Nghi thức ma thuật truyền sinh trong đời sống dân gian

Ma thuật được hiểu là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, có tính kỳ bí và như một phép màu; thường được thực hiện bằng sự kết hợp giữa những lời nói và một quy trình với nhiều động tác quy ước tiếp nối nhau trong sự bảo đảm, lựa chọn chặt chẽ về tư cách của người thực hành; tác động đến thế giới tự nhiên và các lực lượng siêu nhiên nhằm đạt được kết quả mong muốn.

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Ma thuật truyền sinh là một nghi thức ma thuật truyền năng lượng, năng lực sinh sôi nảy nở của chủ thể tới đối tượng thụ hưởng nhằm kích động, nhắc nhở, mời gọi, dạy bảo đối tượng về chính điều này. Kết quả của ma thuật truyền sinh là làm biến đổi sự vật hiện tượng, nhưng theo hướng tích cực, và nhằm vào mục đích chính là sự nảy sinh (tạo ra cái mới) và sự hồi sinh, tái sinh (làm mới lại cái cũ hoặc đã chết). Chủ thể truyền sinh có thể là con người (trong chiều tác động tới tự nhiên), hoặc có thể là tự nhiên, vật linh (trong chiều tác động trở lại đến con người, cây trồng, vật nuôi - thế giới tự nhiên thứ hai).

1. Nguyên lý của ma thuật truyền sinh

Theo quan điểm của J.G.Frazer, có hai nguyên lý cơ bản làm cơ sở của ma thuật: nguyên lý mọi vật giống nhau sẽ mời gọi vật đồng loại, hay một hiệu quả sẽ tương tự như nguyên nhân của nó (quy luật của sự tương đồng); và nguyên lý những sự vật đã từng tiếp xúc với nhau sẽ tiếp tục tác động lẫn nhau, kể cả khi cuộc tiếp xúc đó đã kết thúc (1). Nói ngắn gọn là hai nguyên lý: mô phỏng, bắt chước và tiếp xúc, lây truyền.

Nguyên lý mô phỏng, bắt chước thể hiện qua nghi thức cầu mưa dân gian bằng ma thuật giả làm mưa: Người Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) tập trung nam nữ thanh niên tại bãi cỏ rộng rồi tìm đến gia đình có bà già cao tuổi nhất trong bản. Đến sân, người lĩnh xướng hát vọng lên nhà, mời bà cụ ra cầu thang trong bộ váy áo đẹp nhất. Bà nhúng hai tay vào chậu nước để sẵn và té vào những người đứng ở cầu thang, đến người cuối cùng, bà hắt cả chậu nước vào người đó (2). Hành động này của bà mô phỏng cảnh trời mưa và có tính lây lan. Cách cầu mưa của người Khơ mú thì không chỉ là những hình thức ma thuật bắt chước diễn lại hiện tượng mưa rơi mà còn làm những điều xúi quẩy để chọc tức trời hay ma hạn hán, vì bực mình mà phải đổ mưa xuống (3). Người Việt ở Đức Bác (Vĩnh Phúc) cầu mưa qua lễ hội đua thuyền nổi tiếng, được gọi là tiệc bơi. Người bơi xưa có lệ tay chèo đều bỏ xõa tóc và có hai, ba người cầm chèo gõ vào nhau theo nhịp phách (xưa nam giới để tóc dài, sau cắt tóc ngắn thì người ta bỏ khăn, bới tóc bù đầu và cứ thế để suốt cuộc bơi) (4).

Nguyên lý ma thuật lây lan, tiếp xúc được thể hiện rõ trong một số ví dụ như trong lễ hội mọi người thường giành nhau tranh cướp vật hèm, vật linh lúc hành lễ, với niềm tin ai bắt, lấy được sẽ gặp nhiều may mắn. Hoặc thể hiện rõ trong tục lệ chạm, xoa vào các hốc đá, trụ đá thiêng, có hình sinh thực khí hoặc hình bầu sữa, để được truyền năng lượng sinh sản và tìm kiếm sự bảo trợ, may mắn.

2. Các thành tố cấu trúc của ma thuật truyền sinh

Xét về cấu trúc, một nghi thức ma thuật truyền sinh bao gồm các thành tố: không - thời gian thực hiện nghi thức, người thực hành nghi thức, các hiện vật thiêng của nghi thức, quy tắc trình diễn nghi thức... Có thể phân loại thành ba nhóm vấn đề: quyền lực người được chọn, quyền lực các yếu tố tạo sinh, quyền lực các yếu tố đảm bảo hiệu quả của ma thuật.

