Nghị lực sống phi thường của cô giáo xương thủy tinh Huỳnh Thanh Thảo

Không may mắn có được thân hình lành lặn như bao người, nhưng cô gái Huỳnh Thanh Thảo đã khiến bao người ngưỡng mộ và khâm phục nghị lực sống, cũng như những việc tử tế mà cô đang làm cho thế hệ trẻ tại vùng quê.

"Én nhỏ", "thiên thần không đôi chân", "cỏ xanh hi vọng" hay "Cô ba của ấp Giàng" là những gì mà người dân ở xã Trụ Thượng, Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh nhắc về Huỳnh Thanh Thảo.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại mang trong mình chất độc màu da cam cùng căn bệnh xương thủy tinh thế nhưng cô giáo Huỳnh Thanh Thảo luôn được người dân tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh nể phục bởi nghị lực phi thường và bởi cái tâm khi đi tìm con chữ cho trẻ em nghèo.

Niềm hạnh phúc của cô là góp công sức bé nhỏ cho đời, ươm mầm những tài năng nhỏ hiếu học. Mặc dù biết mình rất khác biệt so với những người khác, nhưng chưa bao giờ cô gái nhỏ bé ấy cảm thấy tự ti khi mình là người khuyết tật.

Bởi Thảo nghĩ khiếm khuyết ấy đơn giản chỉ là một hạn chế chứ không phải bất hạnh, quan trọng là nhìn vào điều đó để cố gắng vươn lên.

Không được đến trường như những người khác, Thảo đã tự học ở nhà và mở lớp dạy kèm cho những bạn nhỏ khác. Những niềm vui đó kéo dài trong suốt 10 năm, Thảo đã gắn bó, góp phần giúp nhiều em học sinh nghèo trong xóm vươn lên thành những học trò có thành tích tốt trong học tập. Các em thay vì gọi Thảo là “chị bé Ba” đã chuyển sang gọi “cô Ba”.

Nhiều học trò yêu quý luôn xem cô như một người thầy thực thụ (Nguồn: Internet)

Vào những ngày lễ kỉ niệm như 20/11 hay 8/3, những bó hoa các em dành tặng Thảo khiến cô rưng rức xúc động vì không nghĩ bản thân lại có vinh dự được các em coi trọng như một cô giáo thực thụ.

Cô gái trẻ cho hay ban đầu không có ý định gắn bó lâu dài với nghề, nhưng vì sự tin yêu của phụ huynh và bởi các em nhỏ thích đến nơi này nên Thảo xem đây là cái duyên và cũng là cái nghiệp của mình.

Thời gian sau này, Thảo nhận thấy học sinh ở quê mình còn rất hạn chế trong việc tiếp xúc sách báo, tài liệu nên đã đứng ra mở một thư viện nhỏ ngay tại nhà mình. Lúc đầu, thư viện chỉ lèo tèo vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng. Đến năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân của chất độc da cam, một phụ nữ người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng lại thư viện thành nơi khang trang hơn.

"Nếu có gì đó mạnh hơn số phận thì đó chính là lòng dũng cảm, một ngày dù vui hay buồn thì ngày ấy vẫn đến tại sao không chọn một ngày vui để sống", cô giáo Huỳnh Thanh Thảo chia sẻ.

Văn Anh

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/nghi-luc-song-phi-thuong-cua-co-giao-xuong-thuy-tinh-huynh-thanh-thao-57766.html