Nghị lực và trái tim nhân hậu của người phụ nữ khuyết tật

Luôn lạc quan, giàu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống, đó là phương châm sống của cô Lê Thị Thuận, 63 tuổi, thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) - một tấm gương điển hình cho nghị lực và lan tỏa tinh thần tích cực của người khuyết tật.

Cô Lê Thị Thuận (ngồi giữa) tham gia đan lát cùng chị em trong tổ.

Theo cán bộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, chúng tôi tìm đến nhà cô Lê Thị Thuận ở thôn Viên Khê 1. Ấn tượng đầu tiên về cô Thuận chính là một người phụ nữ tự tin, năng động. Cô cho biết: “Một chân bị tật không thể làm nhụt đi ý chí, tinh thần của mình. Tôi vẫn tìm việc làm, tìm niềm vui cho mình, cho những người khó khăn, khuyết tật như mình để cùng dựa vào nhau, cùng mang hạnh phúc cho nhau”.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Đông Sơn. Cuộc sống của cô tuy có phần vất vả nhưng tương đối ổn định, hạnh phúc bên gia đình, chồng con. Nhưng bất ngờ tai ương ập đến, cô Thuận không may bị tai nạn giao thông. Hậu quả của vụ tai nạn khiến cô bị liệt một chân. Hoang mang, suy sụp, đó là cảm giác khi không thể di chuyển bằng đôi chân bình thường như trước. Tưởng chừng số phận mình phải gắn bó với đôi nạng, song, với nghị lực và ý chí vượt lên đau đớn, bệnh tật và luôn suy nghĩ làm sao để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp cô rời bỏ đôi nạng, tự đi lại được dù vẫn còn gặp khó khăn.

Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, cô Thuận vừa điều trị vừa tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Cô chuyển sang làm tại hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của địa phương. Chứng kiến cảnh người khuyết tật khó khăn, vất vả mưu sinh, thương cảm và hiểu được những khó khăn trong cuộc sống mà người khuyết tật phải trải qua, cô Thuận đã tìm tòi, học hỏi các ngành nghề phổ thông với mong muốn người khuyết tật sẽ có việc làm, có thu nhập để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thời gian đầu cô đã thành lập tổ đan lát và vận động những người khuyết tật tham gia. Không ngại khó khăn, cô tập tễnh đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để đấu mối với các công ty, doanh nghiệp mở các lớp/đợt đào tạo nghề cho người khuyết tật. Nghị lực vượt lên số phận cùng sự nhiệt tình của cô Thuận đã lan tỏa trong cộng đồng, thu hút nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn tham gia tổ sản xuất. Đến năm 2016, cô Thuận thành lập doanh nghiệp “Tạo việc làm tươi sáng”, thu hút khoảng 70 người tham gia, có thời điểm thu hút khoảng 200 người tham gia. Đến nay, doanh nghiệp tạo việc làm cho 120 người, trong đó có 12 người khuyết tật. Trung bình mỗi người có thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Cô Nguyễn Thị Quế (60 tuổi, xã Đông Khê), người khuyết tật cho biết: “Từ khi tham gia sản xuất cùng chị Thuận, tôi có thêm thu nhập, giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, tinh thần và nghị lực của chị giúp tôi lạc quan, vui vẻ hơn”.

Nghĩ về những tháng ngày lăn lộn khắp nơi, cô Thuận chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi đã làm rất nhiều nghề: may, đan lát, mây tre đan, làm chiếu, gắp mắt dứa. Nghề nào không hiệu quả, không phù hợp thì tôi lại tìm học nghề khác. Mặc dù thất bại cũng nhiều nhưng quan trọng, tôi và những người có hoàn cảnh khó khăn có động lực, niềm vui để sống”.

Không chỉ thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, cô Thuận còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển huyện Đông Sơn. Cô cùng với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện đã vận động người khuyết tật tham gia câu lạc bộ. Qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, cô đã động viên tinh thần, giúp đỡ người khuyết tật khó khăn trên địa bàn huyện tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, sống có ích hơn. Cùng với đó, cô Thuận cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.

Cô Trần Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Đông Sơn, Phó Chủ tịch Liên chi hội người khuyết tật tỉnh, cho biết: Cô Thuận là một người khuyết tật tiêu biểu, luôn nỗ lực vượt qua trở ngại, khó khăn. Tinh thần và ý chí vượt khó đã giúp cô vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, tạo nguồn thu, tiếp thêm tinh thần, nghị lực phấn đấu cho người khuyết tật nói riêng và người dân địa phương nói chung. Cô Thuận xứng đáng là tấm gương người khuyết tật nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để những người khuyết tật khác học tập, noi theo. Để tiếp tục tạo điều kiện cho cô Thuận và người khuyết tật ở địa bàn cải thiện, nâng cao đời sống, thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động xã hội hóa hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật. Qua đó, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực, khả năng của mình.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nghi-luc-va-trai-tim-nhan-hau-cua-nguoi-phu-nu-khuyet-tat/183769.htm