Nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh

Tối 8-3, UBND TP HCM đã có văn bản quyết định cho học sinh lớp 12 tiếp tục nghỉ đến hết 15-3. Một số địa phương khác cũng cho học sinh tiếp tục nghỉ

Căn cứ ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo TP HCM về phòng chống dịch bệnh Covid-19 và tình hình diễn biến thực tế hiện nay, UBND TP đã chỉ đạo: Để bảo đảm sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho học sinh TP và tạo được sự an tâm đối với phụ huynh học sinh, UBND TP cho phép học sinh lớp 12 của các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàntiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15-3.

Nghỉ thêm 1 tuần

UBND TP giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều hình thức, biện pháp nhằm bảo đảm tiến độ, hiệu quả chương trình năm học.

Trường THPT Lương Thế Vinh chuẩn bị các phòng cách ly tạm thời, phòng y tế để xử lý các tình huống xấu. Ảnh: Tấn Thạnh

Trường THPT Lương Thế Vinh chuẩn bị các phòng cách ly tạm thời, phòng y tế để xử lý các tình huống xấu. Ảnh: Tấn Thạnh

Như vậy, kế hoạch dự kiến đi học lại của khoảng 73.000 học sinh lớp 12 vào sáng 9-3 sẽ hủy bỏ, tiếp tục nghỉ đến hết 15-3. Và theo thông báo trước học sinh các khối lớp khác sẽ tiếp tục nghỉ cho đến khi có thông báo mới.

Tại Hà Nội, sáng 7-3, Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ. Về việc học sinh đi học lại, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết để bảo đảm an toàn cho học sinh, sở đề xuất cho học sinh phổ thông, mầm non Hà Nội tiếp tục nghỉ thêm 1 tuần nữa (đến hết ngày 15-3).

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị liên quan hoãn tất cả các cuộc họp, lễ hội không cần thiết, trừ trường hợp đặc biệt. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng tất cả các cấp học trên địa bàn TP cần nghỉ thêm một tuần nữa (đến 15-3). Ngay cả các trường đã cho đi học thì phải dừng lại thêm 1 tuần nữa.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chiều 8-3, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản về việc tiếp tục kéo dài thời gian học sinh THCS tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định yêu cầu trưởng Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường phổ thông có nhiều cấp học tiếp tục cho học sinh THCS tạm nghỉ học đến hết ngày 15-3.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng ký quyết định cho học sinh tất cả các cấp học được nghỉ học đến ngày 15-3. Trước đó, địa phương này vừa triển khai học lại cho khối THPT được một tuần. Quyết định cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trung cấp, CĐ, ĐH, đào tạo nghề, trường chính trị, học viện Phật giáo... đóng trên địa bàn tỉnh này xem xét tạm dừng việc dạy học để bảo đảm công tác phòng dịch chung.

Dạy học qua truyền hình, từ xa

Ông Chử Xuân Dũng cho biết sở đã triển khai họp với Đài Truyền hình Hà Nội về việc ghi hình, biên tập để triển khai dạy học qua truyền hình với 2 lớp cuối cấp là lớp 9 và lớp 12.

Bắt đầu từ ngày 9-3, các môn học giảng dạy qua truyền hình sẽ được phát sóng trên kênh 1 Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. Cụ thể, các môn học giảng dạy qua truyền hình sẽ được phát sóng vào 9 giờ 15 phút, 15 giờ 15 phút và 16 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh khối lớp 8 và lớp 9. Tiếp đó, sở tiếp tục triển khai hình thức này đối với học sinh lớp 11 và 12.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 8-3 đã có thông báo từ ngày 9-3 sẽ tận dụng tối đa hình thức học online và học từ xa. Các lớp online hay offline đều thực hiện theo thời khóa biểu hiện hành (danh sách lớp online sẽ được thông báo trên SIS). Cán bộ và sinh viên theo dõi, cập nhật các thông báo và hướng dẫn chi tiết của nhà trường và của các khoa, viện chuyên môn. Những sinh viên không tiếp cận online sẽ được hướng dẫn học từ xa bằng hình thức khác. Các lớp thí nghiệm, thực hành, thực tập, đồ án quy mô nhỏ được sắp xếp điều chỉnh theo đặc thù từng viện chuyên ngành.

