Nghị sĩ Nga nói sự thật buồn Ukraine

Cắt đứt quan hệ hữu nghị với Nga, Ukraine có thể đối mặt với thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Ngày 17/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã công bố hiệu lực của quyết định do Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ucraine đưa ra về chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và quan hệ đối tác giữa Ukraine và Nga.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Bộ Ngoại giao Ukraine đã đề xuất việc dừng hiệp ước hữu nghị với Nga. Sau đó, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đã thông qua việc này và tiếp tục trình lên ông Poroshenko. Sau khi Tổng thống Ukraine ký vào nghị định thông qua đề xuất trên, việc hủy bỏ hiệp ước hữu nghị đã chính thức có hiệu lực về mặt pháp luật.

Theo văn bản trên, Bộ Ngoại giao Ukraine có trách nhiệm thông báo tới chính phủ Nga việc Kiev muốn hủy hiệp ước được ký từ ngày 31/5/1997. Hạn chót để gửi thông báo chưa được công bố chi tiết. Ngoài ra, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine và Bộ ngoại giao có sẽ phải thông báo việc này lên Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu và các tổ chức nước ngoài khác về quyết định muốn chấm dứt hiệp ước với Nga.

Bộ Ngoại giao Ukraine có trách nhiệm thông báo cho phía Nga về việc này trước ngày 30/9.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng sẽ thông báo đến Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các tổ chức quốc tế khác về quyết định của Ukraine.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác giữa Nga và Ukraine có thời hạn hiệu lực 10 năm kể từ ngày 1/4/1999 và được tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối.

Sau khi được gia hạn tự động vào năm 2009, hiệp ước này đang có hiệu lực đến năm 2019 và đến nay thì Ukraine đã tuyên bố hủy bỏ. Hiệp ước quy định nguyên tắc đối tác "trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bất khả xâm phạm biên giới, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực, bao gồm cả kinh tế và các phương tiện áp lực khác" và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau.

Trước thông tin này, Chủ tịch Ủy ban về Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, hội nhập Á- Âu và giao tiếp với đồng bào thuộc Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Kalashnikov tuyên bố, việc Ukraine phá vỡ Hiệp ước hữu nghị với Nga sẽ làm mất đi những bảo đảm trong tuân thủ quyền của người Ukraine đang sinh sống tại Liên bang Nga và người Nga tại Ukraine.

Theo ông Kalashnikov, hiệp ước chỉ có thể được nối lại nếu thay đổi chính quyền tại Kiev.

Còn ông Dmitry Belik - Nghị sĩ đến từ Thành phố Sevastopol thuộc Duma Quốc gia Nga cho rằng, việc hủy bỏ Hiệp ước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và chính trị của Ukraine.

"Hủy bỏ hiệp ước này là một trở ngại tới sự ổn định kinh tế và chính trị của Ukraine: giấc mơ châu Âu đã không trở thành hiện thực, và các cuộc tấn công có hệ thống vào Nga tước mất của Ukraine một nguồn thu nhập" - Nghị sĩ Dmitry Belik nói.

Vị Nghị sĩ Nga còn chỉ trích bước đi hủy bỏ Hiệp ước của Ukraine là một "sự bất ổn trong nền chính trị vô dụng" của Poroshenko, được quyết định bởi tham vọng cá nhân của ông này.

Từ khi Tổng thống Ukraine tuyên bố mong muốn hủy bỏ Hiệp ước với Nga hồi tháng 4 và nhắc lại điều đó vào tháng 8, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng dù quan hệ giữa Nga và Ukraine khó có thể xấu đi hơn nữa, nhưng đây là bước đi không hợp lý khi Ukraine muốn hủy bỏ hiệp ước hữu nghị vì nó có thể gây gia tăng mối đe dọa cho lợi ích của người dân 2 nước.

Nghị sĩ Ukraine chỉ trích động thái của ông Poroshenko

Thực tế cho thấy, bất chấp quan hệ hai nước bị kéo tụt nghiêm trọng, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Ukraine vẫn rất cao, một phần do lịch sử phát triển thương mại giữa hai nước.

Ukraine có thể bị thiệt hại kinh tế rất nặng nề nếu rời bỏ Nga.

Số liệu thống kê của Cơ quan dữ liệu Nhà nước Ukraine (Ukrstat) mới được công bố, các doanh nghiệp Nga là nhà đầu tư lớn nhất vào Ukraine trong nửa đầu năm 2018.

Số tiền đầu tư từ Nga đã chiếm 34,6% - tỷ lệ cao nhất trong tổng số 1,3 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Ukraine.

Đây là nguồn tiền ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và cuộc sống của công dân Ukraine. Do đó, nếu như sự hợp tác này không còn sau khi Kiev từ chối Hiệp ước đối tác với Nga, những người dân Ukraine là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng.

Quan điểm này đã từng được chính các quan chức Ukraine chỉ ra.

Nghị sĩ Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) Vadim Rabinovich cũng tuyên bố việc ngừng giao dịch thương mại với Nga sẽ phá hủy nền kinh tế Ukraine.

Kim ngạch thương mại "tăng trưởng hàng tháng" và nền kinh tế Ukraine sẽ “sụp đổ” trong trường hợp nước này chấm dứt giao dịch thương mại với Nga.

"Cán cân thương mại của chúng ta với châu Âu hầu như bằng không. Cán cân thương mại với Nga đang tăng trưởng hàng tháng. Nếu cả ở Nga chúng ta cũng biến thành con số 0 hoặc âm thì chúng ta sẽ làm cái gì với ai?" - ông Rabinovich nói.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Viktor Suslov cho biết, việc chấm dứt quan hệ kinh tế- thương mại với Liên bang Nga mới được Chính phủ nước này ban hành sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Ukraine. Nga là một thị trường quan trọng trong phân phối hàng hóa của Ukraine và là thị trường cung cấp những mặt hàng cực kỳ quan trọng cho Ukraine như nguyên liệu hạt nhân.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghi-si-nga-noi-su-that-buon-ukraine-3365708/