Nghị định số 99/2022/NĐ-CP: Phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm

Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2023) thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP, nhưng Hiệp hội Ngân hàng vẫn nhận được hơn 40 ý kiến của TCTD gửi đến về những vấn đề cần giải đáp liên quan đến Nghị định.

Thuận lợi trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Cũng theo ông Hùng, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để TCTD đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay.

Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2023) thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP. Nghị định 99/2022/NĐ-CP được đánh giá có nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các TCTD, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm như…

“Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng vẫn nhận được hơn 40 ý kiến của TCTD gửi đến về những vấn đề cần giải đáp liên quan đến Nghị định số 99”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Để giúp các TCTD triển khai đúng, hiệu quả Nghị định trên, qua đó phòng tránh những rủi ro pháp lý liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, tạo thuận lợi trong việc nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã có những giải đáp cụ thể.

Ví dụ như đối với ngôn ngữ sử dụng trong việc đăng ký, cung cấp thông tin, ông Hải cho biết, việc kê khai thông tin bằng tiếng Việt hoặc bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật. Tiếng nước ngoài được sử dụng trong trường hợp: pháp luật có quy định; họ tên của cá nhân, tên của tổ chức là người nước ngoài; tên riêng của tài sản đặc thù. Giấy tờ, tài liệu sử dụng trong đăng ký, cung cấp thông tin không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

“Trường hợp giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài không thống nhất về nội dung thì sử dụng bản tiếng Việt. Bản dịch sang tiếng Việt cần sử dụng từ ngữ phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến bổ sung quy định về chữ ký, con dấu trên Phiếu yêu cầu đăng ký trong một số trường hợp đặc thù, ông Hải cho biết, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản thuộc doanh nghiệp tư nhân thì chữ ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký là chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, sử dụng con dấu của doanh nghiệp tư nhân (nếu có) nếu kê khai người yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp tư nhân.

Nếu bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm gồm nhiều người thì phải có đầy đủ chữ ký, con dấu (nếu có) của các chủ thể này, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nội dung về việc một, một số bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm có quyền đại diện cho những người còn lại.

Hay như công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng hoặc chủ thể khác trở thành bên nhận bảo đảm mới mà thuộc diện không phải đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm thì chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm trên Phiếu yêu cầu đăng ký là chữ ký, con dấu (nếu có) của chủ thể này. Trường hợp này, văn bản có căn cứ hoặc có nội dung về xác định bên nhận bảo đảm mới là tài liệu phải có trong hồ sơ đăng ký.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký là cá nhân không biết chữ hoặc là người khuyết tật không thể ký thì thực hiện điểm chỉ thay cho ký trên Phiếu yêu cầu đăng ký.

“Nghị định bổ sung quy định riêng về chữ ký, con dấu trong đăng ký trực tuyến, theo đó, trường hợp hồ sơ đăng ký được nộp qua hệ thống đăng ký trực tuyến thì chữ ký, con dấu có thể được thay thế bằng chữ ký điện tử, con dấu điện tử. Chữ ký điện tử, con dấu điện tử có giá trị pháp lý như chữ ký, con dấu được sử dụng trên văn bản giấy (sau đây gọi là bản giấy)”, ông Hải chia sẻ.

Và những thông tin liên quan đến đất đai

Bà Phạm Thị Thịnh, đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ các nội dung TCTD cần quan tâm liên quan đến các trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai (Điều 25). Hay vấn đề chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hoặc từ hợp đồng mua bán tài sản khác gắn liền với đất (Điều 26). Đặc biệt, về hồ sơ đăng ký đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (từ Điều 27 đến Điều 34).

Bà Thịnh cho biết, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung và quy định rõ ràng hơn đối với thành phần hồ sơ thực hiện đăng ký cho các trường hợp cụ thể như: đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu; đăng ký đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất.

Đăng ký đối với nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất; đăng ký đối với nhà ở hình thành trong tương lai, tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất.

“Đăng ký đối với tài sản gắn liền với đất đã hình thành không phải là nhà ở mà pháp luật không quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cũng chưa được đăng ký quyền sở hữu theo yêu cầu; đăng ký thay đổi đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xóa đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm”, bà Thịnh nói.

Được biết ngày 16/2/2023, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức hội nghị mang tính toàn quốc để triển khai các quy định nêu trong Nghị định 99/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nghi-dinh-so-992022nd-cp-phong-tranh-nhung-rui-ro-phap-ly-lien-quan-den-dang-ky-bien-phap-bao-dam-post314865.html