Đặc biệt, nhà trường yêu cầu, sinh viên thực hiện nghiêm túc khuyến cáo về phòng dịch của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, hạn chế di chuyển, tụ tập chỗ đông người; dừng các hoạt động ngoại khóa và không rời khỏi Hà Nội để tập trung vào nhiệm vụ học tập và phòng chống dịch. Các sinh viên nếu có triệu chứng, hay nguy cơ lây nhiễm phải báo ngay với trung tâm y tế và thực hiện các biện pháp cách ly như Bộ Y tế và nhà trường đã khuyến cáo.

Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội có thông báo khẩn yêu cầu các đơn vị đào tạo không tổ chức cho sinh viên, học viên sau ĐH học tập trung tại giảng đường mà triển khai công tác dạy - học trực tuyến (online) để hạn chế việc tiếp xúc do tập trung đông người. Yêu cầu sinh viên đang có mặt tại Hà Nội hạn chế di chuyển, tiếp xúc và không rời khỏi Hà Nội để tập trung vào nhiệm vụ học tập trực tuyến.

Mời bác sĩ tập huấn cho giáo viên

Tại TP HCM, các trường THPT tiếp tục chuẩn bị nhiều phương án như giãn cách phòng học, chia giờ ra chơi, chuẩn bị nước rửa tay, máy đo thân nhiệt... để 1 tuần nữa đón học sinh đến trường.

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) treo nhiều băng-rôn và khẩu hiệu tuyên truyền về dịch bệnh. Thầy cô chủ nhiệm lên lớp sẽ phát cho mỗi em 2 khẩu trang và 1 lọ nước rửa tay khô khi trở lại trường. Nhà trường cũng đã bố trí mỗi lớp 1 bình nước rửa tay và trong phòng vệ sinh, phòng giáo viên, chuẩn bị 10 máy đo thân nhiệt, vitamin C...

Trước khi chính thức đón học sinh trở lại, các trường cũng đã ráo riết tập huấn cho giáo viên xử lý những tình huống xấu nhất xảy ra. Nếu phát hiện học sinh có biểu hiện nghi nhiễm bệnh sẽ xử lý ngay, không để dịch lây lan trong trường, tâm lý hoang mang cho học sinh, giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Sơn Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo A (quận Bình Tân), cho biết với 1.936 học sinh toàn trường, nhà trường đã tiến hành họp cùng ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra giải pháp cho những tình huống xấu nhất. Mời các bác sĩ đến để tập huấn cho giáo viên toàn trường về cách đeo khẩu trang đúng, cách quan sát các em học sinh có biểu hiện mệt mỏi hay ho, sốt để có biện pháp xử lý.

"Đối với những tình huống khẩn cấp như có học sinh trong lớp ho, sốt, mệt mỏi chưa biết nguyên nhân, giáo viên sẽ đưa học sinh xuống phòng cách ly và báo cho cha mẹ học sinh. Trong trường hợp gia đình bận việc không thể đến kịp, ban đại diện cha mẹ học sinh có đường dây nóng sẽ cử phụ huynh đưa học sinh đến bệnh viện gần nhất. Sau đó trường sẽ vệ sinh khử khuẩn lại lớp học, quy trình xử lý những tình huống xấu nhất sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, thận trọng và bảo đảm an toàn cho phụ huynh, giáo viên, học sinh" - cô Hà cho biết thêm.

Tại Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), cô Bùi My Thúy, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng thông tin trường đã mời bên y tế dự phòng đến tập huấn cho giáo viên về cách xử lý các tình huống xảy ra nếu có học sinh mệt mỏi, ho, sốt cao trong lớp học. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bước tầm soát thân nhiệt học sinh ngay khi các em vào trường và giáo viên phải quan sát được biểu hiện của học sinh trong lớp học. Trường sẽ tiếp tục tập huấn cho giáo viên xử lý tình huống khẩn cấp và tuyên truyền cho phụ huynh về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trong trường học.

Nguyễn Thuận

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nghi-hoc-de-bao-dam-an-toan-cho-hoc-sinh-20200308214309227.htm