Nghĩ từ truyền thống

Tháng 5, những đợt nắng nóng đang lập nên các mốc kỷ lục mới về sản lượng tiêu thụ điện năng, về lượng người đổ tới các khu du lịch trong kỳ nghỉ lễ... Nhưng, có lẽ, tất cả những thách thức đó không làm chùn bước những dòng người tìm về Điện Biên và các di tích lịch sử.

Người già đi để tìm lại kí ức đã gắn với cuộc đời mình, những người trẻ tới đây để cảm nhận quá khứ như một di sản quý giá của dân tộc. Nhìn những người trẻ hăm hở leo đồi A1, vào cánh rừng Mường Phăng, người bạn đi cùng nói với tôi: “Cứ thong thả thế thôi, rồi kí ức sẽ luôn sống mãi trong lòng các thế hệ, việc gì phải lo đi... chữa lành”.

Cô Nguyễn Thu Quyên hướng dẫn học sinh tham quan bảo tàng ảo. Ảnh: Nguyễn Trang

70 năm đã trôi qua, những điều đọng lại trong lòng mỗi người dân nước Việt không chỉ có chiến lược quân sự, sự anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ mà cao hơn nữa là sức sống của một dân tộc. Tựa lưng vào dãy Trường Sơn, vươn mình về phía Biển Đông, mạnh mẽ kết nối, giao thương, đối thoại văn hóa để tạo nên một dân tộc Việt giàu có về bản sắc. Nhưng, với một đất nước ở vị trí cửa ngõ của lục địa, nơi tiếp nhận các giá trị văn hóa, đương đầu với họa xâm lăng cả ở phương diện quân sự, văn hóa thì luôn cần đến sự liền mạch, thông suốt về các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và lựa chọn hướng đi cho tương lai. Hay, nói cách khác, điều cốt lõi nằm ở chỗ chúng ta đã nghĩ từ truyền thống và ứng xử với điều này như thế nào.

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch kết thúc 9 năm kháng chiến, kết thúc gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, bên cạnh chiến lược quân sự, sức mạnh của bộ đội chủ lực là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, một cuộc chiến có sự “chung lưng đấu cật” của đồng bào.

Khi đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển cũng không ít lần đứng trước những thách thức của an ninh phi truyền thống. Khi đó, bên cạnh sự vào cuộc kịp thời của bộ máy chính quyền, đoàn thể, chúng ta vẫn nhận ra sự kế thừa của hậu phương lòng dân trong cách ứng xử, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau từ những điều nhỏ nhất.

Chỉ cần đi trên những cung đường hay lướt qua các trang báo, chúng ta sẽ bắt gặp những “dòng trong mát” của tâm hồn như thế. Ngày nắng nóng, một anh thợ cắt tóc có tên Nguyễn Minh Vương đặt thùng nước mát trên hè phố và thông điệp: “Anh tài xế, cô lao công ơi! Dừng lại đây 1 phút uống chai nước mát rồi đi tiếp nhé...”. Tương tự như thế, một chị bán hoa quả ghi trên tờ giấy: “Bạn Ly Na thân tặng mọi người lao động 1 ly nước cam. Chúc mọi người bớt nóng, bớt nhọc nhằn, nhiều sức khỏe hơn để làm việc”. Kể ra, chai nước mát, ly nước ép không có giá trị kinh tế cao nhưng sâu nặng ở tình người, là mạch nguồn được tiếp nối dòng chảy trong tâm hồn Việt. Nghĩa đồng bào, sự tương thân tương ái chính là gốc rễ của truyền thống yêu nước ngàn đời nay.

Người dân ở huyện Pác Nặm viết đơn tự nguyện ra khỏi diện hộ nghèo. Ảnh: Công Luận

Ngày nay, hẳn có người sẽ băn khoăn: Nhắc lại các chiến công, các di tích lịch sử chiến tranh liệu có phù hợp xu thế phát triển của tương lai? Người viết cho rằng, quá khứ không phải một món ăn cũ được hâm lại, không phải cây đèn leo lét phải đổ thêm dầu mà luôn chứa đựng sức mạnh truyền thống, mà càng có thêm độ lùi của thời gian, lại càng thêm những chiêm nghiệm sâu sắc.

Văn hào Victor Hugo (1802-1885) từng nói: “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Sự “phản chiếu” đó cũng thể hiện trong khát vọng hòa bình và phát triển. Trong bài báo có tên “Trân trọng từng thời khắc của hòa bình”, nhà báo Nguyễn Vân Thiêng viết: “Để rồi, khi nói đến Việt Nam, người ta không chỉ nhắc đến một đất nước đã đi qua những cuộc chiến tàn khốc nhất, một dân tộc kiên cường nhất; mà hơn hết Việt Nam là xứ sở yêu chuộng hòa bình, người Việt Nam đang làm tất cả để duy trì nền hòa bình cho mình và cho các dân tộc khác trên thế giới” (Theo: Báo Dân trí).

