Nghị định số 10 kỳ vọng xóa sổ vấn nạn 'xe dù, bến cóc'

Kể từ ngày 1-4-2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực sẽ siết chặt quản lý, 'xe dù, bến cóc', xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định và các đơn vị kinh doanh phần mềm nhưng lại điều hành người lái, giá cước vận tải...

Tại Hà Nội, mỗi ngày có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình tổ chức đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ, rồi lập thành danh sách cụ thể để hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Đã từ lâu nay, chị Nguyễn Thị Vân (quận Đống Đa, Hà Nội) không còn ra bến xe khách để bắt xe về quê. Thay vào đó, chị Vân chỉ cần ở nhà điện thoại đến một số nhà xe đến đưa đón tận nhà. Những nhà xe này không treo biển, không bắt khách dọc đường mà chỉ đón những khách đã có hợp đồng miệng thông qua các cuộc gọi hẹn trước. Thực chất, đây là những loại xe hợp đồng trá hình, lách luật để đón trả khách trong nội đô.

Cũng giống như chị Vân, anh Nguyễn Văn Đại (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mỗi khi có việc đi công tác tại Quảng Ninh đều gọi xe hợp đồng đến đón. “Xe hợp đồng mặc dù chi phí cao hơn nhưng chỗ ngồi và cách phục vụ tốt hơn xe khách. Hơn nữa, xe không bắt khách dọc đường nên thời gian chạy từ Hà Nội về Quảng Ninh rút ngắn rất nhiều so với xe khách”, anh Đại cho hay.

Thực trạng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Ảnh: T.An

Thực trạng xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định diễn biến phức tạp ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Ảnh: T.An

Một lái xe chạy tuyến cố định (Hà Nội - Quảng Ninh) bức xúc:“Dù có quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình, đóng bảo hiểm, khám sức khỏe cho lái xe,... nhưng hầu hết xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định không thực hiện khiến họ có quá nhiều lợi thế so với xe tuyến cố định. Chỉ riêng “ăn bớt” được các khoản phí thuế thì xe hợp đồng “trá hình” đã đề ra được hàng chục triệu đồng mỗi xe hàng tháng. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh không lành mạnh và không cân sức khiến DN vận tải tuyến cố định khó sống...”

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 17-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-4. Theo Bộ GTVT (cơ quan chủ trì soạn thảo), Nghị định số 10 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng xe dù, bến cóc và xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định.

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT. Trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Phương tiện kinh doanh phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 6 x 20 cm, phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe. Là một trong những bến xe lớn của Hà Nội, những năm qua bến xe Giáp Bát cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi loại hình xe hợp đồng “trá hình” chạy tuyến cố định. Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ bến xe Giáp Bát chia sẻ, nhiều DN tuyến cố định đang lao đao, thậm chí phải đóng tuyến do không hoạt động được vì xe dù, bến cóc, các loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng rầm rộ.

Các loại hình phương tiện vận tải hành khách này không phải vào bến như xe khách tuyến cố định và chạy trong nội đô bất cứ khung giờ nào trong ngày, chạy tùy ý. Điều này khiến lượng khách tuyến cố định ngày càng giảm mạnh, xe chạy là lỗ vì phải chịu ràng buộc nhiều điều kiện kinh doanh và nộp các khoản như: Lệ phí ra - vào bến, lệ phí bán vé, phí đỗ qua đêm, các thủ tục liên quan đến phương tiện và người lái,...

Việc Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ra đời đem tới hy vọng giải quyết những mâu thuẫn, sự bất bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng. Tuy nhiên cùng với đó, ông Thành cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về những biến tấu, chiêu trò để “lách luật” của loại hình xe hợp đồng: “Ví dụ đơn giản, các nhà xe, đơn vị vận tải sẽ tổ chức gom khách bằng ô tô 4 chỗ hoặc 7 chỗ, chuẩn bị sẵn hợp đồng và ký trước khi lên xe; thậm chí “bịa” ra tên hành khách...”.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu làm tốt việc kiểm tra hoạt động của phương tiện vận tải hành khách bằng xe ô tô thông qua thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp quản lý hiệu quả, kịp thời phát hiện những vi phạm, ngăn chặn tình trạng xe dù bến cóc. Ngoài ra, các lượng chức năng CSGT, Thanh tra GTVT cũng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật xe dù, bến cóc, xe Limousine để tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ra đời đã giải quyết một số vướng mắc trong quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô tồn tại lâu nay và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động dịch vụ vận tải.

Đặc biệt, khái niệm về hợp đồng vận tải trong Nghị định 10 đã được làm sáng rõ hơn rất nhiều. Cụ thể, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Bên cạnh đó, hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Nghĩa là không phải khi xe đã di chuyển hoặc trong quá trình chạy trên đường mới hình thành hợp đồng. Mỗi một chuyến xe của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng chỉ được thực hiện bởi một hợp đồng duy nhất, không phải nhiều hợp đồng hay hẹn đón nhiều người. Đồng thời trước khi thực hiện hợp đồng vận tải thì những nội dung cơ bản phải được chuyển về các Sở GTVT để theo dõi.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nghi-dinh-so-10-ky-vong-xoa-so-van-nan-xe-du-ben-coc-183406.html