Quyền lực người được chọn

Không phải ai cũng có thể làm được ma thuật, ngay cả khi đó là những người hành nghề tôn giáo. Chỉ một số ít những người được chọn, có lý do nhất định mới thực hiện được ma thuật. Quyền lực của họ trong việc tạo ra hiệu quả ma thuật đã được cả cộng đồng chấp nhận, và mạnh mẽ đến mức, không một ai “dại dột mà làm những việc trái với quyền lực đó” (5). Người thực hiện nghi thức thường tập trung vào hai nhóm sau: người phụ nữ và cặp đôi nam nữ.

Quyền lực tính nữ - người đàn bà hữu sinh và cô gái đồng trinh

Trong ma thuật truyền sinh dân gian, đặc biệt là ở nghi thức truyền sinh cho trồng trọt, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Người phụ nữ, hay người đàn bà hữu sinh, thường được đồng nhất với mẹ lúa, có khả năng ma thuật thu hút, mời gọi hồn lúa về nhà. Có thể vì phụ nữ là người đã sáng tạo ra nghề trồng trọt - nghề được ra đời từ hái lượm, nên việc hóa thân hồn lúa vào họ trở nên hết sức hiển nhiên. Cũng có thể, phụ nữ, cái đẹp là đối tượng mà hồn lúa dễ bị thu hút (6). Ngoài ra, thiên chức đặc biệt của người phụ nữ: sinh sản và duy trì nòi giống cũng làm cho họ có quyền lực lớn trong việc tạo ra hiệu quả truyền sinh cho cây lúa, ruộng đồng.

Người đàn bà hữu sinh, và thường là chủ nhà, đáp ứng một số điều kiện nhất định mới có thể làm được mẹ lúa. Chẳng hạn, người Mạng Ư có những tiêu chuẩn chọn mẹ lúa như sau: phải là bà chủ nương, có nhiều con cái, người đàn bà đến tuổi nào đó mà không có con, đang bẩn mình thì không được phép làm mẹ lúa. Trong trường hợp bà chủ không làm được, người thay thế là một phụ nữ bên nhà chồng, tốt nhất là chị em ruột của ông chủ nương. Nếu không có chị em ruột hoặc chị em không đến được thì chị em họ của ông chủ nương, thậm chí con gái của ông cũng có thể thay thế mẹ, nhưng và tốt nhất phải là người đông con cái (7). Sở dĩ phải lựa chọn gắt gao như vậy bởi trên nương, mẹ lúa là người thực hiện những nghi thức thiêng nhằm mời hồn lúa về, và hấp thụ năng lượng mặt trời vào hồn lúa.

Tín ngưỡng trong gieo trồng và thu hoạch mùa vụ của người Thái cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho vai trò của mẹ lúa. Khi gieo trồng, người ta tiến hành những lễ cúng, sau đó mè kè châu hươn (bà chủ nhà) bước xuống ruộng và cấy những cây mạ đầu tiên. Đến khi lúa chín thì chính bà phải ra ruộng để xin đem hồn lúa về. Khi đó bà dùng lạt buộc ba gốc lúa lại và cắm một ta leo bên cạnh, trên kẹp ba lá bờ nạt (lá tàu bi) dùng để xua đuổi tà ma. Như vậy, mẹ lúa ở đây có quyền lực lớn trong việc: truyền sinh cho cây lúa sinh trưởng tốt (cấy những cây mạ đầu tiên); thu hút được năng lượng hồn lúa (xin hồn lúa về), và xua đuổi tà ma, bảo vệ sự sống của ruộng đồng (cắm taleo).

Ở người Việt, cũng có thể nêu ra một vài ví dụ. Chẳng hạn, trong lễ thức xuống đồng, người nông dân ở Vĩnh Phúc đã để hồn lúa hóa thân trong những nữ nông dân bình dị (8). Hay trong một vài ví dụ khác, hình ảnh mẹ lúa hay người được lựa chọn thực hiện nghi thức ma thuật truyền sinh được hóa thân thành cô gái đồng trinh. Có vẻ như sự tinh khiết và giàu sức sống của các cô gái đồng trinh tạo ra ý niệm về cái đẹp và sự phát triển đang tiếp diễn trong các ma thuật truyền sinh. Chẳng hạn, ở Thanh Sơn - Phú Thọ, hồn lúa được hiện thân trong hình hài một cô gái chưa chồng. Người ta đặt cô lên võng cùng một bó lúa rồi rước cô về làng, ra đồng. Ở đồng, cô gái này sẽ cấy vài nhánh lúa rồi phân phát các nhánh lúa cho mọi người để lấy may (9).

