Nghị trường TPHCM: Nóng chống tội phạm, cán bộ nhũng nhiễu

Trong phiên chất vấn diễn ra vào ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX (9/12), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Công an TPHCM đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về nạn cán bộ nhũng nhiễu khi xem xét cấp giấy chứng nhận nhà đất và công tác phòng chống tội phạm...

Công an TPHCM phối hợp quần chúng nhân dân khống chế một đối tượng có hành vi cướp giật. Ảnh: CACC

Công an TPHCM phối hợp quần chúng nhân dân khống chế một đối tượng có hành vi cướp giật. Ảnh: CACC

Hẹn tới, hẹn lui…

Theo đại biểu Lê Minh Đức, người dân rất hồ hởi vì TPHCM đang đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Tuy nhiên, đại biểu Đức lưu ý: Cử tri phản ánh vẫn còn tình trạng cán bộ nhận hồ sơ rồi nhắn tin hẹn tới hẹn lui không giải quyết. Có trường hợp người dân nhận được tới 4 tin nhắn của cán bộ. Sở TN&MT xử lý vấn đề này như thế nào?

Nhiều đại biểu còn chất vấn Giám đốc Sở TN&MT về tình trạng hàng nghìn dự án chậm triển khai, khai thác nước ngầm chưa được hạn chế… Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết đang thực hiện công khai minh bạch thủ tục nhà đất. Vừa qua, Sở TN&MT đã công bố 120 thủ tục về đất đai, môi trường và còn 50 thủ tục đang trình UBND TPHCM để sắp tới tiếp tục công bố. Hiện nay, ngành TN&MT có hệ thống một cửa về đất đai. Người dân có thể vào trang web này để tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ.

Công tác cấp giấy chứng nhận nhà đất còn gây nhiều phiền hà với người dân

Về tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, Giám đốc Sở TN&MT nhận trách nhiệm. Ông Thắng cho biết trong giai đoạn 2016 - 2018, TPHCM đã cấp 1,6 triệu giấy chứng nhận nhà đất. Toàn thành phố hiện còn khoảng 15.000 trường hợp chưa được cấp giấy do vi phạm như xây dựng sai phép, tranh chấp khiếu nại,...

Tuy nhiên, từ khi chuyển cấp giấy chứng nhận nhà đất từ các quận huyện về Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, Sở TN&MT phải tiếp nhận 1.200 cán bộ. Sở đang tiếp tục rà soát, kiểm tra và đánh giá năng lực, trình độ cán bộ nhân viên để sắp xếp lại các vị trí công việc. “Chúng tôi đã sắp xếp lại 200 trường hợp. Đúng là có chuyện trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, anh em xử sự không đúng quy định. Ngành đã quy định nhưng chấp hành không đúng”, ông Thắng thừa nhận.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận đang có nghịch lý là ngành Đất đai hệ thống dữ liệu rất lớn, lẽ ra cần có hệ thống công nghệ thông tin hoàn chỉnh để quản lý nhưng hiện nay tất cả các phần mềm chưa hoàn chỉnh. Phần mềm của Bộ TN&MT đang sử dụng thì không phù hợp. “TPHCM đã xin ý kiến UBND TPHCM và Bộ TN&MT ứng dụng một phần mềm riêng và mới đây Bộ trưởng TN&MT đã có văn bản đồng ý”, ông Thắng cho hay.

Về khai thác nước ngầm, ông Thắng cho biết cuối năm nay sẽ đề xuất lộ trình hạn chế kèm biện pháp chế tài xử lý việc khai thác nước ngầm trong dân nhằm giảm lượng nước khai thác xuống dưới 100.000 m3/ngày vào năm 2025.

“Khó khăn lắm mới khởi tố được Alibaba…”

Chất vấn Giám đốc Công an TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo bức xúc: Một số doanh nghiệp có hành vi bán nền mà không có đất, chưa đủ điều kiện để bán. Bà con nộp đơn nhưng hơn 1 năm qua công an cứ …mời lên mời xuống.

