Nghị lực vượt lên hoàn cảnh của nữ sinh viên năm thứ nhất trường Đại học luật

Mồ côi mẹ từ khi mới học lớp 6, em Nguyễn Thị Kim Thảo không chỉ thay cha chăm sóc hai em nhỏ từ miếng ăn, giấc ngủ mà còn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh của gia đình. Không những thế, Thảo đã thay cha thực hiện ước mơ đậu vào Trường Đại học luật TP.HCM của mẹ khi còn sống.

Nỗi day dứt của một người con

Vào một ngày giữa tháng 9/2018, PV tìm về căn nhà của gia đình em Nguyễn Thị Kim Thảo (SN 2000, ngụ thôn 4, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), nằm cách trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gần 100 km, hiện ra trước mắt chúng tôi với hình ảnh ngôi nhà lụp sụp, được phủ đầy những lớp bụi bẩn sau nhiều ngày bị bỏ hoang. Khắp nơi trong căn nhà nhỏ bé ấy chẳng có gì đáng giá ngoài những bộ quần áo, chén bát, xoong nồi cũ kỹ và những tấm giấy khen của chị em Thảo dán chi chít trên tường. Câu chuyện về hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình em Thảo cứ thế khiến những người có mặt không khỏi xót xa.

Tạm quên đi những khó khăn, Thảo đã nỗ lực vươn lên trong học tập.

Là con đầu trong gia đình có 3 chị em nhưng Thảo vừa phải làm chị, làm mẹ của hai đứa em trai từ khi mới chỉ là học sinh lớp 6. Giải thích về điều này, em Thảo cho hay, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ phải gửi các con về ngoại ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) để đi làm thuê nay đây, mai đó. Cho đến một ngày cuối tháng 11/2011 (âm lịch), nghe tin cháu Nguyễn Trọng Thương (con trai út của của gia đình, lúc đó 6 tuổi) bị sốt cao nên bố mẹ em vội vàng chạy xe máy từ huyện Ea H’Leo về Krông Năng trong đêm tối. Tuy nhiên, trong lần trở về ngoại này, mẹ không may bị tai nạn giao thông qua đời để lại 3 đứa con thơ dại với nỗi đau khôn nguôi.

Nhắc đến cái chết của mẹ, Thảo bỗng nấc nghẹn không nói nên lời. Sau ít phút lấy lại bình tĩnh, Thảo nói: “Ngày mẹ mất, em chỉ mới học gần hết kỳ 1 của lớp 6. Hôm đó, thấy em Thương bị sốt cao mà không bớt nên em nói bà ngoại gọi điện cho ba mẹ về đưa đi bệnh viện. Lúc đó, dù bà ngoại không đồng ý nhưng em vẫn cương quyết gọi điện cho ba mẹ. Do đó, sau khi hay tin mẹ bị tai nạn giao thông qua đời, em đã nghĩ rằng tất cả là lỗi do em không chịu nghe lời bà ngoại. Cho đến nay, nỗi đau ấy vẫn còn nguyên vẹn khiến em không khỏi day dứt, trách bản thân mình”.

Sau khi vợ mất, anh Nguyễn Trọng Thủy (SN 1974, bố của em Thảo) một mình vật lộn với cảnh “gà trống nuôi con”. Để có tiền lo cho chị em Thảo, anh đành phải để 3 đứa con ở nhà tự chăm sóc, bảo ban nhau rồi đi làm ăn xa. Thế nhưng, công việc thất thường, thu nhập ba cọc ba đồng của anh Thủy chẳng thể nào đủ cho các con có một cuộc sống đầy đủ. Hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của ba, Thảo một mình cáng đáng mọi công việc trong gia đình và chăm lo cho các em đến trường mỗi ngày. Để các em không bị đói khát, bỏ học, ngoài những giờ lên lớp, Thảo đi hái, nhặt cà phê thuê cho người dân địa phương để kiếm thêm tiền mua gạo. Thế nhưng, bữa cơm hàng ngày của chị em Thảo cũng chẳng có gì khá hơn ngoài rau sắn và mì tôm đạm bạc.

Thay cha thực hiện ước mơ vào đại học

Sống chung với cảnh đói khát triền miên, khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể vượt qua nhưng chị em Thảo luôn là những đứa con ngoan, năm nào cũng đạt học sinh khá, giỏi. Chị Nguyễn Thị Hằng (hàng xóm của gia đình em Thảo) chia sẻ: “Chứng kiến những gì đã xảy ra, chúng tôi không khỏi nể phục sự nỗ lực, cố gắng của chị em cháu Thảo. Ít khi nào, Thảo và hai em của mình có được một bữa cơm đúng nghĩa. Ấy vậy mà, tụi nhỏ không một lời than vãn, ngược lại rất chăm ngoan, yêu thương, bảo ban nhau. Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng Thảo luôn tỏ ra mạnh mẽ, gương mẫu trong mọi việc để các em noi theo và cũng để ba yên tâm. Những điều đó không phải đứa trẻ nào cũng làm được”.

Em Thảo bên trong căn nhà của gia đình.

Thế nhưng, mấy ai biết được khó khăn cũng từng khiến cho em Thảo nhiều lần yếu đuối, muốn bỏ cuộc. Thảo nói trong nước mắt: “Đó là khoảng thời gian học cấp 3, việc học ở trường chiếm gần hết thời gian nên em không thể nào đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, các em của em lại còn quá nhỏ, nhiều hôm mưa gió, cha không đi làm được nên trong nhà chẳng đủ gạo để nấu cơm. Trước quá nhiều bế tắc ấy, nhiều lần em định bỏ học, thậm chí vào năm lớp 12 em từng nghĩ sẽ không đi học đại học nữa mà ở nhà đi làm lo cho hai em”.

Hiểu được nỗi lòng của con gái, anh Thủy đã ân cần động viên Thảo không được bỏ cuộc dù có khó khăn thế nào đi nữa. Anh mong muốn Thảo đi học đại học để mai này có cơ hội khắc phục những khó khăn hiện tại của gia đình, lo cho các em học hành đến nơi đến chốn và đặc biệt không phải cuối đầu, quy lụy trước bất kỳ ai. Hơn thế, trước khi gặp tai nạn qua đời, vợ anh Thủy cũng mơ ước, sau này Thảo đậu Đại học luật TP.HCM để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Trước nỗi lòng của ba và ước mơ của người mẹ quá cố, Thảo đã tạm quên đi những khó khăn trong cuộc sống, tập trung ôn thi vào 3 tháng cuối cùng của năm lớp 12. Sự cố gắng đã mang lại thành quả giúp cho Thảo đậu vào Trường Đại học luật TP.HCM. Được tin con gái đậu đại học, anh Thủy đã òa khóc, hạnh phúc vì ước mơ của vợ mình đã được Thảo thực hiện.

Theo ông Trịnh Xuân Thường, Trưởng thôn 4 (xã Dliê Yang), Thảo là không chỉ là niềm tự hào của người thân, gia đình mà còn của cả người dân trong thôn. Trong năm học vừa qua, chỉ có duy nhất một mình Thảo đậu đại học. Tuy nhiên, gia đình Thảo rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo tại địa phương nên kinh phí để các cháu trang trải việc ăn học rất eo hẹp. Mặc dù, chính quyền địa phương luôn động viên quan tâm, giúp đỡ nhưng số tiền ít ỏi cũng không đủ để các cháu yên tâm học hành.

Chính Cương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/nghi-luc-vuot-len-hoan-canh-cua-nu-sinh-vien-nam-thu-nhat-truong-dai-hoc-luat-59601.html