Quyền lực cặp đôi nam nữ - đôi vợ chồng hoặc đôi nam thanh nữ tú

Khi tiến hành các nghi thức ma thuật truyền sinh, quyền lực tối quan trọng nhiều khi thuộc về cặp đôi nam nữ. Cặp đôi ấy, vừa mang tính biểu tượng, lại vừa như một thứ công cụ để truyền cảm hứng cho tự nhiên về sự sinh sôi nảy nở. Dẫn chứng cho điều này có thể tìm thấy nhiều ở dòng lễ hội ma thuật vật hèm. Chẳng hạn như ở làng La Cả (xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Nội) xưa có tục khi rã hội (tan đám, hội tổ chức vào mồng 7 tháng giêng), vị bô lão chủ trì chậm rãi đánh 3 hồi trống, rồi đến 3 hồi chiêng, và trong khoảng thời gian đó, đèn đuốc được tắt hết, mọi điều cấm kỵ được lâm thời hủy bỏ, thanh niên nam nữ được tự do tiếp xúc với nhau… Ý nghĩa của tục này là ở chỗ sự hợp thân tự nhiên của nam nữ trên đất cỏ được xem như một hành động mang tính cách ma thuật truyền sinh, có tác dụng kích động, nhắc nhở thiên nhiên, đất trời sinh sôi, nảy nở (10). Ở lễ hội miếu Trò, xóm Trám, xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ thì khi lễ mật tắt đèn, sẽ xướng diễn trò linh tinh tình phộc: trước linh vị thần nõ nường, đôi trò (nam, nữ) sẽ cầm vật hèm - nam cầm nõ, nữ cầm nường… Theo lệnh tuần tự của mỗi lần hô: “linh tình tình phộc” của ông chủ tế, đôi trò vừa múa (đứng tại chỗ, hai tay cầm vật hèm đưa sang đưa về) vừa hát. Nữ cầm cái nường đưa lên, nam cầm nõ phộc vào. Phải làm ba lần như thế (trong đêm tối chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng), đèn sáng lại. Phút ấy gọi là phút thiêng, dập chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh thiên địa biết lễ mật tắt đèn đã thành công. Sau đó chủ tế dẫn đầu đám trò chạy quanh miếu ba vòng, ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng vừa chạy vừa la hét và gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ trừ hiểm họa cả năm cho dân làng, cùng mùa màng cây trái và gia súc...(11). Như vậy, ở lễ hội này rất nhiều cặp đôi nam nữ, cặp vợ chồng cùng tham gia thực hiện nghi thức ma thuật, sức mạnh lưỡng hợp nõ nường, âm dương được nhân lên nhiều lần, đảm bảo cho tính hiệu lực của ma thuật trở nên tuyệt đối.

Trong hội cũng chứa đựng nhiều hành vi, nghi thức mang ý nghĩa ma thuật truyền sinh. Chẳng hạn như tục chơi đu trong ngày hội xuân của người Việt mang ý nghĩa giao cảm phồn thực rõ rệt. Điệu nhảy phồn thực của trai gái bên cây hoa thiêng sang bók trong lễ hội xăng khan của người Thái cũng có ý nghĩa như vậy (12). Nếu đặt điệu nhảy này trong một hệ thống các biểu tượng sinh sản trên cây hoa (hoa, các loài chim, muông thú, bông lúa, nhánh khoai sọ…), cùng nghi thức truyền sinh sau điệu nhảy: nghi thức chia hoa (một nửa số hoa vãi ra ruộng, một nửa chia cho mọi người lấy may) thì có thể thấy rõ tính ma thuật của lễ hội này.

Vì hướng tới sự lây lan, truyền sinh trên diện rộng nên quyền lực người được chọn được khai thác tối đa: sử dụng nhiều cặp đôi nam, nữ thay vì chỉ có một, hai cặp. Những hiệu ứng về hành động tính giao của số đông sẽ mang lại những trải nghiệm cuộc sống và tiệm cận tới trạng thái ngưỡng (13), là điểm nhấn để con người ta trải nghiệm về tình cảm và tâm sinh lý” (14). Trong trường hợp này, khi tham gia vào những nghi lễ, trò diễn mang tính ma thuật truyền sinh, với những tập thể cặp đôi được lựa chọn, những cảm xúc mạnh mẽ sẽ lan tỏa tới những người tham dự, để cuối cùng, tất cả sẽ đều đạt tới trạng thái ngưỡng cộng cảm về sự hưng phấn, sinh sôi.

