Nghi án Cuba cài rệp siêu thanh khiến nhiều nhà ngoại giao Mỹ bị điếc

Theo các cựu quan chức tình báo Mỹ, ít nhất 16 nhân viên Sứ quán Mỹ ở Cuba bị điếc, bị mất thính lực cùng các triệu chứng khác, là vì tình báo Cuba sử dụng thiết bị nghe lén 'dỏm'.

Du khách lái xe cổ chạy ngang Sứ quán Mỹ ở Havana-Ảnh: Reuters

Du khách lái xe cổ chạy ngang Sứ quán Mỹ ở Havana-Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao và Cơ quan an ninh ngoại giao Mỹ đang điều tra vụ việc, và một số nhà ngoại giao bị nặng nhất đã được sơ tán về Miami để khám và chữa trị.

Mỹ khẳng định không phát hiện 'vũ khí âm thanh đánh điếc tai’ nhà ngoại giao Mỹ

Hồi đầu tháng 8, các quan chức Mỹ nói những triệu chứng là các nhân viên này bị mất thính lực, buồn nôn và đau đầu, có thể do một thiết bị âm thanh hiện đại, hoạt động ngoài dải tần có thể nghe được của người.

Thiết bị này được cho là cài đặt trong hoặc ngoài nơi ở của các nhân viên Sứ quán Mỹ tại Havana. Chính phủ Cuba là chủ và có nhiệm vụ bảo trì tòa nhà này.

Các triệu chứng xuất hiện từ mùa thu 2016, khi nhiều nhân viên bắt đầu mất thính lực, gồm một số người vừa nhận lệnh điều động sau khi Tổng thống Barack Obama nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba vào năm 2015.

Vài triệu chứng nghiêm trọng đến nỗi họ phải cắt ngắn nhiệm kỳ và quay về Mỹ điều trị. Một quan chức giấu tên cho hãng tin AP biết 5 người bị điếc vĩnh viễn.

Thông tin khác nói các nhân viên bị tổn thương não nhẹ và tổn hại hệ thần kinh trung ương.

Nhưng ngày 24.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói không phát hiện thiết bị hoặc kẻ xâm nhập nào, và chính quyền Cuba đang hợp tác với cuộc điều tra của Mỹ.

Tình báo Cuba dùng thiết bị nghe lén dỏm?

Ngày 25.8, báo Guardian đưa tin hai cựu quan chức Mỹ có kinh nghiệm tình báo nói: họ không tin những triệu chứng sức khỏe của các nhân viên là hậu quả của một vụ tấn công bằng vũ khí âm thanh.

Họ nhắc các triệu chứng này được ghi nhận từ cuối năm 2016, khi quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba được nối lại sau hơn 50 năm thù địch, từ sau chuyến thăm Havana của Tổng thống Obama.

CNN đưa tin một số quan chức giấu tên tiết lộ: các nhà điều tra cũng có giả thiết có một nước thứ ba lặng lẽ ra tay nhằm phá hoại quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba.

Nhưng ít nhất một nhà ngoại giao Canada tại Cuba cũng bị mất thính lực, cho thấy không chỉ nhân viên Sứ quán Mỹ bị chọn là mục tiêu tấn công.

“Bạn không thể loại trừ khả năng quấy rối, nhưng tại sao phải làm thế khi bạn muốn mọi sự tốt đẹp, và tại sao người Canada bị tấn công? Không có ai ghét người Canada!”.

Đó là nhận định của James Lewis, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, và là cố vấn quân sự có kinh nghiệm về tình báo và công nghệ do thám.

Ông cho rằng rất có thể vũ khí tấn công là một thiết bị nghe lén, được thiết kế để từ xa ghi nhận sóng âm phát từ tiếng nói. Nhưng thiết bị này bị thiết kế ‘dỏm’, gây hậu quả là có sóng âm thanh gây tổn hại cho các nhân viên ngoại giao Mỹ, Canada.

Ông nói thêm: “Chúng ta biết chắc 100% rằng các sứ quán đều bị theo dõi, và công nghệ được dùng có thể đã bị lạc hậu”.

Dù bà Nauert nói vụ việc ở Cuba là chưa hề có từ trước tới nay, nhưng Lewis chỉ ra một loạt sự cố sức khỏe ở Sứ quán Mỹ tại Moscow (Nga) hồi những năm 1970, cũng được cho là Cục tình báo Liên Xô KGB dùng thiết bị sóng âm để nghe lén các nhà ngoại giao Mỹ.

Trang Newsweek ghi nhận, từ cái gọi là “tín hiệu Moscow”, Mỹ lập dự án mật Pandora, để ghi nhận những ảnh hưởng của bức xạ điện từ.

John Sipher, người có 28 năm làm việc ở Sở mật vụ quốc gia (NSC, thuộc CIA) nói rất hiếm chuyện tấn công trực tiếp vào các nhà ngoại giao Mỹ, trong khi những nỗ lực do thám gây hại cho họ một cách ngoài ý muốn lại phổ biến.

Ông nói: “Dù các nỗ lực do thám, nghe lén và không cố tình gây hại, vẫn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của các nhà ngoại giao Mỹ”.

Theo Guardian, lực lượng an ninh các nước trên thế giới cũng phát triển vũ khí âm thanh.

Bộ Quốc phòng Israel có một thiết bị phát sóng tên là Tiếng thét, trong khi các tuần dương hạm Mỹ có “đại bác âm thanh”, phát tiếng ồn chói tai quá 300 mét để chống hải tặc tấn công. Nhưng các vũ khí này có hiệu quả gây tê liệt tức thì. Trong khi đó, những gì xảy ra ở Havana xem ra tác động dần dần và “nhẹ nhàng” lên các nạn nhân.

Cuba hợp tác điều tra, phản đối Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao

Bà Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dường như các cuộc tấn công đã kết thúc, nhưng phía Mỹ vẫn đang điều tra để tìm ra thủ phạm.

Ngày 9.8, bà Nautert cũng cho biết hai nhà ngoại giao Cuba bị yêu cầu rời khỏi Mỹ ngày 23.5. Nhưng họ không bị cấm trở lại Mỹ, điều thường xảy ra khi các vụ trục xuất liên quan hoạt động gián điệp. Và cho đến nay, Mỹ chưa hề quy trách nhiệm cho chính phủ Cuba.

Cùng ngày 9.8, Bộ Ngoại giao Cuba tuyên bố đang điều tra vụ việc: “Cuba chưa bao giờ cho phép lãnh thổ Cuba bị lợi dụng cho bất kỳ hành động chống lại các nhân viên ngoại giao được công nhận hoặc gia đình của họ. Cuba tái khẳng định sẵn sàng hợp tác để làm rõ trường hợp này”.

Havana cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra khẩn cấp, sau khi được Sứ quán Mỹ thông báo vào ngày 17.2.2016.

Cuba cũng bất bình với vụ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba.

Havana đã lập một ủy ban phân tích sự cố và tăng cường an ninh xung quanh đại sứ quán Mỹ cũng như nơi cư trú của phái bộ ngoại giao.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nghi-an-cuba-cai-rep-sieu-thanh-khien-nhieu-nha-ngoai-giao-my-bi-diec-70241.html