Nghỉ Tết 7 hay 9 ngày?

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các bộ, ngành về kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, với hai phương án nghỉ 7 hoặc 9 ngày.

Ảnh minh họa.

Theo đó, phương án một nghỉ 7 ngày, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 5 ngày chính thức và 2 ngày nghỉ bù, kéo dài từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (từ thứ sáu 20/1/2023 đến hết thứ năm 26/1/2023).

Phương án hai kéo dài 9 ngày, từ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão. Kỳ nghỉ gồm 5 ngày chính thức, 2 ngày nghỉ bù và 2 ngày nghỉ hàng tuần (từ thứ bảy 21/1 đến hết chủ nhật tuần sau 29/1/2023).

Trong 2 phương án trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất chọn phương án 7 ngày để đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Dù còn vài tháng nữa mới Tết, song ngay khi các phương án được đưa ra, dư luận đã bàn tán sôi nổi. Cũng dễ hiểu thôi, bởi Tết là dịp đoàn viên, sum họp, là dịp để nhiều người đi làm ăn xa có điều kiện trở về bên gia đình sau một năm lao động vất vả.

Trong số các ý kiến, đa phần nghiêng về phương án 2, nghỉ 9 ngày. Luồng ý kiến này cho rằng, phương án 1 không khả thi khi đi làm lại ngày thứ 6 xong nghỉ tiếp 2 ngày cuối tuần, đa số người về quê sẽ xin nghỉ phép thêm ngày này để được ở lại với người thân lâu hơn.

Với những người ủng hộ phương án nghỉ 7 ngày, họ cho rằng phương án nghỉ 9 ngày quá cận Tết (30 Tết mới được nghỉ), sẽ có rất nhiều người không kịp về quê đón Giao thừa. Đó là chưa kể áp lực giao thông sẽ cực lớn khi dồn vào 1 ngày cuối cùng của năm Âm lịch để mọi người cùng về quê.

Hơn nữa, do dịch Covid-19, người lao động trước đây đã nghỉ quá nhiều, giờ nghỉ Tết lâu cũng không cần thiết. Vì thế, họ cho rằng việc nghỉ từ 29 đến mồng 5 Âm lịch là phù hợp.

Dù hai phương án đều có mặt lợi riêng nhưng có thể thấy, thời gian nghỉ trước Tết quá ngắn (phương án nghỉ 7 ngày thì ngày nghỉ đầu tiên sẽ vào 29 Tết, phương án nghỉ 9 ngày thì ngày nghỉ đầu tiên sẽ là 30 Tết).

Nhiều năm qua, chúng ta đã chứng kiến, áp lực giao thông dịp cuối năm là cực kỳ lớn, chuyện tàu xe, đi lại luôn rất “nóng”.

Bởi thế, dù là phương án 1 hay 2, hoặc có thể là một phương án khác, kết hợp ưu điểm của 2 phương án trên, thời gian nghỉ trước Tết nên nhiều hơn chứ không phải từ ngày 29 hay 30 tháng Chạp.

Điều đó sẽ giúp người lao động có thời gian đi mua sắm nhiều hơn, người dân đi lại, về quê cũng giãn ra nên cũng hạn chế được ùn tắc, tai nạn vì không phải gấp gáp, vội vàng. Áp lực lên các đơn vị vận tải vì vậy cũng sẽ giảm đi nhiều.

Chẳng hạn, thay vì 29 hay 30 Tết, liệu có nên cho nghỉ Tết từ 27 hoặc 28 tháng Chạp? Phương án này cân đối được số ngày nghỉ trước và sau Tết, giảm áp lực giao thông cuối năm, người dân được tận hưởng không khí mua sắm Tết và có thời gian sắp xếp công việc để về nhà trước Tết.

Mỹ Hà

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghi-tet-7-hay-9-ngay-d564239.html