Nghị trường tỉnh Thanh Hóa 'dậy sóng' vì các vấn đề nóng liên quan tới giáo dục, y tế và chỉ số PCI giảm sâu

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa lần này, các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Thông qua phần trả lời chất vấn của các thành viên UBND tỉnh, rất nhiều vấn đề nóng được đưa ra, truy vấn, đi đến cùng sự việc.

Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp

Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, đại biểu Bùi Thị Mười, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nêu vấn đề tại sao kinh tế tăng trưởng mạnh mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa lại giảm sâu.

TĂNG TRƯỞNG CAO NHƯNG CHỈ SỐ PCI GIẢM

Năm 2021, PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Thanh Hóa xếp thứ 43/63 tỉnh thành, thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây, giảm 15 bậc so với năm 2020. Theo bà Mười, trong điều kiện rất khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách, thành tích trong lĩnh vực văn hóa – xã hội như giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao… của tỉnh rất ấn tượng thì chỉ số PCI như vậy khiến bà rất trăn trở.

Trong khi đó, trong Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội được ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh, báo cáo tại kỳ họp thì các con số được nêu ra hết sức ấn tượng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang 24,03% và tỉnh Bắc Ninh 14,7%).

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tại phiên họp

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 26.334 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và bằng 93,6% dự toán, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 16.678 tỷ đồng, bằng 97,3% dự toán, tăng 60,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 9.656 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán, tăng 69%. Hầu hết các lĩnh vực thu đều tăng; chi ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại biểu Bùi Thị Mười cho rằng khi đề cập đến chỉ số PCI của Thanh Hóa giảm kỷ lục, ai cũng vô can, không đụng chạm đến tập thể cá nhân nào. Vì vậy, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, quy trách nhiệm rõ đối với tập thể, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới.

THANH HÓA THIẾU GẦN 9.000 VIÊN CHỨC NGÀNH GIÁO DỤC

Trả lời chất vấn tại hội nghị, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Thanh Hóa cho biết ngành giáo dục Thanh Hóa đang thiếu 8.968 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định.

Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người, và THPT thiếu 318 người. Một số môn học hiện nay thiếu giáo viên trầm trọng như: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh. Theo thống kê của người đứng đầu ngành giáo dục Thanh Hóa, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh là 51.803 người.

Tuy nhiên, qua khảo sát thì chỉ có 81,4% giáo viên đạt chuẩn. Tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên chưa đạt chuẩn đã ảnh hưởng đất chất lượng giáo dục của Thanh Hóa, chưa xứng đáng với tiềm năng và truyền thống hiếu học của địa phương.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Được biết năm 2021, điểm trung bình thi tốt nghiệp của các thí sinh Thanh Hóa là 6,357 điểm, xếp thứ 32 cả nước. Trước đó, năm 2020, điểm trung bình của các thí sinh Thanh Hóa là 6,1 điểm, xếp thứ 44 cả nước. Năm 2019, điểm trung bình mỗi môn thi của các thí sinh Thanh Hóa đạt 5,158 điểm, xếp thứ 46 cả nước.

Vì thế, việc đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tương xứng với truyền thống hiếu học của tỉnh Thanh là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong thời gian tới.

DOANH NGHIỆP HOANG MANG VÌ "LÀM CŨNG CHẾT, KHÔNG LÀM CŨNG CHẾT"

Đó là lời cảm thán của đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa trong phiên chất vấn Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang. Ông Đoan nhiều lần nêu lên là có tình trạng doanh nghiệp thực hiện dự án theo quyết định chấp thuận chủ trương của tỉnh. Mà để có quyết định đó, các ngành, cấp đã thẩm định, tham mưu kỹ.

Thế nhưng đến khi thanh tra, kiểm tra lại chỉ ra nhiều điểm, khâu chưa phù hợp, chưa đúng luật. “Tình huống này doanh nghiệp rất hoang mang vì làm cũng chết không làm cũng chết”. Việc thu hồi dự án chậm tiến độ nhưng do lỗi của Hội đồng Giải phóng mặt bằng chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp. Nếu cứ thu hồi thì có xử lý cán bộ tham mưu chấp thuận chủ trương và tham gia công tác giải phóng mặt bằng hay không?

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa tại phiên chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch tỉnh đã nêu cặn kẽ các quy định của Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng. Ông Giang cũng đề nghị nếu có các dự án trong diện phải thu hồi mà lỗi không phải do doanh nghiệp thì hiệp hội cứ làm đơn để UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét cụ thể.

HÀNG TRĂM NHÂN VIÊN Y TẾ BỎ VIỆC VÌ ÁP LỰC

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Hùng đã có phát biểu thảo luận liên quan tới lĩnh vực y tế, trong đó có vấn đề bác sỹ bỏ việc.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ, chiếm khoảng 47%. Nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực công việc nặng nề hơn, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên nhân viên y tế, bác sĩ luôn cảm thấy mệt mỏi, trong khi thu nhập thấp. Ngoài ra, nhân viên y tế, bác sĩ còn phải đối mặt với mối nguy hiểm từ người bệnh và người thân của bệnh nhân, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả cấp quản lý.

Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế, bác sĩ cống hiến với nghề, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị HĐND tỉnh Thanh Hóa cần thêm chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh và đề nghị Bảo Hiểm xã hội Việt Nam thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế kĩ thuật năm 2017-2018 cho các cơ sở khám chữa bệnh với tổng số tiền hơn 203 tỷ đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành y tế Thanh Hóa cũng đề cập đến nguy cơ thiếu thuốc, thiếu thiết bị, vật tư y tế; sinh phẩm chẩn đoán; hóa chất xét nghiệm do tâm lý sợ đấu thầu tại một số cơ sở y tế công lập.

Ngay sau khi Kỳ hợp thứ 7 kết thúc, kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh đã khai mạc và kết thúc trong chiều ngày 13/7/2022

Ngay sau khi kỳ họp thứ 7 kết thúc vào sáng 13/7/2022, chiều cùng ngày, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức kỳ họp thứ tám. Sau một thời gian làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao; kỳ họp thứ 8 - kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc ngay trong chiều ngày 13/7/2022.

Thiên Anh -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nghi-truong-tinh-thanh-hoa-day-song-vi-cac-van-de-nong-lien-quan-toi-giao-duc-y-te-va-chi-so-pci-giam-sau.htm