Nghỉ việc, có phải đền bù tiền cho công ty đã đóng BHXH?

Tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được một số câu hỏi chính liên quan đến cách chấm dứt HĐLĐ và quyền, nghĩa vụ của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi phải nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ ốm đau, tai nạn. Ảnh: NAM DƯƠNG

Nghỉ trước 15 ngày xin nghỉ, phải bồi thường thế nào?

Bạn đọc có email hoahongnhungxxx@gmail.comgửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Chồng tôi đang làm việc cho công ty nước ngoài, HĐLĐ không xác định thời hạn. Nhưng do gia đình tôi có việc bận nên chồng tôi phải nghỉ việc gấp. Ngày 20.7.2018, chồng tôi có viết đơn xin nghỉ bắt đầu từ ngày 20.8.2018, nhưng công ty không đồng ý vì báo trước không đủ 45 ngày. Sau đó chồng tôi viết lại đơn xin nghỉ khác và sửa lại ngày nghỉ việc chính thức là 5.9.2018.

Do công việc mới bên nước ngoài cần đi gấp, nên chồng tôi phải nghỉ từ ngày 20.8.2018, tức là nghỉ trước 15 ngày. Như vậy chồng tôi có phải trả tiền 15 ngày đó cho công ty không? Số tiền phải trả được tính như thế nào? Sổ BHXH có được công ty chốt, trả lại sau khi bồi thường không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 37 BLLĐ 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ như sau: 1. NLĐ làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động; d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ; đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước; e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; g) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục. 2. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 1 Điều này, NLĐ phải báo cho NSDLĐ biết trước: a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 điều này; b) Ít nhất 30 ngày nếu là HĐLĐ xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc nếu là HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 điều này; c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 điều này thời hạn báo trước cho NSDLĐ được thực hiện theo thời hạn quy định tại điều 156 của Bộ luật này. 3. NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại điều 156 của bộ luật này (lao động nữ có thai phải chấm dứt HĐLĐ the chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền – PV).

Do chồng bạn đã tự nghỉ trước 15 ngày theo đơn xin thôi việc, do đó đã rơi vào trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Theo quy định tại điều 43 BLLĐ 2012, thì chồng bạn phải bồi thường cho công ty ½ tháng tiền lương theo HĐLĐ và 15 ngày báo trước, như vậy, tổng cộng chồng bạn phải bồi thường cho công ty 1 tháng tiền lương. Ngoài ra, chồng bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo nếu giữa công ty và chồng bạn có hợp đồng đào tạo nghề theo quy định tại điều 62 BLLĐ. Dù trong trường hợp nào thì công ty cũng phải có nghĩa vụ chốt, trả sổ BHXH cho chồng bạn.

Không phải bồi thường tiền công ty đã đóng BHXH

Bạn đọc có email nguyenthiduyenxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi làm việc tại cơ quan đã được 6 năm và ký HĐLĐ dài hạn, nhưng vì lí do gia đình tôi phải nghỉ việc. Tôi có phải đền bù tiền bảo hiểm (cả BHXH, BHYT, BHTN) mà doanh nghiệp đã cùng đóng cho tôi trong 6 năm vừa qua không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Căn cứ vào các điều 37, 43, 62 BLLĐ đã nêu trên, thì trường hợp NLĐ nghỉ việc trái pháp luật cũng chỉ phải bồi thường cho công ty ½ tháng lương và số tiền tương đương với số ngày vi phạm thời hạn báo trước và chi phí đào tạo nghề nếu giữa hai bên có hợp đồng đào tạo nghề. Việc đóng BHXH, BHYT bắt buộc và BHTN được thực hiện theo quy định của Luật BHXH, BHYT, Luật Việc làm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, NSDLĐ phải đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ hiện nay tổng cộng là 21% và NLĐ đóng tổng cộng là 10,5% dựa trên tiền lương trả cho NLĐ hàng tháng. Và cho dù NLĐ nghỉ việc vì bất cứ lý do gì, cũng không phải bồi thường cho NSDLĐ khoản tiền đã cùng đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Chăm cha, mẹ già ốm đau là lý do chính đáng để nghỉ việc

Bạn đọc có email ngocvuvo@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Ngày 18.6.2018 tôi có đưa đơn xin thôi việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Vì tôi làm chưa hết HĐLĐ nên có nêu lý do là mẹ già ốm yếu có kèm theo giấy ra viện của mẹ và giấy xác nhận của UBND xã, nhưng công ty không chịu ký đơn cho thôi việc của tôi, mà còn giam lương 47 ngày, không trả sổ BHXH. Xin cung cấp thêm thông tin, sau khi em đưa đơn thôi việc em vẫn đi làm đủ 30 ngày theo HĐLĐ có thời hạn.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điều 37 BLLĐ như đã trích dẫn ở trên, khi NLĐ có HĐLĐ xác định thời hạn, muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì phải hội đủ hai điều kiện cần và đủ. Điều kiện đủ là thời gian báo trước, còn điều kiện cần là phải có lý do chính đáng. Theo quy định tại khoản 2, điều 11 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ trong các trường hợp sau đây: Phải nghỉ việc để chăm sóc vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng, con đẻ, con nuôi bị ốm đau, tai nạn; Khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc; Gia đình gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch họa, dịch bệnh hoặc chuyển chỗ ở mà NLĐ đã tìm mọi biện pháp nhưng không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ.

Do bạn có lý do chính đáng và cũng đã báo trước đủ 30 ngày, nên thuộc trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Việc công ty giam lương và không trả sổ BHXH của bạn là chưa đúng. Trước hết bạn nên làm đơn yêu cầu hòa giải viên lao động cấp huyện hòa giải về vụ việc (vì có liên quan đến việc công ty chưa trả lương cho bạn). Nếu sau đó công ty vẫn không trả lương và chốt, trả sổ BHXH cho bạn, bạn có quyền khởi kiện công ty ra tòa án cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để được bảo đảm quyền lợi.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/nghi-viec-co-phai-den-bu-tien-cho-cong-ty-da-dong-bhxh-624070.ldo