Nghĩ lớn và làm lớn nhưng đừng quên những điều nhỏ

Đó là một trong những lời nhắn nhủ chân tình và gần gũi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dành cho sinh viên cả nước nói chung, đại biểu tại buổi đối thoại trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) lần thứ X nói riêng vào chiều nay, 11-12 tại Hà Nội.

Đồng chí Vũ Đức Đam (đứng giữa trong ảnh) mời các bạn trẻ lên sân khấu để đối thoại trực tiếp. (ảnh: DUY LINH)

"Chịu khó học để giúp đất nước thoát nghèo"

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023, đã diễn ra một phiên đối thoại trực tiếp giữa đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và những sinh viên ưu tú dự Đại hội. Mở đầu buổi đối thoại, đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang (Hải Phòng) mong muốn được Phó Thủ tướng nêu quan điểm về việc coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai để bảo đảm sinh viên hội nhập tốt.

Trước sự bất ngờ của toàn Đại hội, đồng chí Vũ Đức Đam đã mời nữ đại biểu trẻ lên sân khấu đối thoại trực tiếp, đồng thời nói: "Biết nhiều ngoại ngữ là điều rất tốt, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định ngôn ngữ chính thức của chúng ta là tiếng Việt. Vậy, tiếng Anh hay bất cứ thứ tiếng nào ngoài tiếng Việt đều là ngoại ngữ, chứ không thể là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba".

Về phần mình, đại biểu Nguyễn Thị Như Quỳnh (Thái Nguyên) bày tỏ lo ngại: Đảng, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ sinh viên học tập và rèn luyện. Tuy vậy, có một thực tế là vẫn còn sinh viên giỏi, ưu tú chưa được hỗ trợ toàn diện, phải tự lo các khoản chi phí học tập. Ngoài ra, thực trạng nhiều sinh viên giỏi, được nhận học bổng toàn phần từ nước ngoài có thể là nguy cơ "chảy máu chất xám".

Trước gần 700 đại biểu của Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Đất nước ta vẫn còn nghèo, nhưng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhiều đối tượng như người có công, người yếu thế... Đối với sinh viên, Nhà nước có những chế độ như chính sách tín dụng lãi suất thấp, học bổng từ những cuộc thi... Còn sinh viên nhận học bổng của nước ngoài có quyền lựa chọn về nước cống hiến hoặc ở lại nước ngoài làm việc rồi cống hiến cho Tổ quốc theo cách khác. "Nhưng quan trọng nhất là sinh viên cần phải liên tục nỗ lực, chịu khó, phải học thật giỏi để đất nước không còn nghèo nữa", Phó Thủ tướng ân cần căn dặn.

"Tôi vốn là con nhà nông dân, được nhận học bổng toàn phần để rèn luyện ở nước ngoài. Tất nhiên là học ở nước nào thì phải biết tiếng nước đó. Nhưng lâu dần không sử dụng thì cũng phải quên. Suy cho cùng, ai cũng phải tự nỗ lực. Kể cả những người thông minh đến mấy đi nữa cũng vậy. Càng thông minh thì càng nên chịu khó", đồng chí Vũ Đức Đam chia sẻ thí dụ bản thân, động viên các đại biểu.

Quan tâm đến Đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa" của Chính phủ, đại biểu Ngô Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội SVVN Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mong muốn nhận được chia sẻ của Phó Thủ tướng về định hướng triển khai Đề án trong thời gian tới, trong đó chú trọng vai trò của "Hệ tri thức Việt số hóa" đối với sinh viên trong tra cứu, kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin.

"Theo tôi, ý tưởng của Đề án có nét tương đồng với phong trào "Bình dân học vụ" ngày xưa. Có điều, ở đây ta xóa mù chữ với công nghệ hiện đại bằng cách quy tụ mọi nguồn tri thức về một mối, kết nối với hệ thống phân loại, hình thành nguồn dữ liệu để giúp mọi người dân ở mọi nơi cùng học tập, nâng cao kiến thức. Hệ tri thức Việt số hóa đang có những bước khởi đầu chắc chắn, mang lại kết quả tích cực. Chính chúng ta cũng có thể đóng góp nguồn cơ sở dữ liệu cho Hệ tri thức Việt số hóa bằng cách chia sẻ hoặc đặt câu hỏi lên hệ thống này", Phó Thủ tướng cho biết.

