Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi - Bài 5: Cần chính sách văn hóa mới phù hợp với thời kỳ mới

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi ghi nhận được ý kiến thống nhất từ đa số các nhà nghiên cứu về việc cần thiết phải có một chính sách văn hóa mới đáp ứng được với tình hình thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, văn hóa suy cho cùng hướng tới giá trị bản chất nhất là hình thành nhân cách con người Việt Nam mới và đảm bảo cho phát triển bền vững mà lợi ích dân tộc phải là mục tiêu hướng tới.

Văn Miếu hồi đầu thế kỷ 20

Có thể bổ sung hoặc ra một Nghị quyết mới

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Nên làm một Nghị quyết mới trên cơ sở kế thừa cái cũ vì Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Đây cũng là quan điểm của GS Lê Văn Lan. Kiến nghị về một Nghị quyết mới, GS Thịnh băn khoăn về tên gọi: Không nên giữ cụm từ "xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” mà nên thay đổi. Bởi vì đây là một văn bản nghị quyết nên cần dùng những từ ngữ đi thẳng vào vấn đề. Ví dụ, chữ "tiên tiến” nên thay bằng từ "hiện đại”. Nó sẽ đi vào xu hướng chung của thế giới hiện đang gọi thời điểm này là thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại. GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: Nói như thế đúng hơn và thực sự chữ "hiện đại” có nội hàm khoa học của nó. Như vậy có thể thay cụm từ cũ bằng: "Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc”. Một tên gọi có lẽ bắt kịp với nhu cầu của xã hội hiện nay…

Không kiến nghị nên có một nghị quyết mới, nhưng đề nghị phải bổ sung một chiến lược văn hóa tầm nhìn đến những năm 2020 – 2030, GS Đỗ Quang Hưng cũng cho rằng những quan điểm lý luận của Nghị quyết Trung ương 5 chưa đầy đủ và nếu còn tiếp tục được sử dụng trong thời kỳ mới phải bổ sung những lý luận mới.

Quan điểm văn hóa của Liên Hợp Quốc (tính thống nhất trong đa dạng về văn hóa) khuyến khích vấn đề gìn giữ bản sắc… Nhưng hiện nay, theo tôi tư duy văn hóa của nhân loại đã có những đòi hỏi mới.

Chẳng hạn, với thế giới, hiện nay, kể cả những nước lớn như ở Tây Âu và Bắc Mỹ, không còn là vấn đề "giữ bản sắc” mà là "cú sốc văn hóa” (Choc des cultures) tác động đến mọi quốc gia, mọi tộc người trong xu trào toàn cầu hóa về văn hóa. Việc "giữ bản sắc” (ở ta thì gọi là "đậm đà”) ngày nay đã có cái nhìn khác. Hơn thế nữa, nhiều người nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, khi nói "đậm đà” ta được mặt chính trị trong văn hóa, nhưng vô tình lại coi nhẹ tính hiện đại (modernity).

(GS Đỗ Quang Hưng)

Xây dựng nhân cách là cốt lõi của văn hóa

Tất nhiên, trong một nghị quyết của Đảng không thể và không nên đưa ra quá nhiều vấn đề, để tránh tình trạng cái gì cũng nêu ra và cái gì cũng làm không đến nơi, đến chốn. Nhưng, các nhà nghiên cứu đề nghị, bất kể là bổ sung hay làm một nghị quyết mới thì điều cần phải làm một cách đúng mức và phải coi như vấn đề quan trọng số một của chính sách về văn hóa là vấn đề con người và lối sống. Bởi đó là gốc của văn hóa.

GS Đỗ Quang Hưng cho rằng: Việc Nghị quyết quan tâm đến "hệ giá trị chuẩn” của người Việt Nam là hướng đúng (kể cả việc coi xây dựng nhân cách là cốt lõi, trung tâm của các hoạt động văn hóa) nhưng chúng ta vẫn chưa đủ luận lý để giải thích được, nói đúng hơn là chấp nhận những logic tiên quyết như con người, cá thể, cá nhân luận… vốn là những vấn đề vẫn còn ách tắc về nhận thức lý luận.

