Nghị định 24 được gì, mất gì và cần phải sửa những bất cập gì?

Mới đây, trong báo cáo Chính phủ được Thống đốc NHNN thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội, về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực NH, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp.

Vậy Nghị định 24 (NĐ24) được những gì, mất những gì và cần phải sửa điều gì?

Bất cập luôn tồn tại

Bối cảnh của NĐ24 ra đời khi giá vàng thế giới ở mức 1.670USD/oz, và giá vàng trong nước 42,5 triệu đồng/lượng. Nhưng hiện nay giá vàng thế giới vượt đỉnh 2.054USD/oz, còn giá vàng trong nước lên 74,4 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quanh 13 triệu đồng/lượng.

Nếu trước đây chênh lệch này từ mức quanh 2 triệu đồng/lượng, nay có lúc trên 18 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua vào và bán ra 500.000 đồng/lượng và có thời điểm hơn 2 triệu đồng/lượng.

Những con số này đã phần nào nhìn thấy từ sự bất cập của NĐ24, mà ngay từ khi nó ra đời báo ĐTTC đã có nhiều bài phân tích.

Nếu đặt ra 2 kịch bản cho giá vàng thế giới trong thời gian tới: Kịch bản 1, vàng sẽ tăng giá lên những đỉnh cao mới, vượt qua đỉnh cao mọi thời đại, giá vàng trong nước tiếp tục gia tăng.

Các công ty kinh doanh vàng sẽ bán vàng ra theo mức tăng của giá thế giới. Khi nhu cầu vàng của người dân gia tăng cao hơn số người dân bán vàng vì đã có lời từ hoạt động đầu tư trước đó, giá vàng bán ra trong nước sẽ càng tăng mạnh hơn mức tăng quy đổi từ giá vàng thế giới.

Trong tình huống này khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn hơn mức hiện tại là chuyện hiển nhiên. Về phía công ty kinh doanh vàng, để phòng ngừa cho rủi ro đảo chiều của giá vàng thế giới sẽ nới rộng chênh lệch giá mua và bán vàng nhằm hạn chế bán ra lượng vàng mình có, cách tốt nhất là mua của người bán vàng và bán cho người mua vàng mới.

Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng là lợi nhuận công ty kinh doanh vàng kiếm được. Vậy lượng vàng tồn kho của công ty kinh doanh vàng thì sao? Họ có lo lắng giá trị này giảm? Tình huống này đặt trong kịch bản thứ 2 khi giá vàng thế giới giảm.

Theo đó, khi giá vàng thế giới giảm, liệu các công ty kinh doanh vàng có giảm giá để bán vàng? Nếu giá vàng thế giới giảm không công ty kinh doanh vàng nào lại tự giảm giá vàng bán ra để bán vàng mình đang có, và khi cần mua thì mua ở đâu?

Do đó, dễ thấy rằng 10 năm qua đã hình thành một quy tắc cho tình huống này, là giá vàng trong nước sẽ giảm rỉ rả và chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tăng cao. Tồn kho của công ty kinh doanh vàng về cơ bản được giữ giá trị.

Như vậy, việc đặt ra các kịch bản này để lý giải cho lý do vì sao kể từ khi NĐ24 ra đời chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quanh mức 2 triệu đồng/lượng, nay đã lên trên 13 triệu đồng.

Hệ lụy của chênh lệch giá vàng

Trong một nghiên cứu của chúng tôi công bố trước khi NĐ24 ra đời về tác động của chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, càng áp lực lên tỷ giá hối đoái VNĐ/USD. Nguyên nhân được chỉ ra từ áp lực nhập khẩu vàng của các công ty kinh doanh vàng. Hoạt động nhập khẩu này đã không được tùy tiện kể từ khi NĐ24 ra đời.

Điều đó càng cho thấy tác động bất lợi của chênh lệch giá vàng lên tỷ giá hối đoái đã được giải quyết. Vấn đề của bài toán tỷ giá chỉ còn lại từ hoạt động của nền kinh tế và thị trường tiền tệ.

