Nghi vấn máy bay Ukraine bị bắn hạ, Iran hành động nóng

Iran đã chính thức mời Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ tham gia cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine.

Nghi vấn Boeing 737 bị bắn hạ

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters ngày 9/1, các vệ tinh Mỹ phát hiện hai tên lửa được phóng ngay trước khi máy bay Ukraine rơi và sau đó có một vụ nổ

Tình báo Mỹ có "niềm tin lớn" rằng Iran đã bắn nhầm tên lửa phòng không vào phi cơ. Nguồn tin tình báo nói rằng một vệ tinh đã phát hiện những đốm sáng lóe lên của hai đợt phóng tên lửa, theo sau đó là đốm sáng khác của một vụ nổ.

Trong khi đó, trang Newsweek dẫn lời quan chức Lầu Năm Góc và giới chức tình báo cấp cao của Mỹ, cùng một quan chức tình báo Iraq cho biết, máy bay Ukraine bị một tên lửa đất đối không Tor M-1, vốn còn được biết đến với tên gọi theo NATO là Gauntlet, bắn trúng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận kết luận này nhưng nói bóng gió về nó. "Ai đó có thể đã phạm sai lầm", Tổng thống Mỹ nói và nhấn mạnh rằng ông có nghi ngờ về vụ rơi máy bay nhưng không đưa ra bằng chứng.

Phía Ukraine trước đó cho biết, họ đang kiểm tra xem liệu có phải tên lửa đã gây ra vụ rơi máy bay hay không nhưng Iran loại trừ khả năng này.

Mảnh vỡ của máy bay Boeing 737-800NG thuộc hãng Ukraine International Airlines bị rơi ở Iran ngày 8/1.

Mảnh vỡ của máy bay Boeing 737-800NG thuộc hãng Ukraine International Airlines bị rơi ở Iran ngày 8/1.

Người đứng đầu Cơ quan Hàng không Quốc gia Iran, ông Ali Abedzadeh, ngày 9/1 cho hay, các nhân chứng đã trông thấy máy bay bốc cháy trước khi rơi xuống.

Theo ông Abedzadeh, hướng di chuyển cho thấy ban đầu máy bay di chuyển về phía Tây, tiếp đó quay về phía bên phải sau khi gặp trục trặc và đang tìm cách quay trở lại sân bay vào thời điểm bị rơi xuống.

Cũng theo vị quan chức này, vào thời điểm máy bay gặp nạn, các nhà kiểm soát không lưu đã không nhận được tín hiệu khẩn cấp nào từ máy bay về tình huống bất thường. Thời điểm máy bay biến mất khỏi màn hình radar là khi máy bay đạt độ cao khoảng 2,5 km.

Theo Reuters, Ukraine đang xem xét 4 giả thuyết về nguyên nhân vụ rơi máy bay thảm khốc, gồm tấn công tên lửa, va chạm, nổ động cơ và khủng bố.

Giới chức điều tra tra Ukraine ở Iran muốn kiểm tra hiện trường để xác định liệu có mảnh vỡ tên lửa Nga hay không, sau khi hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội do một nhà hoạt động Iran chụp lại cho thấy mảnh vỡ tên lửa đất đối không Tor-M1 tại hiện trường vụ rơi máy bay.

Mời Mỹ tham gia điều tra

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Iran ngày 9/1 cho biết, nước này đã chính thức mời Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) tham gia cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA).

Đại điện của Iran, ông Farhad Parvaresh tiết lộ, NTSB đã đồng ý cử chuyên gia tới tham gia điều tra vụ việc. Bên cạnh đó, Iran cũng đã thông báo với các quốc gia khác, trong đó có Ukraine và Canada.

Phía Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bày tỏ mong muốn triển khai một cuộc điều tra toàn diện về vụ rơi máy bay chở khách của Ukraine tại Iran.

Ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, cho biết "ICAO đã nhận được thông báo về vụ việc. Một cuộc điều tra toàn diện sẽ sớm được tiến hành và Iran sẽ đệ trình lên ICAO báo cáo sơ bộ trong vòng một tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn".

Trước đó, Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei đã phủ nhận thông tin về việc tên lửa nước này bắn hạ chiếc máy bay của Ukraine.

Iran đã yêu cầu Canada chia sẻ thông tin về chiếc máy bay gặp nạn của Ukraine, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định giới chức Ottawa có thông tin tình báo của đồng minh cho thấy máy bay đã bị trúng tên lửa của Iran.

Hãng thông tấn quốc gia IRNA dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi, trong đó kêu gọi Thủ tướng Canada và tất cả các chính phủ khác có thông tin về vụ rơi máy bay hãy cung cấp cho cơ quan điều tra của Iran.

Hiện NTSB từ chối đưa ra bình luận gì nhưng xác nhận là đồng tham gia cuộc điều tra với Iran nhưng không chắc chắn liệu những gì mà tổ chắc này đại diện sẽ được thực hiện đầy đủ do các lệnh trừng phạt hiện nay của Mỹ với Iran.

Trong tuyên bố trên tài khoản Twitter chính thức sáng 10/1 (giờ Việt Nam), NTSB khẳng định không đưa ra bất kỳ suy đoán nào về nguyên nhân tai nạn của chiếc Boeing 737-800 do Mỹ sản xuất.

"NTSB sẽ tiếp tục đánh giá tình hình xung quanh và quyết định mức độ tham gia vào cuộc điều tra lần này", thông báo nêu rõ.

Giới quan sát nhận định, việc chính phủ Iran trực tiếp mời Mỹ tham gia điều tra cho thấy, Tehran thực sự muốn làm rõ những nghi vấn xung quanh việc máy bay Boeing 737 gặp nạn khiến 176 người thiệt mạng.

Trung Dũng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nghi-van-may-bay-ukraine-bi-ban-ha-iran-hanh-dong-nong-3394928/