Nghẹt thở chiêm ngưỡng những đường 'bay' F1 trên thế giới

Những cung đường đua công thức 1 (F1) trở thành kiệt tác ở khắp các quốc gia bởi sự đầu tư hoành tráng cũng những thiết kế độc, lạ không kém phần xa hoa.

Mới đây, Việt Nam đã ký kết thành công bản hợp đồng với tập đoàn F1 thế giới, kể từ năm 2020 chúng ta sẽ được thưởng thức những màn phô diễn tốc độ ngay tại thủ đô Hà Nội.

Viet Nam Grand Prix

Chặng đua F1 tại Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020 và diễn ra ở khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liên, Hà Nội). Chặng đua dự kiến tổ chức trong vòng 1 tuần kết hợp trường đua được xây mới và hệ thống đường giao thông hiện có.

Chặng đua được thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức, sau đó giao cho công ty Việt Nam Grand Prix là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện chặng đua xe F1, phí đăng cai do công ty này chi trả cho F1.

Bản phác thảo 3D chặng đua tại Việt Nam.

Trước Việt Nam, đã có 8 quốc gia châu Á đăng cai giải đua "hot" nhất hành tinh này.

Điều khiến công chúng chờ đợi không chỉ là những tiếng "gầm" mạnh mẽ từ những chiếc xe đua mà còn là vẻ đẹp đầy ma mị của những cung đường "bay" 340km/h.

Đua xe công thức 1 (Formula One), còn gọi là thể thức 1 hay F1, là một môn thể thao tốc độ chuyên về đua ô tô bánh hở cao nhất theo định nghĩa của liên đoàn ô tô quốc tế (FIA). "Công thức" trong tên gọi là để chỉ một loạt quy định mà tất cả người và xe tham gia phải tuân thủ.

Xe hơi công thức 1 khi đua với tốc độ cao nhất có thể lên tới 360 km/h với vòng tua máy lên tới 19.000 vòng một phút.

Cuộc đua F1 là giải đấu quy tụ những công nghệ tân tiến nhất của nền công nghiệp ô tô toàn cầu với các mẫu động cơ hiện đại, hệ thống điều khiển thông minh cùng những mẫu xe mới nhất.

Giải đua xe công thức 1 không chỉ là sự kiện truyền hình lớn với khoảng 55 triệu người theo dõi trực tiếp mỗi cuộc đua trên khắp thế giới mà còn được mệnh danh là vua của mọi giải đua xe, môn thể thao đắt đỏ nhất hành tinh.

Bên cạnh cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các hãng xe là sự đấu trí về chiến thuật giữa các tay đua qua từng khúc cua, từng vòng đua hay mỗi lần thay lốp.

Loạt cuộc đua F1 có nguồn gốc từ giải Grand Prix đua mô tô vào những năm 1920 và 1930. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức tại Silverstone vào năm 1950. Đến nay, giải đua xe F1 hàng năm đã được tổ chức thành 21 chặng đua mang tên Grand Prix tại 21 nước.

Nhật Bản - Đường đua khó nhất thế giới

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tại châu Á đăng cai một chặng đua của F1 và đến nay đã tổ chức thành công 34 sự kiện.

Hai mùa giải 1976 và 1977 được tổ chức tại trường đua Fuji tại Oyama. Nhật sau đó ngừng đăng cai cho đến năm 1987, khi giải đua diễn ra ở đường đua quốc tế Suzuka Speedway tại Mie, thuộc đảo Honshu.

Là một trong những chặng cuối cùng trong năm, Japanese Grand Prix đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ngôi vương tại F1. Tính đến mùa giải 2018, tổng cộng 13 nhà vô địch được gọi tên sau khi kết thúc đường đua tại xứ Mặt trời mọc.

Đường đua Quốc tế Suzuka tại Mie, Nhật.

Đường đua Suzuka được xây dựng năm 1962 do kiến trúc sư John Hugenholtzm thiết kế và là đường đua thử xe của Honda.

Tại giải F1, đường đua này được mệnh danh là đường đua có độ khó thuộc loại bậc nhất trên thế giới với chiều dài 5,807 km có nhiều khúc cua thay đổi liên tục. Mặt đường đua rộng từ 12m đến 14m với 17 góc cua lớn nhỏ và được cải tạo thường xuyên qua các mùa giải nhằm giảm bớt lực văng xe khi băng qua những khúc cua tốc độ cao.

Để hoàn thành phần đua, các tay đua phải hoạt động liên tục, đổi số linh hoạt thực hiện cuộc đua với tổng chiều dài 307,573 km, tức 53 vòng chạy.

Malaysia

Malaysian Grand Prix được tổ chức tại trường đua quốc tế Sepang từ năm 1999. Được biết chính phủ Malaysia đã tiêu tốn 75 triệu USD để xây dựng đường chiến F1 có chiều dài 5,543 km. Chặng đua tại đây có tổng chiều dài 310,408 km với 56 vòng chạy.

Sau khi Singapore đăng cai tổ chức F1, "đảo quốc sư tử" đã nuốt trọn Malaysia khiến Malaysia gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến đường đua đêm vốn được Malaysia dự kiến thực hiện vào năm 2008 bị hủy bỏ.