Đây chính là mặt thành công của NĐ24. Nói cách khác, độc quyền sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng miếng trong thị trường vàng Việt Nam sẽ giảm được tác động bất lợi cho việc điều hành tỷ giá và hạn chế hiện tượng vàng hóa nền kinh tế.

Vấn đề còn lại của chênh lệch giá vàng chính là vàng nhập lậu. Qua vụ án Mười Tường cho thấy bất cập của chênh lệch giá vàng này tạo ra cơ hội kinh doanh phi pháp.

Chênh lệch càng lớn càng kích thích lòng tham này. Điều này làm các cơ quan chức năng từ Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, cho đến cán bộ điều tra phải gia tăng năng lực thực thi pháp luật trong việc phòng, chống buôn lậu và vận chuyển tiền xuyên biên giới.

Từ quan điểm cá nhân, tồn tại này là chấp nhận được để đánh đổi cho một chính sách tiền tệ của một quốc gia có hiệu lực cao. Những người ủng hộ việc thu hẹp chênh lệch giá vàng yêu cầu NHNN nhập khẩu vàng và bán vàng ra; hoặc cho phép các công ty kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng trên danh nghĩa để sản xuất vàng nữ trang.

Hơn 10 năm qua, cùng tiêu chuẩn về vàng nhưng vàng nữ trang luôn có giá thấp hơn vàng miếng. Nếu lấy giá vàng ngày 2-12-2023 được niêm yết tại PNJ đối với vàng miếng 7,403 triệu đồng/chỉ, giá vàng nữ trang 24K (vàng 9999) có giá 5,39 triệu đồng/chỉ.

Người dân hiểu được bản chất của sự chênh lệch này không phải do nhu cầu vàng nữ trang cao, mà do không mua được vàng miếng nên họ chuyển sang vàng nữ trang. Qua đó, các công ty kinh doanh vàng, hay những nhà ủng hộ việc nhập khẩu vàng, gây sức ép buộc NHNN bán ra vàng nguyên liệu cho các công ty kinh doanh vàng, hoặc cho phép các công ty kinh doanh vàng nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Chênh lệch giá vàng dựa trên tiêu chuẩn vàng nữ trang này chỉ vài triệu đồng so với giá thế giới. Xét trên mức chênh lệch này không phải quá áp lực cho vàng nhập lậu qua biên giới, cũng như tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do.

Do vậy, khi đề cập đến chênh lệch giá vàng với thế giới cần so với giá vàng nào? Nếu đặt ra câu hỏi liệu có hay không việc các công ty kinh doanh vàng mua vàng nguyên liệu từ nhiều nguồn để bán cho NHNN, trên danh nghĩa để sản xuất vàng miếng nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao?

Sự tồn tại của giá vàng miếng cao hơn giá vàng thế giới đến mức kích thích lòng tham buôn lậu của Mười Tường, không có gì là không thể. Nhưng vì việc sản xuất vàng miếng được NHNN độc quyền sản xuất và quản lý sản xuất, nên sẽ không có câu chuyện Mười Tường thứ 2.

Chênh lệch giá vàng nữ trang với giá vàng thế giới 10 năm qua vẫn không đáng kể. Nhưng thị trường vàng đang xuất hiện nhiều thương hiệu vàng miếng khác tồn tại song song với vàng miếng SJC do NHNN quản lý, đang bán với giá cao hơn giá vàng nữ trang và thấp hơn giá vàng miếng, đang hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng là điều cần quản lý.

NĐ24 đã hạn chế hiện tượng vàng hóa nền kinh tế, song lại làm tăng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, từ đó kích thích vàng nhập lậu.

TS. Lê Đạt Chí, Giám đốc chương trình Cử nhân Tài chính ứng dụng Đại học Rennes

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nghi-dinh-24-duoc-gi-mat-gi-va-can-phai-sua-nhung-bat-cap-gi-post110175.html