Nghị quyết của Quốc hội tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực để Khánh Hòa phát triển

Hà Quốc Trị - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Khánh Hòa xin trân trọng đón nhận tinh thần chủ động, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết 09 ngày 28.01.2022 về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây không chỉ là nguyện vọng mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước.

Với vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng như vậy, Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Ngày 28.01.2022, Bộ Chính trị Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 09 với định hướng xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ chế đột phá để huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Qua nghiên cứu các chính sách được đưa ra trong dự thảo nghị quyết, thứ nhất, các chính sách đặc thù đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, khắc phục những điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá cho phát triển, từng chính sách đã được đánh giá, thiết kế, bảo đảm về tính hợp lý, khả thi và hài hòa về mức độ ưu đãi đặc thù so với các tỉnh, thành phố khác trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, năng lực tổ chức thực hiện gắn với phát huy thế mạnh riêng của địa phương và với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh để triển khai các chính sách đặc thù đã được tính toán, đánh giá tương đối kỹ, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa)

Thứ hai, ngoài 7 chính sách đã được áp dụng với 5 tỉnh, thành phố khác, 4 chính sách mới được thiết kế theo hướng tạo cơ chế thu hút nguồn lực ngoài ngân sách và tập trung vào 3 đặc thù riêng của tỉnh Khánh Hòa là: Phát triển Khu kinh tế Vân Phong, phát triển huyện Cam Lâm và gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm theo đúng định hướng nêu trong Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư tài chính và phân cấp quản lý đặc thù phù hợp để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ, Cam Lâm trở thành đô thị, sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế, góp phần đưa Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, nhất là đối với huyện đảo Trường Sa.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm, trong đó có chủ trương thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất trước khi có thông báo thu hồi đất. Đồng thời, với trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư là phù hợp, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 09. Việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư là nội dung được Bộ Chính trị chỉ đạo cho Khánh Hòa thực hiện thí điểm nêu trong Nghị quyết 09 chỉ thực hiện dự án Nhóm B lĩnh vực giao thông và thủy lợi. Trong thời gian 5 năm thí điểm, việc thực hiện chính sách này sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đưa dự án sớm đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp giảm các yếu tố làm tăng chi phí bồi thường của Nhà nước, không gây mất bình đẳng giữa những người dân nhận bồi thường trước và sau khi triển khai dự án.

Khu vực Bắc Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong là một trong 3 địa điểm trước đây được lựa chọn để thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, vì vậy, các chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong sẽ tạo sức đột phá, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong. Trong quá trình triển khai, cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục đề cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương là phù hợp với năng lực quản lý của địa phương, bảo đảm tính minh bạch.

Thứ ba, về chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa, Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ trong khu vực biển 3 hải lý, quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống, độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Vì vậy, để khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng về nuôi biển tại Khánh Hòa, chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân của cả nước đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, gia tăng giá trị thân thiện môi trường ở các vùng biển mở, làm hình mẫu cho việc phát triển nuôi biển trên cả nước. Đồng thời, chính sách này cũng sẽ góp phần thực hiện chủ trương gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia nêu trong Nghị quyết số 09.

Nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và cử tri Khánh Hòa là được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ Ba xem xét thông qua nghị quyết đặc thù để Khánh Hòa có điều kiện cần và đủ để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Anh Phương ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nghi-quyet-cua-quoc-hoi-tao-co-che-dot-pha-huy-dong-toi-da-nguon-luc-de-khanh-hoa-phat-trien-i291732/