Học làm lớn từ những điều nhỏ

Đại biểu sinh viên đặt câu hỏi đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (ảnh: DUY LINH)

Sau khi lắng nghe và giải đáp thêm một số ý kiến, đồng chí Vũ Đức Đam bắt đầu đặt câu hỏi lại các đại biểu. Phó Thủ tướng nêu vấn đề: "Bây giờ, có bao nhiêu sinh viên chọn trường, chọn nghề xuất phát từ ý thích cá nhân và ngược lại, có bao nhiêu bạn làm chỉ để đáp ứng yêu cầu cha mẹ, người thân đi trước? Có bao nhiêu bạn đưa ra lựa chọn dựa theo điểm thi của mình, hoặc đơn giản chỉ để xin việc dễ hơn?".

Sau khi lắng nghe một số câu trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chất vấn các đại biểu: "Vậy có bao nhiêu người trong số các bạn đi làm thêm nhiều hơn thời gian học, ôn bài? Bao nhiêu người đi làm thêm công việc có liên quan đến kiến thức được học ở trường?".

Trước nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng, đi làm thêm đối với sinh viên thực tế là việc rất bình thường. Bản thân tôi đã từng đi rửa bát thuê. Tuy nhiên, việc đi làm thêm nên có kết nối với các kiến thức mình đang theo học. Bên cạnh đó, Hội SVVN các cấp cũng cần đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường cho sinh viên, tránh để thế hệ tương lai của nước nhà chọn ngành, chọn nghề chỉ vì mong muốn của bố mẹ mà quên mất đam mê, sở thích, năng lực của mình.

Tiếp tục "phiên chất vấn" thú vị, đồng chí Vũ Đức Đam đặt vấn đề: "Có bao nhiêu đại biểu đi xe máy ban đêm, không có ai ở bên nhưng gặp đèn đỏ vẫn dừng lại? Bao nhiêu bạn đi thang máy thì tranh nhau vào trước? Bao nhiêu bạn từng tham gia dọn vệ sinh ngoài đường, nhưng khi hết tiết học ở lớp thì đứng dậy đi về không dọn lớp?"

Trước sự lúng túng của một số đại biểu, Phó Thủ tướng nhắn nhủ: "Tôi vui mừng vì các bạn biết quan tâm những điều lớn lao, nhưng mong muốn các bạn hãy thể hiện bằng việc làm cụ thể. Mọi công trình, dù lớn tới đâu cũng đều được xây lên từ những hòn gạch nhỏ. Nghĩ việc lớn, nhưng các bạn đừng quên chú ý tới việc nhỏ".

Khép lại buổi đối thoại gần gũi, đồng chí Vũ Đức Đam nói: "Lớp trẻ luôn có những hoài bão lớn. Thiếu điều đó thì coi như không có tuổi trẻ. Nhưng những hoài bão lớn lao ấy cần được thể hiện từ các suy nghĩ và hành động nhỏ nhất. Chúng ta có thể thiếu thốn hoặc thiếu thốn nhiều, nhưng quan trọng nhất là chúng ta tự nghiêm khắc với bản thân mình. Điều đó cũng giống như khi các bạn ý thức không vượt đèn đỏ, không vứt rác bừa bãi, không tranh nhau vào thang máy trước... Đừng sa vào những thứ hào nhoáng. Đừng chỉ “gương mẫu” khi tham gia các chương trình, sự kiện lớn, mà hãy bắt đầu từ những điều rất nhỏ, rất bình thường trong cuộc sống!".

LINH PHAN, ảnh: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38544002-nghi-lon-va-lam-lon-nhung-dung-quen-nhung-dieu-nho.html