Nghị quyết số 09-NQ/TU: Xóa 'vùng trắng' đảng viên, doanh nghiệp 'ăn nên làm ra'

LTS: Hàng nghìn tổ chức Đảng được thành lập mới, kết nạp mới trên 20.000 đảng viên. Không còn 'vùng trắng' tổ chức Đảng, vì hầu hết các quận, huyện đã thành lập được Đảng bộ khối doanh nghiệp. Một số cấp ủy sau thời gian 'khởi động' ì ạch cũng đã thay đổi phương thức …

Đó là kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Bài 1: Mới và khó

Nghị quyết số 09-NQ/TU ra đời vào ngày 27/2/2012, đúng giai đoạn kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn, việc tập trung duy trì sản xuất, kinh doanh cũng đủ khiến doanh nghiệp “toát mồ hôi”. Do vậy, rất nhiều doanh nghiệp chưa thiết tha với việc thành lập chi bộ. Điều này khiến cho không ít cấp ủy lo ngại Nghị quyết khó đi vào cuộc sống.

Không có nguồn để thực hiện

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, khi mới triển khai Nghị quyết 09 – NQ/TU có rất nhiều doanh nghiệp không đồng ý cho thành lập tổ chức Đảng. Một số doanh nghiệp đồng ý thành lập nhưng chưa đề cao công tác Đảng, đoàn thể nên không phát huy thế mạnh của tổ chức Đảng. Nguyên nhân khách quan là do chủ doanh nghiệp chưa mặn mà, nhận thức chưa đúng. Một số cấp ủy, chi bộ trong doanh nghiệp do chưa được chuẩn bị về tâm lý và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng nên chưa hiểu rõ mình lãnh đạo những việc gì trong doanh nghiệp và phải làm như thế nào…

Anh Phùng Văn Hải, Giám đốc Cty Cổ phần Xây dựng Bình minh cho biết: “Quy mô doanh nghiệp nhỏ, công nhân phần lớn là lao động phổ thông nên chúng tôi không muốn thành lập tổ chức Đảng. Hơn nữa, là doanh nghiệp , chúng tôi sợ người lao động tham gia tổ chức Đảng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động”.

Chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đúng, chưa đủ nên công nhân muốn tham gia vào tổ chức Đảng cũng rất khó khăn.

“Mặc dù rất muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng là công nhân, chúng tôi chịu nhiều áp lực về thời gian, năng suất, định mức lao động… Do vậy, chúng tôi phải tạm gác mong muốn ấy lại để lo chuyện “cơm áo gạo tiền”, chị Nguyễn Thị Bình công nhân Cty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Hà Nội) chia sẻ.

Là một trong những địa bàn được Ban chỉ đạo thành phố “điểm danh” ở nhóm hoàn thành chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2019 chưa cao, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội), ông Đoàn Tuấn Anh cho biết: “Cái khó của Phúc Thọ là không có nguồn để thực hiện, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn. Hiện toàn huyện có khoảng 500 doanh nghiệp nhưng quy mô rất nhỏ và mang tính chất gia đình. Do đó, dù các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chủ trương nhưng không có đảng viên để thực hiện”.

Đi từng ngõ, gõ từng doanh nghiệp

Hội nghị Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Để đưa Nghị quyết 09 vào cuộc sống Đảng ủy Khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã gặp gỡ, vận động chủ doanh nghiệp, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền với chủ doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, con đường đó xem ra còn nhiều gian nan bởi quyết tâm chính trị của các chủ doanh nghiệp chưa cao. Số lượng doanh nghiệp thì nhiều nhưng chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Công nhân chủ yếu là lao động phổ thông nên việc tuyên truyền vận động tham gia các tổ chức Đảng gặp rất nhiều khó khăn.

Công bằng mà nói, đối với doanh nghiệp, họ luôn coi sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp thường không được chủ doanh nghiệp chú trọng.

Trên địa bàn Hà Nội, mỗi quận, huyện có hàng nghìn doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước hoạt động nhưng số lượng các doanh nghiệp có tổ chức Đảng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân khiến các đơn vị chưa “mặn mà” thành lập tổ chức Đảng là do quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, số lượng công nhân lao động chỉ khoảng chục người nên khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho người lao động. Cùng với đó, do đặc thù sản xuất ca kíp nghiêm ngặt, địa điểm các khu công nghiệp lại nằm cách xa trụ sở Đảng ủy Khối nên việc tổ chức lớp học bồi dưỡng phát triển đảng viên cho quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp cũng gặp khó khắn. Chưa kể việc tổ chức lớp học quán triệt nghị quyết Đảng cũng phải tính toán hợp lý để giảm chi phí, thời gian đi lại cho đảng viên”.

Chưa kể, hiện nay, ở một số doanh nghiệp xảy ra tình trạng người lao động không chủ động báo cáo mình là đảng viên (trước khi về doanh nghiệp làm việc người lao động đã là đảng viên). Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức Đảng tại các đơn vị doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước gặp khó khăn.

Vấn đề là ở chỗ, làm sao để tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trở thành động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, là nhân tố đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò nòng cốt chính trị góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển đúng hướng và bền vững.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết: “Để khắc phục những hạn chế nêu trên, những năm qua, Đảng ủy các phường trên địa bàn Hà Nội, trong đó có phường Lý Thái Tổ đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia thành lập tổ chức Đảng tại cơ sở. Ngày còn là Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhiều lần, chúng tôi phải đi từng cơ sở, gõ cửa từng doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp tham gia thành lập tổ chức Đảng. Nhiều đơn vị sau khi được tuyên truyền đã chủ động liên hệ lại với Đảng ủy khối hoặc Đảng ủy phường để nhờ hướng dẫn thủ tục nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do để từ chối khéo, không muốn gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, chính quyền đi vận động”, đồng chí Nguyễn Văn Anh nhấn mạnh.

(còn nữa)

Diễm Quỳnh, Khắc Nam

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nghi-quyet-so-09-nq-tu-xoa-vung-trang-dang-vien-doanh-nghiep-an-nen-lam-ra-d2071431.html