Nghị sỹ Ukraine nói về 'hậu quả' của việc phong tỏa Bán đảo Crimea và Donbass

Đại biểu Quốc hội Ukraine Yevgeny Murayev cho rằng nỗ lực phong tỏa Donbass (miền Đông Ukraine) và bán đảo Crimea đã gây ra hậu quả tiêu cực cho chính quyền trung ương Ukraine.

Nghị sỹ Ukraine nói về “hậu quả” của việc phong tỏa Crimea và Donbass

Nghị sỹ Ukraine nói về “hậu quả” của việc phong tỏa Crimea và Donbass

Ngày 14/7, nghị sĩ Ukraine Yevgeny Murayev cho rằng, giới chức Kiev đã khiến người dân Ukraine xa lánh đất nước mình thông qua việc áp đặt lệnh cấm vận đối với Bán đảo Crimeavà Cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine), đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các nghị sĩ là đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình “Nash”, đại biểu Quốc hội Ukraine Murayev nêu rõ: "Mọi người luôn nghĩ nơi nào thích hợp với họ... Bằng việc áp đặt lệnh cấm vận, nhà chức trách, chính quyền, Quốc hội, Tổng thống về cơ bản đã đẩy người dân ra xa, họ không gắn kết với Ukraine".

Nghị sĩ Yevgeny Murayev khẳng định, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận trong lĩnh vực thương mại, giao thông, kinh tế và xã hội của Bán đảo Crimea và hai nước Cộng hòa tự xưng ở Donbass sẽ là bước đầu tiên hướng tới hòa bình và tái hòa nhập các vùng lãnh thổ.

Ông Muraiev nhấn mạnh: "Và đây là nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi sẽ đề nghị điều đó, chúng tôi sẽ thuyết phục Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky lắng nghe chúng tôi và làm điều này ngay lập tức".

Cựu Tổng thống Ukraine Poroshenko

Trước đó, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, Moscow đã đạt được mục đích quay trở lại Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) và do đó đã thực hiện bước đầu tiên theo hướng buộc châu Âu phải công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Ông Poroshenko nhấn mạnh rằng, Kiev luôn tìm cách gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga "mặc dù điều đó không dễ dàng", đồng thời khẳng định bước đi ngoại giao của phái đoàn Ukraine trong PACE là hoàn toàn hợp lý. Cựu Tổng thống Ukraine nhấn mạnh nước này sẽ không cho phép dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Phái đoàn Nga ở PACE đã bị tước quyền bỏ phiếu vào tháng 4/2014 do các sự kiện ở Ukraine và xung quanh vấn đề Bán đảo Crimea. Tiếp đó các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow đã được thắt chặt thêm.

Đáp lại, Nga đã ngừng tham gia các cuộc họp của PACE và vào giữa năm 2017 nước này tuyên bố đã đóng băng một phần khoản thanh toán cho ngân sách của cơ quan này.

Tuy nhiên hồi cuối tháng 6 vừa qua, PACE đã mời Nga tham gia phiên họp, và sau đó thông qua nghị quyết xác nhận đầy đủ quyền hạn của phái đoàn Nga.

Quyết định của Nga sáp nhập Bán đảo Crimea được chính thức công bố hồi tháng 3/2014, với gần 97% cử tri ủng hộ việc hợp nhất Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý ở khu vực này.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nghi-sy-ukraine-noi-ve-hau-qua-cua-viec-phong-toa-ban-dao-crimea-va-donbass-post305962.info