com chương trình này, cũng hồi hộp và vui mừng không kém. Chao ôi, cô Jess Klajman - người dẫn chương trình, giọng nói rất duyên dáng, mê hoặc đồng thời câu hỏi và nhận xét rất sắc sảo, cụ thể. “Bravo”, cả hai diễn giả Việt Nam đều đối đáp, kể chuyện có duyên bằng tiếng Anh lưu loát. Anh Minh - dân Huế, đi học kỹ sư ở Úc, gần 50 năm trước nhưng “mê” cải lương và đi làm “bầu gánh” từ 20 năm nay.

Anh Tuyên - sinh trưởng ở Sài Gòn, đi học và giảng dạy âm nhạc tại Úc, nghiên cứu và viết sách về âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã lâu. Cả hai “tài tử” đều không lo “múa rìu qua mắt thợ”!

Những chiếc dĩa cải lương “cổ vật Sài Gòn”.

Tuy nhiên, cái điều anh Minh âu lo về mấy chiếc dĩa, quả thật đã xảy ra. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên kể lại, vào cuối phần trao đổi, cô Jess ngỏ ý muốn được nghe tiếng hát cải lương ngay tại phòng thu. Lúc ấy, mấy chiếc dĩa “cổ vật Sài Gòn” được đem ra thử ở máy hát dĩa thời nay đều “không nói nên lời”. Sau đó, thời may, một chuyên viên kỹ thuật của đài ra tay chỉnh sửa thì chiếc dĩa Sân khấu về khuya đã cất tiếng hát.

Cô Jess nghe tiếng hát và tiếng nhạc, thốt lên “tuyệt vời!”. Cô càng tâm đắc hơn khi nghe anh Minh tóm tắt câu chuyện trong vở diễn và thông điệp của tác giả là muốn cải lương phải luôn phụng sự Chân-Thiện-Mỹ, có cải cách hay tân trang gì đi nữa thì cũng không thể quên nghệ thuật chân chính. Nghe vậy, cô Jess quyết định ghi âm lại dĩa hát và báo sẽ cho thính giả nghe một trích đoạn khi chương trình phát sóng. Và đài 2SER đã phát sóng cải lương, đồng thời lưu lại trên web.

“Đại tiệc” tự làm - kỷ niệm 100 năm cải lương

Không phải ngẫu nhiên Radio 2SER lại đưa cải lương vào buổi “điểm tâm” 2.11. Qua báo chí, đài biết được Hội Nghệ sĩ Việt Nam Úc Châu sẽ tổ chức chương trình “Cai Luong Centenary - An Australia Connection” (100 năm cải lương - nhịp cầu Úc Châu) vào chiều 10.11.2018, tại Trung tâm văn hóa Bryan Brown - thành phố Canterbury-Bankstown thuộc Sydney. Đây là thành phố hơn 300 ngàn dân nhưng có đến 130 loại ngôn ngữ khác nhau, rất tiêu biểu cho xã hội đa văn hóa của Úc. Riêng khu Bankstown cũng chính là một trong nhiều “Little Saigon” - trung tâm người Việt ở Sydney. Khoảng 14% dân số tại đây là gốc Việt, có quảng trường Sài Gòn, có trường dự bị đại học mang tên Petrus Ký, nhiều tiệm phở, cửa hàng mang tên Việt sầm uất. Và đặc biệt có “gánh cải lương” Hội Nghệ sĩ Việt Nam Úc Châu, đã diễn hơn 50 vở từ năm 1998 đến nay.

Xin phép gọi đây là “gánh nghệ sĩ”, những người từng “mê hát”, “đi hát”, từng soạn nhạc, soạn vở cải lương ở Sài Gòn, qua Úc mang theo câu vọng cổ, mang theo ánh đèn sân khấu, tự nguyện hợp lại với nhau để được hát, được diễn chỉ vì nghệ thuật . “Gánh nghệ sĩ”, có đủ người già người trẻ, có cả thầy tuồng”, nhạc công, người chụp ảnh... Ai cũng “ăn cơm nhà, vác ngà voi”.

