Nghi phạm MH17: Ukraine dùng thuốc hướng thần

Nghi phạm vụ tai nạn MH17 đã được trao đổi tù binh với Nga vừa gửi đơn khiếu nại cho rằng Kiev đã sử dụng thuốc hướng thần với ông.

Luật sư Anatoly Kucherena của nghi phạm vụ tai nạn máy bay MH17 - Vladimir Tsemakh - mới đây tiết lộ, thân chủ của ông vừa gửi đơn khiếu nại đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) cho biết nhằm chống lại Ukraine và Hà Lan do các hành động của các cơ quan thực thi pháp luật ở nước này đã thực hiện đối với ông.

Nghi phạm hàng đầu vụ tai nạn máy bay MH17 - Vladimir Tsemakh

Nghi phạm hàng đầu vụ tai nạn máy bay MH17 - Vladimir Tsemakh

Theo đó, Luật sự Kucherena tiết lộ rằng khiếu nại của khách hàng của ông liên quan đến hoàn cảnh Tsemakh bị bắt và giam cầm ở Kiev, cũng như việc sử dụng các chất hướng thần vào ông trong nhà giam. Đây là những vi phạm nhân quyền trắng trợn, ông Kucherena nói và khẳng định, thân chủ của mình sẵn sàng làm chứng chống lại cơ quan thực thi pháp luật của Hà Lan và Ukraine.

Ngày 7/9, Tsemakh được trao lại cho Nga như một phần của một cuộc trao đổi tù nhân với Ukraine. Cùng ngày hôm đó, Hà Lan chính thức yêu cầu Nga dẫn độ Tsemakh. Tuy nhiên, kể từ đó, nơi ở và hành tung của nghi phạm này trở nên bí ẩn.

Vladimir Tsemakh là một trong 5 nghi phạm chính mà Hà Lan công bố. Vào ngày 29/6, Tsemakh đã bị bắt và tạm giam trong 60 ngày, nhưng vào ngày 5/9, nghi phạm được thả tự do. Vào ngày 7/9, anh ta được bàn giao cho Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân.

Úc, Hà Lan và một số thành viên của Nghị viện châu Âu trước đó đã kêu gọi Ukraine không đưa Tsemakh vào diện trao đổi. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, các nhà điều tra Hà Lan đã có cơ hội thẩm vấn Tsemakh trước khi nghi phạm này được mang ra trao đổi.

Sau cuộc trao đổi tù binh, Cơ quan công tố Hà Lan cho biết đã yêu cầu Nga bắt Tsemakh và giao cho Hà Lan để xét hỏi nhưng Moscow hôm 19/11 thông báo không thể thực hiện điều này vì hiện không rõ tung tích của Tsemakh.

Cơ quan công tố Hà Lan cáo buộc Nga vi phạm Công ước dẫn độ của châu Âu khi từ chối giao người và để cho nghi can rời đi.

"Cơ quan Công tố kết luận Nga sẵn sàng cho phép Tsemakh rời khỏi Liên bang Nga nhưng đã từ chối thực hiện yêu cầu của Hà Lan. Dù theo Công ước châu Âu về dẫn độ, Nga buộc phải làm như vậy" - cơ quan tố tụng cho biết trong một thông báo.

Nga không dẫn độ công dân, nhưng công tố viên Hà Lan cho rằng không hề có rào cản trong trường hợp này, vì thực tế, ông Tsemakh là công dân Ukraine, là công dân sống ở miền Đông nước này.

Vladimir Tsemakh, 58 tuổi, cựu chỉ huy lực lượng phòng không phe ly khai miền đông Ukraine, bị đặc vụ Ukraine bắt cóc hồi tháng 6/2019 tại khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng.

Tháng 11/2019, cựu chiến binh Volodymyr Tsemakh của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tuyên bố ông sẵn sàng làm chứng cho các nhà điều tra Hà Lan về thảm họa hàng không MH17 nếu được đứng trên lãnh thổ Donbass.

