Nghị lực nữ thợ may sau biến cố cuộc đời

Mất hai con nhỏ sau vụ tai nạn giao thông, bản thân cũng thành người khuyết tật, người nữ thợ may đã từng bước vượt qua nghịch cảnh, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Tai họa bất ngờ

"Chị Linh thợ may gối đinh lăng à? Cứ đi thẳng vào thôn Tân Phước Trung là tới", một người dân vui vẻ chỉ đường khi chúng tôi hỏi thăm nhà bà Lê Thị Mỹ Linh (50 tuổi, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

Bà Lê Thị Mỹ Linh nhận giải trong cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp, khu vực miền Trung năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Trong ki-ốt may nhỏ ở phía Bắc chợ Tu Bông, một người phụ nữ tuổi ngũ tuần miệt mài với đường kim mũi chỉ, bên chiếc máy khâu cũ với hai chiếc nạng để hai bên.

Nhìn bà Linh thoăn thoắt với việc may vá, di chuyển, ít ai biết để có ngày hôm nay là cả hành trình vươn lên nghịch cảnh.

Hơn 13 năm trước, trong một lần chở hai con bằng xe máy về thăm quê nội ở Phú Yên, bà Linh gặp tai nạn khi một chiếc xe đầu kéo lưu thông phía trước bất ngờ bị tụt dốc, cuốn ba mẹ con vào gầm xe.

"Mọi việc diễn ra rất nhanh, tôi không kịp trở tay. Sau này, công an kết luận xe bị trục trặc kỹ thuật nên bị trôi dốc", bà kể.

Hậu quả vụ tai nạn khiến cả hai con của bà Linh tử vong, bản thân bà được đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, bà thấy chân phải mình không còn, rồi ngay lập tức ngất lịm khi biết các con qua đời.

"Nỗi đau mất mát quá lớn khiến tôi không thể trụ lại. Sau một thời gian ngắn, gia đình tiếp tục đưa tôi vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình ở TP.HCM để điều trị.

Nằm viện hết 47 ngày, ngày tôi về nhà cũng là lúc chuẩn bị 49 ngày cho hai con", bà Linh kể trong nước mắt.

Vượt qua nỗi đau

Thời gian dài sau đó, bà Linh như người mất phương hướng, thậm chí nghĩ đến cái chết để sớm gặp các con.

Tuy nhiên, được sự động viên tinh thần của người thân, láng giềng, ý nghĩ tiêu cực đó cũng qua đi.

Sau biến cố cuộc đời, bà đã cố gắng rất nhiều để vượt qua nỗi đau. Đầu tiên bà gượng dậy tập đi bằng nạng gỗ, dần dần việc đi lại cũng thành quen.

Rồi bà mày mò lại chiếc máy khâu ngày nào, vốn gắn bó, giúp bà mưu sinh bằng nghề may quần áo.

Khách hàng quen thuộc ngày trước lại dần tìm về. Một phần họ quý tay nghề, phần vì để động viên bà sớm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cứ mỗi sáng sớm, nhiều tiểu thương ở chợ Tu Bông lại thấy một người phụ nữ hai tay chống nạng đi hàng trăm mét từ nhà ra ki-ốt thuê ở chợ để phục vụ khách hàng.

Thời gian thoi đưa, nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai. Bà được nhiều người động viên gia nhập câu lạc bộ "Phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xã Vạn Phước".

Từ ngày tham gia, bà cảm nhận được những khó khăn của chị em phụ nữ khuyết tật khi lao động. Nhưng dù vậy, họ luôn tìm mọi cách vượt lên để làm bất cứ việc gì có thể để phụ giúp gia đình.

Những chiếc gối tình người

Học may từ năm 18 tuổi, với bàn tay khéo léo, lại có tâm với từng đường kim mũi chỉ nên ki-ốt may ở chợ Tu Bông của bà từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân quanh vùng.

Bà Linh giới thiệu sản phẩm gối đinh lăng được làm bởi bàn tay của những phụ nữ thiếu may mắn.

Tình cờ đọc được thông tin về lợi ích của lá cây đinh lăng khi làm gối ngủ, bà thấy tại nơi mình sống, người ta thường trồng đinh lăng lấy củ rồi bỏ lá. Vậy là bà đã mày mò tìm hiểu cách làm gối bằng ruột lá đinh lăng.

Là một thành viên tích cực của câu lạc bộ, thấy nhiều chị em mong muốn có công việc phù hợp với sức khỏe kiếm thu nhập, bà đã quyết tâm lựa chọn gối đinh lăng để khởi nghiệp.

Ý tưởng đã được lãnh đạo và nhiều thành viên trong câu lạc bộ nhiệt tình hưởng ứng.

Quy trình làm gối được các thành viên hồ hởi cùng bắt tay. Lá đinh lăng tươi được thu gom từ các hộ dân, đem rửa với nước muối rồi phơi khô, sao qua lửa để đảm bảo giữ mùi hương. Vỏ gối được các chị em đo may bằng tay. Ruột gối sau khi đã được vệ sinh sạch sẽ được đóng lại.

Những chiếc gối ngủ thơm phức mùi đinh lăng được bán ra, nhiều người đón nhận giống như phần thưởng cho sự nỗ lực của bà Linh cùng những phụ nữ khuyết tật trong câu lạc bộ.

Hiện nay, mô hình sản xuất gối đã có 7 người tham gia. Mọi người được giao nguyên liệu mang về nhà để tranh thủ làm.

Mỗi tháng, có từ 150 - 200 chiếc gối ngủ được hoàn thành, tạo thu nhập cho mỗi thành viên khoảng vài triệu đồng.

"Việc làm gối bằng thủ công còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết để làm khô lá đinh lăng.

Vốn đầu tư ít, lại sản xuất nhỏ lẻ nên giai đoạn đầu chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.

Chị em tôi sẽ tiếp tục đầu tư máy sấy nguyên liệu, đa dạng về chủng loại, mẫu mã để ngày càng hoàn thiện sản phẩm", bà Linh chia sẻ.

Vừa qua, dự án gối đinh lăng do bà Linh làm chủ đã đạt giải khuyến khích cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa’’ cấp vùng khu vực miền Trung năm 2023, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Bà Đinh Thị Phương Ngân, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vạn Phước cho biết: "Chị Linh rất năng động và nhiệt tình tham gia công tác hội, các hoạt động tại địa phương, nhất là trong phát triển kinh tế.

Chị là tấm gương nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm gối đinh lăng Vạn Phước để mở rộng thị trường".

Tưởng Cao Sơn

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/nghi-luc-nu-tho-may-sau-bien-co-cuoc-doi-192240426000651014.htm