Muốn xây dựng nền hòa bình bền vững như ước nguyện của lớp lớp các anh hùng, liệt sĩ nhất thiết cần đến sự ổn định và phát triển của kinh tế-xã hội. Các giá trị văn hóa của chúng ta hôm nay không chỉ bó hẹp trong nghĩa hẹp là sự ứng xử trực tiếp, trong việc tạo ra các sản phẩm văn hóa cụ thể mà cần được hiểu rộng, nghĩ rộng ở góc độ trách nhiệm, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của mỗi cá nhân.

Câu chuyện 100 hộ dân ở các xã biên giới như Mường Chanh, Quang Chiểu (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) xung phong thoát nghèo thoạt nghe không có gì đặc biệt nhưng lại rất đáng khích lệ. Bà con đã vượt qua tâm lý trông chờ, ỉ lại, vượt qua lực cản của những thách thức. Tương tự như thế, người dân Pắc Nậm (Bắc Kạn) cũng đã dũng cảm, bản lĩnh khắc phục khó khăn như thế. Khi đọc những lời chân thành trong lá đơn này, chúng ta không khỏi xúc động: “Tôi tên là Hoàng Văn Cụa, cư trú tại thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu. Nhờ Đảng, nhờ chính sách của Nhà nước hỗ trợ, hiện nay, gia đình tôi tuy có nhiều khó khăn nhưng còn nhiều hộ khác khó khăn hơn. Tôi xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho các hộ khác...” (Theo: Hạnh Hương - Ấn phẩm Thời nay, Báo Nhân dân).

Sự mưu trí, bản lĩnh trong quá khứ khi dân ta bảo vệ cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ cách mạng hay tải lương, vá đường, bắc cầu, tiếp ứng trong kháng chiến lại được kế thừa trên lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Mặt trận kiến quốc không vang lên tiếng súng nhưng cũng đâu kém phần cam go đòi hỏi kiên định, sáng tạo nhất là trên phương diện tinh thần.

Chúng ta đều biết giáo dục truyền thống và tạo ra sức đề kháng văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Làm sao để lớp lớp người Việt nhận thức đúng đắn về quá khứ và tự tôn văn hóa? Có lẽ, mỗi thời đại sẽ có những cách thức khác nhau nhưng đều tìm đến một cái đích chung. Người trẻ hôm nay đã có những sáng tạo hấp dẫn, phù hợp xu thế tiếp nhận mới.

Nguyễn Duy Duy tạo ra một cách tiếp nhận văn hóa truyền thống mới. Ảnh: Khánh Long

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, bạn trẻ Nguyễn Duy Duy (Thạch Thất, Hà Nội) đã sáng tạo ra 17 chiếc đèn giấy với chủ đề: "Việt Nam đất nước con người". Đây cũng là 17 tác phẩm nghệ thuật về tà áo dài, áo tứ thân, ngũ thân, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, múa rối nước, hát bội, nhã nhạc cung đình Huế... Với khát vọng: “Làm thế nào để người xem hiểu được câu chuyện trong mỗi chiếc đèn. Nếu họ không hiểu, không có cảm xúc như người làm muốn truyền tải thì đó là tác phẩm thất bại" (Theo: Ngân Hà - Báo Ảnh Việt Nam).

Cùng với tâm huyết ấy, cô giáo Nguyễn Thu Quyên, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã xây dựng các bài giảng Lịch sử của mình bằng bảo tàng ảo 3D và là một trong 10 công trình được đánh giá xuất sắc nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Từ thực tế giảng dạy và tâm huyết của mình, cô Quyên chia sẻ: “Thực ra, không phải học sinh không thích học lịch sử. Lịch sử với những câu chuyện từ quá khứ là những thứ các em rất thích. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, việc dạy sử cho học sinh không được như mong muốn và môn Lịch sử chưa ở đúng giá trị của bộ môn" (Theo: Nguyễn Trang - VOV).

Truyền thống của dân tộc sẽ còn là dòng chảy bất tận nếu như chúng ta biết khơi dòng đúng nghĩa. Một chiến trường khốc liệt của quá khứ, một mất mát hy sinh đau thương sẽ thành giá trị của hôm nay và mai sau. Bởi thế, nghĩ từ truyền thống sẽ là con đường đầy những ý tưởng mới mẻ để đến với tương lai...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghi-tu-truyen-thong-i730558/