Nghi ngờ dàn xếp tỷ số các trận bóng đá ở SEA Games 29

Sáng qua, hai tờ báo uy tín trong khu vực Đông Nam Á là The Straits Times của Singapore và The National của Thái Lan cùng đặt ra nghi vấn trên. Có lẽ đến thời điểm này thì không riêng gì các Liên đoàn Bóng đá Quốc gia, mà Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) cũng cần nhập cuộc để sớm đưa ra câu trả lời chính xác.

Cụ thể, theo hai tờ báo này thì trước trận Việt Nam - Campuchia, có tới 3 công ty cá cược nhận được một số lượng tiền đặt cược rất lớn vào "cửa" trận đấu sẽ có ít nhất 4 bàn thắng trở lên. Khoảng 20 phút trước trận đấu, số tiền đặt cược thậm chí đã tăng rất nhanh từ vài trăm ngàn USD tới hàng triệu USD.

Thực tế thì trận đấu này, U.22 Việt Nam của HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng đã dẫn trước 4 bàn do công của các cầu thủ Công Phượng (2 bàn), Quang Hải, Tuấn Tài (mỗi người một bàn), và sau đó thua một bàn trên chấm đá phạt 11m. Như vậy có nghĩa nhóm người đặt cửa trận đấu có từ 4 bàn trở lên đã thắng lớn.

Qua việc phân tích dòng tiền bất thường  đổ vào 3 công ty cá cược, hai tờ báo này còn đặt nghi vấn tương tự về các trận U.22 Malaysia - U.22 Lào (3-1) và U.22 Thái Lan - U.22 Campuchia (3-0). Hiện tại Hội đồng Olympic Malaysia - Ban tổ chức SEA Games 29 cho biết chưa nhận được biên bản báo cáo chính thức nào từ Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) xung quanh vấn đề này nên chưa thể đưa ra bất cứ bình luận nào.

Trận Việt Nam - Campuchia ở SEA Games 29.

Cần nhắc lại rằng, tháng 2 năm nay, thông qua công ty phân tích dữ liệu thể thao nổi tiếng Sportradar, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong một số trận đấu tại giải vô địch quốc gia Lào. Từ đây, một cuộc điều tra đặc biệt dẫn tới kết luận những trận đấu này bị dàn xếp tỷ số. Kết quả là có cả thảy 22 cầu thủ của Lào và Campuchia bị cấm thi đấu suốt đời.

Sau sự kiện rúng động này cũng đã có những câu hỏi lớn được đặt ra về tính trung thực trong các trận đấu bóng đá ở SEA Games 29, và cho đến thời điểm hiện tại, khi các tờ báo uy tín của Thái Lan, Malaysia đặt nghi vấn về ít nhất 3 trận đấu tại SEA Games 29 thì rõ ràng những câu hỏi đó không thừa.

Thông qua các chỉ số của các hãng cá cược, đặc biệt là "đối tác ruột" Sportrader, AFF không khó tìm ra câu trả lời cuối cùng để giải đáp những nghi ngờ, thắc mắc của người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á.

Nên nhớ bán kết lượt về AFF Suzuki Cup năm 2014, khi Việt Nam thua Malaysia 2-4 ngay trên sân nhà Mỹ Đình thì chính một quan chức cấp cao của VFF cũng đặt ra dấu hỏi: "Có vấn đề gì không?".

Trận đấu ấy diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã thắng 2-1 ở lượt đi, ngay trên sân khách, nên không nhiều người dám tin chúng ta có thể thua sốc trên sân nhà, và bị loại khỏi cuộc chơi một cách tức tưởi. Điều đáng nói là cả 4/4 bàn thua khi đó đều đến từ những lỗi lầm khó hiểu của hệ thống phòng ngự.

Trước làn sóng nghi ngờ dâng cao, AFF khi đó cũng đã "gõ cửa" đối tác Sportradar trước khi kết luận: Không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Sportradar không chỉ là đối tác của AFC, AFF, mà vài năm trở lại đây còn là đối tác của VFF, VPF. Theo thông tin của chúng tôi, Sportradar đã giúp đỡ, tư vấn ban tổ chức V.League rất nhiều trong việc đảm bảo tính trong sạch của giải đấu này.

Trở lại với những nghi vấn trận U.22 Việt Nam - U.22 Campuchia, suốt quá trình dự giải đấu này, U.22 Việt Nam được theo sát bởi Thượng tá Bùi Xuân Lệ - Cục Cảnh sát hình sự C45, Bộ Công an. Và chắc chắn, bên cạnh thống kê của các hãng cá cược như đã nêu thì những thông tin của Thượng tá Bùi Xuân Lệ cũng là điều mà cả VFF lẫn AFF đều không thể bỏ qua.