Quyền lực của những yếu tố tạo sinh

Bên cạnh đó, yếu tố năng lượng truyền sinh cũng có vai trò quan trọng, thậm chí tối quan trọng trong nghi thức ma thuật truyền sinh. Có thể kể đến ở đây, từ góc độ linh nhiên là mặt trời và nước, từ góc độ con người là cặp đôi sinh thực khí và hành vi tính giao…

Quyền lực của linh nhiên

Tục thờ mặt trời và tục thờ nước, những hiện tượng tự nhiên có vai trò hết sức to lớn trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa nước, được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam rất cần cho sự sinh trưởng của vạn vật. Nếu như mặt trời (tượng trưng cho tính dương, nắng, sức nóng, ánh sáng…) có sức mạnh sản sinh thì nước (tượng trưng cho tính âm, lạnh, tươi mát…) lại có khả năng tái sinh. Cả hai đều đem lại sự sinh sôi, nảy nở. Chính vì vậy, trong các nghi thức ma thuật truyền sinh dân gian, không thể thiếu vắng quyền lực của hai yếu tố trên.

Trở lại với dẫn chứng nghi lễ trên nương của người Mạng Ư, có thể thấy rất rõ tục thờ mặt trời và các ma thuật nhằm hấp thu năng lượng mặt trời cho nương rẫy. Bắt đầu từ khâu chọc lỗ, tra hạt cho đến khi thu hoạch, các nghi thức ma thuật truyền sinh năng lượng mặt trời được tiến hành rộng khắp, thấm vào từng quy cách, tư thế, động tác lao động. Từng cặp đàn ông, đàn bà đứng đối diện nhau, xếp hàng từ bên trái lân dần sang bên phải (theo hướng ngược chiều kim đồng hồ). Người đàn ông đứng xây lưng phía núi như nhìn xuống thấp, người đàn bà nhìn lên; người đàn ông lùi để chọc lỗ, người đàn bà tiến để tra hạt, người đàn ông lùi một bước, người đàn bà tiến lên, cứ thế, lặp đi lặp lại, biểu tượng cho sự giao phối, nhằm vào sự sinh sôi nảy nở. Đến khi nghỉ, những người tham gia chọc lỗ tra hạt muốn đùa giỡn cái gì cũng được, không cần kiêng cữ, chỉ trừ một điều, gậy đặt lỗ phải đặt xuôi theo bóng mặt trời ở phía trên rẫy, không được cắm. Hành động ấy ngụ ý gậy chọc lỗ là một vật thiêng, có thể truyền năng lực mặt trời, nên bao giờ cũng thế, phải để gậy chọc lỗ xuôi theo tia sáng mặt trời, đầu tày hấp thu năng lực truyền về đầu nhọn, vì khi cắm gậy chọc lỗ xuống đất để tra hạt là đã truyền đi một chút năng lượng, nên cần phải tích thêm… Cũng vì vậy mà đến khi kết thúc thao tác chọc lỗ, tra hạt, ở góc nương bên phải, đồng bào còn tiến hành thêm một nghi lễ nữa. Mọi người xếp gậy chọc lỗ theo một thứ tự đã được quy ước ở bên ngoài nương, riêng gậy của ông chủ nương được cắm tại điểm cuối cùng của góc nương, mọi người tham gia trong buổi chọc lỗ tra hạt ngồi vòng tròn quanh cây gậy đó. Trước đó ông chủ nương lấy một số cỏ, dây buộc lên đầu tù của gậy. Mọi người nhìn lên cây gậy và thầm cầu khấn trong lòng “mong cho cây lúa phát triển cao tốt như cây gậy chọc lỗ”.

