Nghỉ Tết 7 ngày dài hay ngắn: 'No dồn đói góp'

Việc phân bổ ngày nghỉ kiểu 'no dồn đói góp' nói trên, không những không kích cầu được du lịch phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy.

Trước thông tin Bộ LĐ-TB-XH đề xuất lịch nghỉ Tết nguyên đán 2021 là 7 ngày, gồm 5 ngày nghỉ chính thức cộng hai ngày nghỉ cuối tuần, một số chuyên gia cho rằng, luật chỉ quy định khung, quyền thỏa thuận giao lại cho doanh nghiệp.

Chuyên gia cho rằng nên rút ngắn kỳ nghỉ Tết, tăng nhiều ngày nghỉ trong năm. Ảnh minh họa

Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Đức Chính- nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho rằng, Tết nguyên đán là ngày lễ truyền thống của dân tộc, do đó, việc đưa ra quy định cứng, buộc doanh nghiệp phải thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, Luật chỉ nên đưa ra quy định cứng để làm chuẩn áp dụng chung trên cả nước. Quyết định số ngày nghỉ, nghỉ dài hay ngắn nên để doanh nghiệp tự căn cứ vào tình hình hoạt động sản xuất thực tiễn để thỏa thuận với người lao động về số ngày nghỉ, hình thức nghỉ cũng như mức trợ cấp cho phù hợp.

"Về phương án nghỉ, tôi cho rằng nên cho nghỉ trước Tết 2 ngày để người lao động có thời gian di chuyển về quê, sau Tết chỉ nghỉ rất ngắn", ông Chính nói

Tết nghỉ 3 ngày đã là nhiều?

Cũng cho rằng, việc thống nhất ngày nghỉ Tết nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người lao động, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI còn góp ý nên rút ngắn thời gian nghỉ Tết, không nên nghỉ quá nhiều ngày.

Theo ông Hải, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, cần theo xu hướng chung của các nước.

"Ví dụ Tết dương lịch có thể nghỉ 2 ngày, Tết âm lịch chỉ nghỉ 1 ngày thôi", ông Hải nói.

Đưa ra quan điểm như vậy, ông Hải cho hay, nước ngoài quy định ngày nghỉ lễ, Tết ngắn, vì thế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường nên ngày lễ, Tết lại chính là cơ hội để kích cầu mua sắm, tiêu dùng, du lịch, sản xuất trong nước phát triển.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghỉ lễ, Tết là nghỉ tất cả, toàn bộ từ nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp, người lao động, nói chung các hoạt động kinh doanh, sản xuất đều "nghỉ" theo. Chỉ một số ít doanh nghiệp xuất khẩu hoặc du lịch là duy trì hoạt động.

Chính vì điều này mà lễ, Tết tưởng là dịp để kích cầu phát triển nền kinh tế nhưng thực ra lại đang mang lại gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người lao động.

Vì thế, ông Hải cho rằng, nghỉ lễ cần phải tính toán rất khoa học, phân bổ đều trong năm sẽ giúp nền kinh tế vận hành trơn tru, không bị ngừng trệ, đứt quãng như lâu nay.

Kể cả trong lĩnh vực du lịch, ông Hải cũng nói thẳng, muốn kích cầu du lịch thì cần có nhiều ngày nghỉ lễ trong năm chứ không phải kéo dài ngày nghỉ trong một kỳ nghỉ.

"Lâu nay chúng ta cứ luôn làm những việc khác người, ví dụ trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy, cũng có những quy định không giống ai.

Trong khi, giáo dục các nước quy định ngoài những ngày nghỉ lễ của dân tộc, học sinh còn được nghỉ 4 kỳ trong năm, còn ở Việt Nam thì một năm chỉ nghỉ hai lần, mỗi lần lại kéo dài cả tháng.

Việc bố trí ngày nghỉ cho học sinh như các nước là giúp học sinh cân bằng được thời gian chơi, học, nghỉ, rất khoa học mà bảo đảm sức khỏe, nhưng ở nước ta lại làm ngược, học quá nhiều, thời gian nghỉ ngơi quá ít.

Chính vì việc bố trí ngày nghỉ bất cập như vậy nên không kích cầu được du lịch, vì con cái không được nghỉ học thì không thể cùng cha mẹ du lịch vào các dịp Xuân, Thu, Đông mà phải đợi đến dịp nghỉ Hè mới được đi", ông Hải phân tích.

Ông Hải cho rằng, việc phân bổ ngày nghỉ kiểu "no dồn đói góp" nói trên, không những không kích cầu được du lịch phát triển, gây đình trệ sản xuất mà còn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, tai nạn tăng lên cùng với những tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Với quan điểm này, ông Hải cho rằng nghỉ Tết 3 ngày vẫn còn nhiều.

Nghỉ Tết 7 ngày dài hay ngắn: Nên hỏi doanh nghiệp

Hai phương án nghỉ Tết nguyên đán 2021 đều kéo dài 7 ngày. Theo phương án đầu, công chức và người lao động có hai ngày nghỉ trước và ba ngày sau Tết. Lịch nghỉ kéo dài từ 10 đến 16/2/2021, tức 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 Tân Sửu.

Ngày mùng 6 Tết, công chức và người lao động đi làm bình thường. Do mùng 2 và 3 Tết (tức 13 đến 14/2/2021) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần, người lao động nghỉ bù mùng 4 và 5 Âm lịch, tức 15 đến 16/2/2021.

Phương án hai, lịch nghỉ sẽ kéo dài từ 11 đến 17/2, tức 30 Tết đến ngày mùng 6. Do mùng 2 và 3 Tết, tức 13 đến 14/2/2021 trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần, công chức, viên chức sẽ nghỉ bù vào mùng 5 và 6 Tết, tức 16 đến 17/2/2021.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ưu tiên chọn phương án đầu tiên. "Nghỉ hai ngày trước Tết và ba ngày sau Tết không quá ngắn cũng không quá dài. Người lao động dễ sắp xếp để về quê. Tàu xe đi lại cũng đỡ áp lực ", ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động - đơn vị dự thảo lịch nghỉ Tết thông tin.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nghi-tet-7-ngay-dai-hay-ngan-no-don-doi-gop-3419163/