Nhân viên an ninh nói gì?

Trong thành phần U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 29 vừa qua có Thượng tá Bùi Xuân Lệ, Đội trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội, Cục Cảnh sát hình sự (C45 Bộ Công an).

Thượng tá Bùi Xuân Lệ đã bày tỏ quan điểm với chúng tôi: "Trước khi cùng Đội tuyển U.22 Việt Nam lên đường, tôi đã tìm hiểu kỹ và được biết lứa cầu thủ này được học hành tới nơi tới chốn. Thực tế suốt những ngày dự SEA Games, tôi theo rất sát các em và thấy các em sinh hoạt ngoan ngoãn, nề nếp, không có em nào hút thuốc lá. Quy định mà tôi đưa ra là không được sử dụng các thiết bị kỹ thuật sau 22 giờ cũng được các em tuân thủ nghiêm ngặt. Do vậy tôi không thấy bất cứ dấu hiệu khả nghi nào từ các em".

Ông Lệ kể thêm: "Trước trận đấu đầu tiên của U.22 Việt Nam tại SEA Games, tôi đã nói chuyện với tất cả các cầu thủ, đề nghị họ phải thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, đừng dại dột lặp lại những sai phạm như của nhóm Văn Quyến, Quốc Vượng... ở SEA Games 2005 tại Philippines, vì bây giờ bất cứ dấu hiệu vi phạm nào cũng không thể qua mắt được sự theo dõi của cơ quan an ninh". Ông cũng chia sẻ rằng trong báo cáo của mình gửi Tổng cục Cảnh sát, ông kết luận lý do bị loại ngay từ vòng bảng của U.22 Việt Nam tại giải đấu này nằm ở việc tâm lý thi đấu của các cầu thủ trong hai trận gặp  U.22 Indonesia và U.22 Thái Lan là quá nặng nề.

Thượng tá Bùi Xuân Lệ kết luận: "Ngay cả đến bây giờ, khi xuất hiện những thông tin nghi vấn từ báo chí Thái Lan và Malaysia, tôi vẫn khẳng định chúng ta thất bại do tâm lý thi đấu của các cầu thủ kém, chứ không phải do bất cứ nghi dấu hiệu tiêu cực ngoài chuyên môn nào".

Tuấn Thành

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh: "Chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực, dàn xếp nào..."

Tổng Thư ký (TTK) VFF Lê Hoài Anh là Trưởng đoàn U.22 Việt Nam tại SEA Games 29 vừa rồi. Ông cũng là người rất gần gũi với Thượng tá Bùi Xuân Lệ, đại diện C45 đi theo đội. Báo Công an nhân dân hỏi ông về nghi vấn dàn xếp tỷ số mà các tờ báo Thái Lan, Malaysia đề cập ngày hôm qua.

- PV: Ông tiếp nhận những thông tin này từ đâu, và vào lúc nào?

+ TTK VFF Lê Hoài Anh: Khoảng 2 giờ chiều hôm qua tôi biết là những tờ báo này đã đưa tin như vậy. Và ngay lập tức tôi nhớ lại những gì đã xảy ra với chúng ta ở SEA Games 29.

- Họ nói là trận U.22 Việt Nam - U.22 Campuchia có dấu hiệu nghi ngờ. Cá nhân ông có nghi ngờ không?

+ Về trận Việt Nam - Campuchia thì thực lòng, tôi không nghi ngờ gì cả.

- Vậy còn các trận khác thì sao? Sau trận thua 0-3 của chúng ta trước Thái Lan, trông ông có vẻ rất căng thẳng thì phải?

+ Đúng là ở trận Thái Lan, tôi bất ngờ vì mình đã thua, và thua theo cách ấy. Có những bàn thua mà không riêng gì tôi, nhiều người xem cũng bất ngờ, không tin như tôi vậy. Nhưng có lẽ đấy chỉ là những bất ngờ về mặt chuyên môn thôi.

- Bây giờ thì báo chí nước ngoài đặt dấu hỏi rồi, VFF cũng phải tìm hiểu, rà soát lại một số vấn đề, chứ không thể cứ ngồi im lặng như vậy được?

+ Chúng tôi sẽ làm việc với C45 để rà soát và kết luận vấn đề. Nhưng thật ra thế này: Ngay sau trận đấu với Thái Lan, tôi đã chủ động hỏi Thượng tá Bùi Xuân Lệ xem từ góc nhìn an ninh có vấn đề gì không. Khi đó, câu trả lời của anh Lệ là chưa phát hiện ra điều bất thường gì.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)

Diệp Xưa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/nghi-ngo-dan-xep-ty-so-cac-tran-bong-da-o-sea-games-29-457174/