Vào năm 2017, bởi chi phí tổ chức vượt quá cao so với con số thu về nên Malaysia đã quyết định tạm dừng đăng cai giải đua xe nhanh nhất thế giới.

Ông Khairy Jamaluddin - Bộ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia cho hay: "Chúng tôi sẽ tạm dừng Malaysian Grand Prix, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Chi phí đang bị đẩy lên quá cao vượt quá số thu về".

Trung Quốc

Vào thời điểm hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2004, China Grand Prix tại Thượng Hải là trường đua đắt đỏ nhất thế giới với kinh phí xây dựng lên tới 240 triệu USD có chiều dài 5,451km. Chặng đua tại đây có tổng chiều dài 305,066km với 56 vòng đua.

Trước đó, từ đầu năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch xây dựng một đường đua F1 tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, đường đua này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của FIA.

China Grand Prix là nơi sở hữu những khúc cua khó bậc nhất làng F1, đòi hỏi các tay lái phải làm chủ tốt khi đang lái với tốc độ cao. Nơi đây đã chứng kiến sự thống trị của Lewis Hamilton với 5 lần chiến thắng, lần gần nhất là vào năm 2017.

Bahrain

Bắt đầu đăng cai vào năm 2004, Bahrain đã mang F1 về với các khán giả tại khu vực Trung Đông. Bahrain Grand Prix đầu tư đường đua tại Sakhir với tổng chi phí xây dựng lên tới 150 triệu USD có chiều dài 5,412 km. Chặng đua tại đây có tổng chiều dài 308,405 km với 57 vòng đua.

Với sự đầu tư nghiêm túc và phong cách làm việc chuyên nghiệp, Bahrain Grand Prix được Liên đoàn xe hơi quốc tế bầu chọn là "chặng đua được tổ chức tốt nhất", vinh dự là nơi mở màn của 2 mùa giải F1 năm 2006 và 2010.

Có một điều đặc biệt là sau chiến thắng, các tay đua thường chúc mừng bằng thức uống không cồn truyền thống tại nước này làm từ hoa hồng gọi là Waard để thay cho sâm panh.

Năm 2014, để kỷ niệm 10 năm tổ chức, Bahrain đã quyết định chuyển thời gian tranh tài về đêm sau khi hoàn thành hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại. Đến nay, những chặng đua đêm vẫn được duy trì tại Bahrain.

Singapore

Singapore Grand Prix là chặng đua đầu tiên trong lịch sử F1 tổ chức vào đêm và diễn ra trên đường phố, là nơi duy nhất tổ chức giải đua đêm trên đường phố ở châu Á. Vào 20 giờ, các tay đua nổ máy xuất phát để tránh nhiệt độ cao vào ban ngày và giúp các khán giả ở châu Âu được xem truyền hình trực tiếp vào buổi trưa.

Singapore Grand Prix được xây dựng tại vịnh Marina và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015.

Đường "bay" có chiều dài 5,065 km với 1.500 bóng đèn cao áp hiện đại theo dọc đường đua để cung cấp ánh sáng. Chặng đua tại đây có tổng chiều dài 308,828 km với 61 vòng chạy.

Để phục vụ các đội đua và chứa thiết bị, Singapore đã mạnh tay xây dựng một tòa nhà dài 350m tại đại lộ Raffles với chi phí gần 24 triệu USD.

UAE

Thực hiện đúng lời nói "Chúng tôi sẽ đưa giải F1 lên một tầm cao mới. Đó không còn là một sự kiện thể thao nữa mà là một ngày hội của toàn thế giới" của ông Khaldoon al Mubarak, CEO của Tập đoàn Mubadala, các nước thuộc Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE đã đổ số tiền khổng lồ lên tới 6 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo ra trường đua Abu Dhabi hiện đại bậc nhất thế giới.

Đường đua Yas Marina có chiều dài 5,554 km. Chặng đua tại đây có tổng chiều dài 305,355 km với 55 vòng chạy.

Hàn Quốc

Korean Grand Prix được tổ chức vào năm 2010 tại đường đua Yeongnam có trị giá 75,5 triệu USD với chiều dài 5,615 km. Tuy nhiên giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này chỉ kéo dài trong vòng 3 năm tại xứ Kim Chi.

Lý do khiến Hàn Quốc "chết yểu" trong cuộc chơi F1 này đến từ thua lỗ và những bất đồng khó giải quyết giữa nhà tổ chức Hàn Quốc và FIA. Sau khi tuyên bố chấm dứt, không ít các ý kiến chỉ trích cơ sở này lãng phí và thất bại.

Ấn Độ

Ấn Độ đã chi 400 triệu USD để xây đường đua quốc tế Buddh tại bang Uttar Pradesh. Đường đua có chiều dài 5,125 km với tổng chiều dài cuộc đua 307,249 km, tức 60 vòng chạy.

Indian Grand Prix khởi tranh lần đầu vào ngày 30/10/2011. Do mâu thuẫn liên quan đến vấn đề thuế với bang Uttar Pradesh, Indian Grand Prix không được tổ chức kể từ năm 2013.

Minh Anh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/521/nghet-tho-chiem-nguong-nhung-duong-bay-f1-tren-the-gioi-355550.html