Soạn giả Trúc Quân trong trang phục áo dài trình bày cách viết cải lương, với các nghệ sĩ hát minh họa. Ảnh: PT

Lần này, “gánh nghệ sĩ” ở Sydney dám “vác ngà voi” khá nặng cân. Các anh chị tự mình đứng ra tổ chức một chương trình kỷ niệm 100 năm cải lương, bao gồm không chỉ một mà hai vở diễn. Và không chỉ diễn mà còn kết hợp với thuyết trình. Hơn nữa, không chỉ một mà có đến năm cuộc nói chuyện về lịch sử và dấu ấn cải lương. Càng thử thách hơn, chương trình không chỉ dành cho khán giả Việt Nam mà còn mở rộng cho khách Úc. “Gánh nghệ sĩ” lại còn “to gan” không những không bán vé (chỉ ghi tên qua mạng để nhận vé) mà còn tự bỏ tiền thuê khán phòng 150 chỗ ở nhà hát hiện đại của Bankstown. Anh em trong “gánh” được thêm bè bạn hỗ trợ, âm thầm chuẩn bị cho chương trình này gần một năm nay.

Anh Minh cho biết hai trích đoạn vở diễn Tuyệt tình ca (tuồng xưa ở Sài Gòn, soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp) và Thảm kịch xanh (tuồng nay của chị Trúc Quân - “thầy tuồng của gánh”) được các nghệ sĩ tập dượt 28 lần trong mấy tháng trời. Các nghệ sĩ Minh Quang, Ngọc Hà, Thạch Vũ, Ái Thanh, Phương Hoa, Kim Thúy, Lê Trí, Minh Tiến, Kim Phượng và các nhạc công, ca diễn và đờn hát ngọt ngào, nhuần nhụy nhưng không đòi hỏi thù lao. Các diễn giả cũng tham gia với tinh thần đóng góp tự nguyện - “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Những người “mê hát” và “đi hát” cải lương, ở quê hương và nhất là nơi xa xứ, sau một trăm năm, vẫn tiếp tục yêu, tiếp tục diễn cho dù phải chòi đạp, bươn chải khi cải lương không còn thịnh hành. Cái tình nghĩa quý hiếm đó, làm sao giữ được lâu dài?

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên làm bài thuyết trình rất công phu về đặc điểm âm nhạc và kịch nghệ của cải lương trong đối sánh với nhiều loại hình sân khấu từ phương Tây sang phương Đông. Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp - tác giả sách Lịch sử hát bội, đờn ca tài tử và cải lương, chia sẻ nhiều điều thú vị về các thời kỳ vàng son của cải lương. Anh Trương Quang Minh trình bày sinh hoạt cải lương tại Úc trong 20 năm qua. Anh cho biết hạt giống cải lương đã được người Việt gieo trồng và được nhiều cá nhân, cơ quan, tư nhân cũng như chính phủ tại Úc, tiếp tay vun xới để vững sống cho đến ngày nay.

Trong khi đó, chị Trúc Quân, vừa là soạn giả vừa là đạo diễn vở Thảm kịch xanh (nói về chuyện các gia đình Việt Nam ở Úc đấu tranh chống các tệ nạn cờ bạc, ma túy). Chị còn có bài nói chuyện về cách soạn tuồng cải lương kèm theo minh họa của các nghệ sĩ. Bản thân người viết được mời tham gia giới thiệu “Cải lương trong ký ức Sài Gòn” thông qua các chứng tích từ nhà hát, dĩa hát, sách báo, truyền hình, phim ảnh. Trong đó, có bộ ảnh 12 nghệ sĩ cải lương “vang bóng một thời” do nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu chụp hơn 50 năm trước.

“Tình nghĩa cải lương” quý hiếm

Chương trình kỷ niệm 100 năm cải lương diễn ra trang trọng (từ 1 đến hơn 5 giờ chiều thứ Bảy 10.11) với đông đảo khách Việt nhiều thế hệ đến từ nhiều nơi của Sydney. Ngoài ra, còn có khoảng 20 khách Úc, trong đó có bà Clare Raffan - Phó thị trưởng Bankstown, bà Wendy Varney - giáo sư Đại học Wollongong. Trong khán phòng, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, người đi du học đã lâu, không giấu giọt nước mắt khi xem vở Tuyệt tình ca một thời nổi tiếng với “sầu nữ” Út Bạch Lan. Khán giả Việt càng thổn thức khi nghe tiếng hát Thanh Nga và Thành Được bất ngờ cất lên từ dĩa hát Sân khấu về khuya. Bữa tiệc cải lương càng thêm “ngon miệng” khi khán giả được nghe chuyện cải lương nhìn từ nhiều góc độ.