Ngày thu hoạch lúa, việc hấp thụ và truyền năng lượng mặt trời cho vựa lúa càng được tiến hành cẩn trọng hơn. Ngay khi mặt trời mới hé là bắt đầu nghi lễ thu hoạch. Cạnh dấu cấm, bà mẹ lúa dùng hai tay kéo xuống chín bó lúa khác nhau ở xung quanh. Bà đặt một cái nia con mang sẵn lên trên, tay trái giữ nia, tay phải vít chín ngọn của chín bó lúa lên nia sao cho ngọn của cả chín bông lúa ấy đều hướng về phía mặt trời mọc. Rồi bà lấy viên đá thiêng chặn lên trên. Trong khi tiến hành nghi thức ấy, bà khấn một câu đại ý mời hồn lúa về. Sau khi làm xong nghi lễ này mặt trời đã ló lên, người ta bắt đầu gặt lúa. Bà mẹ lúa đi đầu đoàn, gặt từ chỗ đặt bàn thờ (chiếc nia) theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, cứ thế đi theo hình xoáy ốc ra. Đoàn người đi sau dàn hàng ngang theo hướng đi của bà mẹ lúa. Mọi người cắt lúa thành lượm rồi đặt xuống đất, bao giờ bông cũng ở phía trước hướng về mặt trời. Cắt hết lúa thì người ta đưa lúa vào vựa (lều thóc), vào lúc giữa trưa, khoảng mười ba giờ. Những lượm lúa nào nằm gần bàn thờ trung tâm và đá thiêng thì nằm dưới, càng xa thì nằm trên, lớp xa nhất thì nằm trên cùng (15).

Tuy đã gặt xong, nhưng mẹ lúa còn phải thực hiện một nghi thức được gọi là đưa lúa xuống, sau đó mọi người mới có thể được ăn thóc mới. Người Mạng Ư quan niệm cho đến lúc này sức tỏa năng lượng của chín bó lúa đã đến mức điều hòa toàn bộ vựa lúa, nên theo nghi thức bà mẹ lúa phải ăn hết số cơm nấu từ gạo của chín bó lúa đó. Sau khi mẹ lúa ăn hết cơm nấu từ chín bó lúa, kể như là lúa đã xuống, từ lúc ấy mới được phép ăn gạo trong vựa. Từ rất sớm con người đã nhận ra sức nóng của mặt trời là nguyên nhân cho cây cối sinh trưởng, xanh tốt; sự vận động và vòng quay của mặt trời làm nên các mùa vụ gieo trồng, cấy gặt. Chính vì vậy mà con người có nhu cầu lớn trong việc “kích nóng”, “tiếp thêm lửa”, “làm giả sự vận động của mặt trời theo ý muốn của những người nông dân trồng lúa, để mặt trời thật nhìn thấy bắt chước” (16). Bên cạnh những lễ thức nhằm hấp thụ tối đa năng lượng mặt trời, truyền sinh cho cây lúa, còn rất nhiều phong tục khác thể hiện ý nghĩa ma thuật truyền sinh, truyền năng mặt trời. Có thể kể đến tục thả cầu lửa - đèn trời, hội rước đèn trung thu, lễ rước đuốc, điệu múa đèn thờ, trò chơi cướp quả cầu đỏ, trò thả diều sáo… Ngoài ra, có khi tín ngưỡng thờ mặt trời lại được thể hiện qua những hành vi ở các lễ hội: ở hội Gióng thì hành vi rước ông Gióng về phương Đông rồi lại rước về phương Tây; hành vi múa ba ván cờ thuận, ba ván cờ nghịch, mô phỏng sự vận động của mặt trời từ Đông sang Tây (chu kỳ của ngày) và từ Tây sang Đông (chu kỳ của đêm) (17).

Cùng với ánh sáng, nước cũng có vai trò quyết định trong trồng trọt, chăn nuôi. Nước truyền cho vạn vật một nguồn dinh dưỡng đặc biệt, giúp cho mọi thứ được tiếp sức, tái sinh lúc khô hạn. Khi được tưới tắm trong thứ nước mát lành, đúng lúc, đúng thời điểm và vừa đủ mọi vật sẽ sinh trưởng tốt. Ngược lại khi không có nước hoặc khi nước đến không đúng thời điểm, nó sẽ trở thành tác dụng tiêu cực. Nước quá nhiều cũng gây ra lũ lụt, dẫn đến cảnh chết chóc, tàn phá. Do đó, con người luôn phải lo nghĩ đến việc điều tiết nguồn nước, ứng phó kịp thời với sự “đỏng đảnh” của những cơn mưa; từ đó dẫn đến tâm lý sùng bái, tôn thờ thứ nước thiêng, có khả năng mang lại sự sinh trưởng (chứ không phải thứ nước đen, thứ nước hủy diệt, tàn phá). Người ta tiến hành nhiều nghi thức ma thuật để biến thứ nước thường thành nước thiêng, có tác dụng như một dẫn chất truyền năng sự sinh sôi đến vạn vật. Ví dụ, trong nhiều dòng lễ hội ma thuật vật hèm, thường có một nghi thức đặc biệt, đó là ngâm, vứt vật hèm sinh thực khí xuống ao, hồ ở làng, rồi sau đó lấy nước từ ao, hồ này tưới cho đồng ruộng, cây cối (lễ hội thờ thần Nõ Nường ở làng Dị Nậu; lễ hội thờ bà Đụ Đị ở miếu Trò, xóm Trám, Tứ Xã; lễ hội cầu đinh ở làng Quang Húc, xã Quang Húc, Tam Nông, Phú Thọ; lễ hội ông Đùng bà Đà ở Đậu An, Hưng Yên…).