Quản lý văn hóa: "…Ứng vạn biến”

Lúng túng, bị động, chạy theo đời sống văn hóa là thực tế có thật trong công tác quản lý văn hóa thời gian qua. Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, GS Đỗ Quang Hưng có những ý kiến đề xuất cụ thể như công tác quản lý văn hóa đã đến lúc cần có cách nhìn mới mẻ hơn khi tiếp tục sử dụng các quan điểm có tính nguyên tắc như "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, văn hóa là mặt trận…”. Hiện nay, theo GS Hưng, cấu trúc nền văn hóa, các loại hình văn hóa không chỉ đơn tuyến là văn hóa chính thống và văn hóa bình dân mà còn xuất hiện hàng loạt các khái niệm khác mà chính sách văn hóa cần giải quyết như "tính nhân loại” (hiện đã quá rõ); những sức mạnh mới của "quyền lực văn hóa” (chẳng hạn quyền lực mềm về văn hóa)…

"Ở nước ta trong công tác văn hóa có những lĩnh vực có không ít kinh nghiệm và thành tựu nhưng lại có những bước lùi quan trọng trong thực tiễn” - GS Đỗ Quang Hưng than phiền. Điều này thể hiện rõ ở các lĩnh vực như văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay, văn hóa tôn giáo - một vấn đề chỉ được mở ra theo những hướng của "thị trường tôn giáo” hay việc giải quyết mối quan hệ nội - ngoại trong giao lưu văn hóa quốc tế cũng vậy.

Trong quá trình hội nhập, có rất nhiều yếu tố của thế giới hiện đại, chúng ta không đánh giá là xấu hay tốt, nhưng không phù hợp với truyền thống Việt Nam. Cùng với đó là trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng đang hết sức phức tạp, rất nhiều lợi ích khác nhau lồng ghép vào nhau từ tôn giáo tới chính trị kinh tế…Bởi vậy, theo nhà sử học Dương Trung Quốc: Giữa đường hướng chiến lược và sự thích ứng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nguyên lý của Cụ Hồ là "Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Lời kết

Ở phòng khách nhà của nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn treo câu nói của cụ Phạm Quỳnh hồi đầu thế kỷ 20: "Thổ nạp Đông – Tây”. Giờ đến đầu thế kỷ 21, trong xu thế hội nhập này, quá trình giao lưu, tiếp nhận thế giới càng là tất yếu. Một chiến lược phát triển văn hóa hợp lý vào thời điểm này trong sự thay đổi của thế giới cả về quan niệm và lý luận trong nhiều vấn đề của đời sống không phải là việc dễ.

Tin tưởng vào bản lĩnh văn hóa Việt Nam, như lời KTS Hoàng Đạo Kính, người Việt có thể ung dung tiến tới văn minh cùng nhân loại. Nhưng rất cần một chính sách văn hóa kế thừa và bổ sung kịp thời vào lúc này để đáp ứng với đòi hỏi của đất nước thời kỳ hội nhập, để giáo dục và hình thành một lớp người Việt Nam mới đủ bản lĩnh bước đi trong thời kỳ hội nhập.

Chúng ta kiên trì những mục tiêu của mình nhưng uyển chuyển trong quá trình hội nhập với thế giới: Học cái gì và cái gì phải đấu tranh ngăn chặn.

Văn hóa Việt Nam vẫn đang "soi đường” cho quốc dân đi, phát triển cùng thế giới, hiện đại và bản sắc.

Cẩm Thúy

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Bản sắc Việt Nam là khả năng thích ứng

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) đã xác lập và càng ngày càng xác định được vai trò của văn hóa đối với đời sống và hội nhập. Cho nên định hướng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa tiên tiến thế giới đó là một bước tiến, nó sẽ đứng vững trong một thời gian lâu dài. Nhưng quan trọng hơn, để cái bất biến ấy nó phát triển liên tục và bền vững, để đi đến mục tiêu thì rõ ràng chúng ta phải ứng phó với những thay đổi rất to lớn của đất nước, cũng như tác động của thời đại này. Trước hết, vào thời điểm Nghị quyết ra đời, công cuộc hội nhập mới khởi động. Thứ hai là kinh tế thị trường chưa thực sự tác động mạnh mẽ như bây giờ. Và sự phát triển của khoa học - công nghệ nhất là truyền thông không đặt ra những thách đố to lớn như bây giờ. Vì thế mục tiêu ấy bên cạnh định hướng phải được thể hiện một cách hết sức thực tiễn để tác động trực tiếp vào từng con người, là những người vừa hưởng thụ, vừa sáng tạo văn hóa, trong đó có cả việc bảo tồn.