Một số đại biểu chất vấn về tội phạm ma túy, xâm hại trẻ em, cướp giật,… làm người dân bất an. Trong khi đó vẫn còn tình trạng người dân đến trụ sở công an gần nhất trình báo thì không được tiếp nhận vì ngoài địa bàn phụ trách.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM cho biết tình trạng lừa đảo người dân để bán đất nền, cần phải tăng cường trách nhiệm của lực lượng công an trong công tác nắm tình hình, phối hợp với ngành chức năng để thông tin đầy đủ đến nhân dân. Ông Phong nói: Vụ Công ty Alibaba, đất ở đâu, có dự án hay không không cần biết. Nhiều người vẫn bị lừa và khó khăn lắm công an mới khởi tố, xử lý được các đối tượng. Ban đầu, công an chỉ nhận được 2 lá đơn tố cáo. Sau khi khởi tố vụ án, người dân mới đến trình báo. “Rõ ràng bà con mình thiếu thông tin. Trong giao dịch dân sự quy định là phải nắm rõ tình trạng pháp lý của giao dịch. Trong vụ Alibaba người dân bị lừa vì bị hấp dẫn bởi lãi suất mà không có căn cứ, không có cơ sở nào chứng minh lãi suất đó là thật”, ông Phong nhận xét.

Về nạn xâm hại trẻ em, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết trong năm nay loại tội phạm này tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Qua phân tích, có 13 vụ xảy ra tại các khu vực vắng; 37 vụ tại các xưởng làm việc, nhà riêng và 17 vụ tại các trường học, công viên, trong đó 15 vụ các cháu đi một mình. Công an TPHCM đã khởi tố 52 vụ (44 bị can). Khi tiếp nhận tin báo tố giác, Công an TPHCM yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng xác minh. Cán bộ thụ lý được tập huấn kỹ năng tiếp xúc. Nơi lấy lời khai được bố trí để tạo cảm giác an tâm cho các nạn nhân đang trong trạng thái hoảng loạn.

Giám đốc Công an TPHCM cho biết qua phân tích địa điểm trẻ bị xâm hại cho thấy việc phòng ngừa, quản lý trẻ còn sơ hở. Ông Phong dẫn chứng: Ở nhiều nước quy định trẻ từ lứa tuổi nào trở xuống, muốn đi đâu thì phải có người lớn đi kèm. Cha mẹ, người chăm sóc quản lý là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ trẻ.

Đối với tội phạm ma túy, Trung tướng Lê Đông Phong cho biết đang đề xuất đánh giá, nhìn nhận lại người sử dụng ma túy và theo ông, không thể xem họ là người thụ động bởi có sự tương tác hai chiều giữa người mua - người bán. Việc nhìn nhận đúng để có giải pháp đấu tranh hiệu quả hơn bởi nghiện ma túy là nguồn gốc phát sinh tội phạm. Người nghiện ma túy đá còn bị loạn thần, ảo giác gây trọng án. Nhiều trường hợp người nghiện tham gia mua bán ma túy.

Về xử lý các nhóm đòi nợ thuê, Giám đốc Công an TPHCM cho biết các hành vi đe dọa, tạt chất bẩn, khủng bố con nợ đã giảm nhiều. TPHCM hiện còn 51 nhóm với 178 đối tượng đang cho vay, đòi nợ (năm 2018 có 94 nhóm, 383 đối tượng). Quy định xử lý hành vi cho vay nặng lãi có cụ thể hơn nhưng còn khó khăn trong đó có việc chứng minh hành vi cấu thành tội phạm. “TPHCM kiến nghị Chính phủ không chấp nhận nghề đòi nợ thuê, tuy hỗ trợ kinh doanh nhưng các tổ chức đòi nợ thuê thường tập trung các đối tượng xấu, gây mất an ninh trật tự”, ông Phong nói.

Về mô hình cảnh sát hình sự đặc nhiệm (còn gọi là đội săn bắt cướp), Trung tướng Lê Đông Phong cho biết Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo TPHCM đề xuất mô hình hiệu quả hơn, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tội phạm. “Nếu chỉ tuần tra thì đặc nhiệm không khác lực lượng cảnh sát cơ động”, ông Phong nói thêm.

Giám đốc Công an TPHCM cho biết đã yêu cầu cấp dưới không được đùn đẩy. Người dân đến báo thì công an phải tiếp nhận, sau đó phối hợp giải quyết. Ông Phong khẳng định: “Phân công quản lý địa bàn không phải là chia cắt vì có quy chế phối hợp. Ai phát hiện thì phải đeo bám tới cùng. Không có chuyện phạm pháp ở quận 1, chạy qua quận 4 là thoát. Nếu đại biểu có thông tin và cung cấp, chúng tôi sẽ xử lý”.

Huy Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nghi-truong-tphcm-nong-chong-toi-pham-can-bo-nhung-nhieu-1496272.tpo