Khán phòng chương trình 100 năm cải lương - Nhịp cầu Úc Châu, chiều 10.11. Ảnh: NLT

Tiến sĩ Mai Viết Thủy, cậu học sinh Petrus Ký ngày nào, trong phần chia sẻ cảm tưởng, lần đầu tiên thổ lộ thân phụ mình từng là bầu gánh cải lương ở Cần Thơ, cho nên ông mê cải lương từ ngay gốc cho đến bây giờ. Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp nhấn mạnh cải lương ngay từ lúc ra đời không chỉ dành cho giới bình dân mà còn có rất nhiều “fan” là trí thức, thương gia. Kể cả nhiều người đi học bên Tây về cũng tham gia viết tuồng, làm bầu gánh, đem đến cho cải lương các cách thức tổ chức biểu diễn mới mẻ mà bây giờ gọi là “show biz”.

Cuối chương trình, một sinh viên người Việt - thạc sĩ kiến trúc gặp các diễn giả, lễ phép xin copy các bài nói. Anh nói đến đây vì “đi theo má cho má vui” nhưng rồi sau khi nghe hát và nghe nói chuyện lại thấy nhiều điều hay, muốn khám phá cải lương tiếp. Trong khi ấy, nhiều khán giả già trẻ, trước khi chương trình bắt đầu và trong lúc giải lao, đã ùa đến chụp hình cùng các nghệ sĩ và bạn bè trước các poster của chương trình. Trên đó là hình ảnh các nghệ sĩ Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi - những năm 1930, hình từ quyển sách nổi tiếng của cụ Vương Hồng Sển 50 năm mê hát cải lương. Và hình 12 nghệ sĩ qua ống kính Đinh Tiến Mậu. Cụ Sển trên trời xanh nhìn thấy cảnh này chắc sẽ vuốt râu cười khà khà về cái tật “mê hát cải lương” 50 năm kế tiếp dù trong nước hay hải ngoại, vẫn còn đó.

Trích đoạn Thảm kịch xanh tại chương trình. Ảnh: PT

Riêng tôi, không quên được hình ảnh cuối buổi, toàn “gánh nghệ sĩ” và thân hữu, vẫn ở lại mỗi người một tay dọn dẹp đạo cụ, phông màn trên sân khấu và các hình ảnh trang trí trong khán phòng. Mỗi nghệ sĩ tự mình kéo một chiếc vali to đựng trang phục biểu diễn ra xe. Có người còn mang theo lọ hoa và một vài đồ vật sử dụng trên sân khấu. Chị Trúc Quân, sau khi thay chiếc áo dài sang trọng, mặc vào bộ trang phục bình thường, “goodbye” đồng nghiệp, rồi lái chiếc xe hơi to nhưng chỉ có mình chị và chật ních đạo cụ, thùng này thùng kia...

Chao ơi, đúng là cái cảnh “vãn tuồng”, cái cảnh “sân khấu về khuya” cô đơn, buồn buồn. Chao ơi, cái tình nghĩa cải lương (nói như Sơn Nam, “tình nghĩa giáo khoa thư”) thắm thiết, sâu đắm, hy sinh đến chừng nào. Những người “mê hát” và “đi hát” cải lương, ở quê hương và nhất là nơi xa xứ, sau một trăm năm, vẫn tiếp tục yêu, tiếp tục diễn cho dù phải chòi đạp, bươn chải khi cải lương không còn thịnh hành. Cái tình nghĩa quý hiếm đó, làm sao giữ được lâu dài? Không một tiếng thở dài, “ông bầu” Minh, một tay bưng chiếc máy hát dĩa, một tay cầm các poster vừa gỡ ra cuộn tròn, nói với người viết, bằng giọng Huế nhỏ nhẹ: “Nghỉ xả hơi đã. Sang năm ráng làm tiếp, sắp đến vở 55. Mỗi năm chúng tôi cố gắng diễn hai lần, nhưng năm nay với sô này là có thêm lần thứ ba”.

Mong sao các anh chị vững bước “chân cứng đá mềm”, có thêm quý nhân hỗ trợ, tiếp tục làm sô, tiếp tục nuôi dưỡng nghệ thuật quê nhà trong nhiều thế hệ công chúng. Kể cả, giao lưu, giới thiệu tinh túy văn nghệ Việt Nam với nước ngoài.

Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghe-va-xem-san-khau-ve-khuya-tai-sydney-16321.html