Ý nghĩa tiếp sức, truyền sinh của nước còn được thể hiện qua những hành vi chứa đựng nhiều yếu tố ma thuật, phù chú trong sinh hoạt đời thường. Chẳng hạn người Tày, Mường ở Nghệ An có tập quán cho nhau thai vào ống cây mét rồi chôn phía sau nhà, đúng chỗ nước mưa từ mái gianh chảy xuống (hó hươn) để làm mát và đem lại sức khỏe cho đứa trẻ, truyền cho đứa trẻ sự sống tốt tươi, một dạng ma thuật lây lan, tiếp xúc, đã được thực hiện thường xuyên, đối với tất cả những đứa trẻ, không phân biệt trai gái (18). Nhiều dân tộc khác có tục lệ hứng nước mát từ các hốc đá thiêng để uống, xoa lên mặt, lên người với mong ước có thể được truyền thêm sức sống, chữa khỏi bệnh tật và đặc biệt là có thể khai hoa kết nụ, đâm chồi nảy lộc con cái. Chẳng hạn, người Việt khi đến thăm động Hương Tích đều cố hứng lấy một vài giọt sữa thiêng từ khối đá hình bầu sữa mẹ để uống, để xoa lên mặt, chân, tay… cho người thêm khỏe mạnh, xua đuổi những tai ách cũng như bệnh tật. Hầu như ai cũng tin rằng những giọt sữa ấy sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống của họ, mang lại con cái cho những người đàn bà hiếm muộn. Người Chăm ở miền Nam cũng thờ một khối đá hình cối xay lúa giống như linga và yoni. Không những trong lễ hội mà hàng ngày người thập phương đến lễ bái đều lấy nước chảy từ cột linga xuống ở máng yoni để làm phước lành, may mắn cho bản thân và gia đình. (còn nữa)

_______________

1. Xem thêm Frazer, James G, The Golden Bough, London, 1922. Bản tiếng Việt Cành vàng, Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2007, tr.35.

2. Bùi Thị Hoa, Tín ngưỡng nông nghiệp của người Thái ở Quỳ Hợp, quyhop.gov.vn.

3. Phan Hữu Dật, Trở lại tín ngưỡng ma thuật và sự phân loại ma thuật, Tạp chí Dân tộc học, số 5-2010, tr.3-16.

4, 8, 9, 16, 17. Lê Như Hoa (chủ biên), Tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.69, 56, 57, 82, 85.

5. Hoàng Thế Kiệt, Con sâu độc: Ảo giác của tiền bạc và quyền lực, Nxb Dân tộc Quảng Tây, Nam Ninh, Trung Quốc, 2004.

6. Alfred Gell, Art and Agency: An Anthropological Theory (Nghệ thuật và ma lực: Một lý thuyết nhân học), Oxford: Clarendon Press, 1998.

7, 15. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.461, 466.

10. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2001, tr.237-238.

11. Dương Đình Minh Sơn, Văn hóa nõ nường, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.135.

12. Vương Anh, Tiếp cận văn hóa bản Thái xứ Thanh, Sở VHTT Thanh Hóa xuất bản, 2001, tr.67.

13, 14. Laurel Kendall, Các phương pháp tiếp cận nhân học về tôn giáo, nghi lễ và ma thuật, Khóa bài giảng tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tháng 9-2007.

18. Lê Hải Đăng, Nghi lễ gia đình của người Tày Mường ở Nghệ An, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, tr.98.

Đỗ Thị Thu Hà - Phạm Đặng Xuân Hương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nghi-thuc-ma-thuat-truyen-sinh-trong-doi-song-dan-gian-68904