Nghị quyết xử lý nợ thuế sẽ không chồng chéo với Luật Quản lý thuế 2019

Để xử lý nợ thuế không có khả năng thu hồi, cần phải có chế tài chặt chẽ, mạnh mẽ, bao gồm cả Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Có như vậy, công tác xóa nợ thuế mới được công bằng, minh bạch.

Cần thiết phải có một nghị quyết của Quốc hội để xử lý các khoản nợ đọng trước 1/7/2020. Ảnh: T.Linh.

Cần thiết phải có một nghị quyết của Quốc hội để xử lý các khoản nợ đọng trước 1/7/2020. Ảnh: T.Linh.

Không chồng chéo

Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đang được ngành Thuế nỗ lực xây dựng trên cơ sở ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều ý kiến nhận định, Nghị quyết này là hoàn toàn cần thiết bởi nếu cứ duy trì số nợ không có khả năng thu hồi sẽ tạo gánh nặng quản lý cho ngành Thuế, đồng thời mất cân đối cán cân thu ngân sách.

Luật Quản lý thuế mới đã có một chương về nội dung khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt với những quy định rất cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ còn một thời gian ngắn nữa Luật này sẽ có hiệu lực (từ ngày 1/7/2020-PV), vậy vai trò của Nghị quyết xử lý nợ thuế tại thời điểm này như thế nào? Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lý giải, Luật Quản lý thuế 2019 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đã có quy định khoanh tiền thuế nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Các quy định này được áp dụng cho đối tượng nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2020 trở đi, không áp dụng đối với các trường hợp nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2020. Do đó, với các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế năm 2006 có hiệu lực và sau đó vẫn chưa có chế tài nào để xử lý dù Luật đã được sửa đổi. Do vậy, cần thiết phải có một Nghị quyết của Quốc hội để xử lý các khoản nợ đọng trước 1/7/2020. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Nghị quyết này chỉ xử lý phần tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, chứ không xử lý phần nợ gốc. Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, các khoản nợ gốc nếu được xử lý xóa nợ sẽ phải đảm bảo các quy định rất ngặt nghèo với thời gian tối thiểu phải là 10 năm.

“Trong tổng số hơn 79.000 tỷ đồng nợ thuế, có hơn 39.000 tỷ đồng nợ không có khả năng thu. Đến nay sau khi phân loại, căn cứ vào các tiêu chí hiện hành, số nợ đủ điều kiện để xóa chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp. Còn lại, chủ yếu là phần nợ gốc. Theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019, từ 1/7/2020 trở đi, nếu các khoản nợ này đảm bảo các điều kiện thì mới được xem xét để xóa nợ”, ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ.

Như vậy, để xử lý triệt để các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi đang là gánh nặng của ngành Thuế, cần thiết phải có Nghị quyết xử lý nợ thuế cùng với chế tài chặt chẽ tại Luật Quản lý thuế 2019. Công tác xóa nợ thuế sẽ được ngành Thuế tiến hành cẩn trọng, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Quy định khoanh nợ, xóa nợ cụ thể

Tại Luật Quản lý thuế 2019, quy định về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được nêu rất cụ thể. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể; doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Tổng cục Thuế cho rằng, quy định này sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo (khi tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn, không có khả năng thu hồi).

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế 2019 cũng quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Theo đó, mở rộng thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan được xóa nợ đối với các trường hợp có tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính được xóa nợ đối với các trường hợp có số nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền xử phạt từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ được quyền xóa nợ đối với các trường hợp nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt trên 15 tỷ đồng.

Cùng với việc quy định rõ thẩm quyền xóa nợ, Luật Quản lý thuế 2019 cũng đề cập đến việc miễn tiền chậm nộp. Cụ thể, Luật đã quy định đối với trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp, có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nghi-quyet-xu-ly-no-thue-se-khong-chong-cheo-voi-luat-quan-ly-thue-2019-111027.html