Luật sư của ông Tsemakh - Anatoly Kucherena - khẳng định, việc thẩm vấn sẽ chỉ được diễn ra trên quê hương của ông này tại Donbass.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay số hiệu MH17.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi trao đổi tù nhân, Tsemakh cho biết, các quan chức Hà Lan và Úc đã từng thuyết phục ông này làm chứng bằng các điều kiện đặc biệt. Khi còn bị giam giữ ở Ukraine, các quan chức Hà Lan, Úc đã nói sẽ cấp quyền công dân và một căn nhà ở Hà Lan cho ông.

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, ông Tsemakh nói: "Họ đã đề nghị tôi tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng, được cấp quyền công dân Hà Lan và một ngôi nhà ở Hà Lan". Tuy nhiên, ông Tsemakh đã từ chối lời đề nghị này.

Bên cạnh đó, Tsemakh tiết lộ, ông này không tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan đến MH17 và không biết về vụ tai nạn cho đến sáng hôm sau.

Theo giải thích của ông Tsemakh, việc ông bị bắt là do ông giữ chức chỉ huy phòng không của phiến quân miền Đông chứ không thực sự nắm giữ các bằng chứng liên quan đến hệ thống tên lửa BUK như lời nhiều nhà điều tra suy đoán.

Tsemakh cho biết ông tình nguyện gia nhập lực lượng dân quân ở thành phố quê nhà Snezhnoye, sau khi Ukraine bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu bắn phá các thị trấn và làng mạc và ông đã trở thành chỉ huy phòng không của thành phố.

Tuy nhiên, lực lượng ly khai không có vũ khí phòng không, nên chỉ huy phòng không thực sự chỉ là chức danh mà thôi.

"Kho vũ khí của tôi bao gồm 2 khẩu pháo phòng không và 2 bệ phóng tên lửa vác vai" - ông Tsemakh cho biết.

Ông Tsemakh cũng cho hay, lực lượng quân ở miền Đông Ukraine đã phải chế tạo tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) từ một số ống và kim loại phế liệu đồng thời đi khắp bản làng để thuyết phục người dân loan tin cho tình báo ở Kiev biết rằng họ có vũ trang và rất nguy hiểm.

Ngày 17/7/2014, máy bay Boeing mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur đã bị rơi khi bay qua khu vực miền đông Ukraine. Toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng trong đó 196 người là công dân Hà Lan.

Các nhà điều tra cho rằng máy bay đã bị tên lửa phóng từ khu vực do phe ly khai ở miền đông Ukraine bắn trúng. Trước đó, tên lửa được vận chuyển từ căn cứ quân sự ở thành phố Kursk của Nga sang Ukraine.

Phía Nga sau đó công bố các bằng chứng cho thấy số hiệu của tên lửa được tìm thấy ở hiện trường là chiếc đã được quân đội Liên Xô chuyển cho Ukraine. Tuy nhiên, các tài liệu liên quan đến tên lửa BUK của quân đội Ukraine đã bị cháy rụi trong một lần nhà kho của Ukraine bị hỏa hoạn do sơ suất.

Hồi tháng 6, các nhà điều tra Hà Lan cáo buộc 3 người Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy và Oleg Pulatov cùng một người Ukraine Leonid Kharchenko có liên quan vụ bắn hạ máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (chuyến bay MH17).

Trong cuộc họp báo ngày 19/6, Nhóm Điều tra chung (JIT) gồm Hà Lan, Malaysia, Bỉ, Úc và Ukraine tuyên bố 4 nghi phạm nói trên bị cáo buộc phụ trách vận chuyển hệ thống tên lửa Buk dùng để bắn rơi máy bay MH17.

Phiên tòa xét xử vắng mặt dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Lan vào ngày 9/3/2020, lệnh truy nã quốc tế cũng đã được ban hành.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghi-pham-mh17-ukraine-dung-thuoc-huong-than-3393689/