Nghị quyết số 37 - động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội miền núi phát triển

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về 'phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020' (sau đây gọi là Nghị quyết số 37) đã thật sự đi vào cuộc sống. Sau 15 năm thực hiện, thực tế đã và đang minh chứng Nghị quyết số 37 là một quyết sách đúng, hợp lòng dân và để lại những dấu ấn nhất định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực miền núi xứ Thanh phát triển bền vững.

Người dân xã Thượng Ninh (Như Xuân) chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Để Nghị quyết 37 phát huy hiệu quả, đi sát và đúng thực tiễn, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của nghị quyết đề ra. Trong đó, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi, ưu tiên đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi; chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cũng như bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc...

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, thông qua nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh cùng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, đến nay 11 huyện miền núi được đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và 166 triệu USD. Qua đó, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế khu vực miền núi đạt gần 9%/năm. Riêng quy mô kinh tế của 11 huyện miền núi năm 2018 đạt 25.927 tỷ đồng (chiếm 16,2% GRDP của tỉnh). Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, các huyện miền núi cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, đã chuyển đổi được 23.432 ha đất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; duy trì tổng sản lượng lương thực 3 triệu tấn/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã có 40 xã, 437 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện miền núi đã xây dựng được 10 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 27 doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết cho hàng nghìn lao động địa phương.

Các hoạt động văn hóa có chuyển biến tích cực, an sinh được chăm lo, đời sống người dân được cải thiện. Thanh Hóa cũng đã phục dựng được 23 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục được nâng lên, hiện có 7/11 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 2... Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo, đã có 16 cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy ở 16 xã. Các lực lượng vũ trang cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giữ vững an ninh trật tự, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa hoạt động buôn bán ma túy, vũ khí...

Với những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết 37, đã tạo được niềm tin, là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao xứ Thanh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mien-tay-thanh-hoa/nghi-quyet-so-37-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-mien-nui-phat-trien/105903.htm