Nghĩ về quy chế phát ngôn báo chí

Vừa rồi, để thực hiện bài báo trên lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên phát triển kinh tế, tôi liên hệ với một cán bộ ngành chức năng để nắm các thông tin liên quan nhưng được trả lời, chỉ giám đốc mới có quyền phát ngôn với báo chí. Tôi giải thích, đây là bài báo nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, những chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư theo chủ trương của tỉnh, chứ không phải phản ánh hạn chế hay phê phán tiêu cực, nên ai nắm được vấn đề cũng có thể cung cấp thông tin cho báo chí. Biết vậy, nhưng vị cán bộ cấp trưởng phòng vẫn xin được thông cảm, không dám thực hiện vì trái quy chế phát ngôn, sợ bị xử lý kỷ luật.

Tương tự, phóng viên Báo Quảng Trị cũng nhiều lần phàn nàn, sao viết bài tuyên truyền, “viết khen” chứ có phê phán đâu mà lại khó tiếp cận thông tin. Một số cán bộ cứ vin vào quy chế phát ngôn để từ chối trả lời, mà không nghĩ rằng, những thông tin đó khi được lan truyền rộng rãi trên báo chí sẽ có lợi cho đơn vị, ngành, địa phương mình.

Từ sự việc, tôi nghĩ về chia sẻ của các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh Mukdahan trong chuyến công tác tại Thái Lan vào giữa tháng 11/2023. Các bạn cho biết, mỗi tuần một lần, Tỉnh trưởng Mukdahan đến Đài Phát thanh của tỉnh để phát đi những thông tin mà chính quyền thấy cần cung cấp cho dân chúng. Thời lượng dành cho Tỉnh trưởng chỉ khoảng một giờ đồng hồ và vào một ngày ấn định trong tuần, nếu không đến thì xem như từ chối quyền phát ngôn, chương trình sẽ thay nội dung khác. Thi thoảng, vị Tỉnh trưởng cũng chủ động mời cánh báo chí gặp gỡ giao lưu, tạo không khí vui vẻ, thân tình, cũng như thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong việc được chia sẻ, cung cấp thông tin cho báo chí.

Cũng xung quanh vấn đề này, từ nhiều năm nay, qua email, Cổng thông tin điện tử Chính phủ luôn chủ động cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cơ quan báo chí (trong đó có Báo Quảng Trị) để lựa chọn, xử lý đăng tải trên báo của mình. Do vậy mà phần nhiều các hoạt động quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn được “phủ sóng” rộng khắp, kịp thời nhờ phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có hệ thống báo Đảng địa phương - những tờ báo ở xa nơi diễn ra sự kiện, có khi đến cả hàng ngàn cây số.

Ba câu chuyện trên tuy cách xa về không gian địa lý nhưng đều đề cập đến một vấn đề, đó là cách thức xử lý với báo chí về những nội dung thông tin cần được chia sẻ. Một là chủ thể “ship hàng” đến tận nơi (cả phải trả chi phí) cho báo chí, để báo chí thuận lợi trong việc đăng tải những thông tin có lợi cho chủ thể. Một là báo chí đã chủ động tìm đến để “tuyên truyền” miễn phí, nhưng lại bị quy chế cung cấp thông tin làm trở ngại, hay cũng là cái cớ để từ chối, dẫn đến cả những đều tốt đẹp cũng bị chính chủ thể của nó vô tình bưng bít, mà lẽ ra phải được lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Vậy, vì sao có chuyện này? Có lẽ xuất phát từ tư duy. Thực tế, nhiều sai phạm qua báo chí mới bị phanh phui, đưa ra ánh sáng để xử lý; hoặc khi đơn vị có xảy ra “sự cố” nhưng cán bộ cấp dưới cung cấp thông tin thiếu chuẩn xác, chưa đầy đủ, không khéo léo, thậm chí không biết cách che giấu...dẫn đến bị báo chí bóc trần, hoặc gây khủng hoảng truyền thông, làm méo mó bản chất vấn đề. Từ đó sinh ra tâm lý e ngại, cảnh giác báo chí ở một số đơn vị. Để hạn chế tiếp xúc với báo chí, quy chế phát ngôn đưa ra quy định “cứng”, chỉ người đứng đầu mới được trả lời báo chí. Do quy định này, cùng với trách nhiệm chưa cao nên cán bộ cứ vin vào quy chế để từ chối trả lời, vừa đỡ việc, vừa an toàn cho bản thân. Quy định như vậy đã vô tình “bưng bít” mọi thông tin của đơn vị, ngành mình ra bên ngoài, kể cả những thông tin có lợi và cộng đồng cũng có nhu cầu được biết. Dân gian có câu, “xấu che, tốt khoe” nhưng ở đây xấu tốt đều “che” hết.

Để khắc phục, trước hết phải nhận thức rằng, quy chế phát ngôn là nhằm tạo thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, đúng quy định pháp luật, chứ không phải với mục đích hạn chế, né tránh báo chí. Vậy nên, cần xây dựng quy chế phát ngôn cụ thể hơn, phân loại thông tin để xử lý. Chẳng hạn, những thông tin có tính “vấn đề”, bất lợi thì ai mới có quyền phát ngôn; còn với những thông tin tích cực thì cán bộ nào nắm vững cũng được cung cấp cho báo chí để tuyên truyền, lan tỏa. Và cũng cần hiểu rằng, việc bưng bít những thông tin tốt đẹp không chỉ không hay cho đơn vị mình mà còn ảnh hưởng đến quyền được biết thông tin của cộng đồng.

Tùng Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nghi-ve-quy-che-phat-ngon-bao-chi/182784.htm