Hiện nay chúng ta đứng trước một thử thách rất lớn, thử thách của sự phát triển buộc chúng ta phải hội nhập với thế giới càng sâu càng tốt, nhất là về văn minh vật chất. Đương nhiên mối quan hệ giữa văn minh và vật chất rất khăng khít với nhau và rất dễ tác động với nhau. Trong tác động, bên cạnh những yếu tố tích cực có thể nảy sinh những yếu tố ta gọi là tiêu cực vì nó không thích hợp với bản sắc truyền thống của người Việt Nam.

Tự thân truyền thống đã là phát triển, là một quá trình động chứ không tĩnh. Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc có thể nảy sinh rất nhiều cách nhận thức khác nhau, nên phải đảm bảo môi trường dân chủ thì mới tìm ra sự nhận thức đúng, hướng tới sự đồng thuận.

Tôi nói ví dụ như ngôn ngữ là đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa một cộng đồng, một quốc gia. Trong quá khứ xa xưa có lúc chúng ta không còn chữ viết riêng của mình, chúng ta chấp nhận chữ Hán làm quốc tự nhưng chính ông cha chúng ta bằng cách vẫn giữ tiếng nói của mình, nhờ thế chúng ta khai thác được chữ Hán vốn là của văn minh phương Bắc nhưng là sự bổ sung, hay nói đúng hơn là công cụ rất hữu ích cho dân tộc mình. Chính chữ Hán ấy viết lên áng văn "Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Âm Hán – Việt trở thành di sản hết sức phong phú đóng góp cho ngôn ngữ tiếng Việt và vì chúng ta giữ được tiếng nói nên khi chúng ta tìm được một công cụ khác là chữ La tinh thì nó nhanh chóng trở thành thứ Quốc ngữ hiện đại cho đến bây giờ. Đấy là cái khôn ngoan của ông cha chúng ta, bản sắc văn hóa của chúng ta. Bản sắc không xơ cứng, không cực đoan. Bản sắc không biểu hiện ở bên ngoài hình thức mà thể hiện ở việc giữ được tâm hồn ý thức và nói cho cùng là giữ được lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Chữ Hán chỉ còn là một công cụ. Trong quá trình ấy chúng ta đã nỗ lực sáng tạo, ví dụ chữ Nôm là một nỗ lực sáng tạo, đạt tới mức nào đó, tuy rằng chưa hoàn thiện. Như vậy trong trường hợp này không phải chữ Hán là bản sắc mà vận dụng chữ Hán như thế nào, vận dụng thành quả của chữ Hán như thế nào, phục vụ cho mục tiêu sáng tạo cái mới, là bản sắc của riêng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lúc định nghĩa văn hóa Việt Nam là sự kết hợp giữa Đông và Tây, do đặc điểm địa lý và hoàn cảnh lịch sử. Ta tiếp cận rất sớm với nền văn minh Trung Hoa hay văn minh Pháp trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt là cuộc cưỡng bức đô hộ chính trị, những người Việt Nam vẫn biết cách thích ứng đến mức độ người Pháp phải đưa ra một khái quát: "con đường đi sang Pháp là con đường chống Pháp”. Vì khi người Việt Nam đi sang Pháp tiếp thu nền văn minh Pháp tiếp thu cả những giá trị nhân bản của nhân loại, ví dụ Cụ Hồ hay Cụ Phan Châu Trinh ban đầu đi sang Pháp là bị hấp dẫn bởi Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Đấy chính là bản sắc của Việt Nam, là khả năng thích ứng tiếp thu làm phong phú thêm cho văn hóa của dân tộc mình, phục vụ cho mục tiêu của dân tộc mình.

CT (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68184&menu=1366&style=1