Nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết có phải vô ơn?

Nhiều người cho rằng nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết là thích hợp, thuận tiện cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Tình trạng nhân sự nộp đơn xin nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết không phải điều quá xa lạ với nhiều doanh nghiệp, công ty. Thông thường, nhiều người sẽ đánh giá đây là hành động ích kỷ và có phần bội bạc. Tuy nhiên những người trong cuộc lại nghĩ khác, họ chỉ đơn giản nhận những gì bản thân xứng đáng và kết thúc làm việc vào một thời điểm họ cho là thích hợp nhất.

Sau khi nhận thưởng Tết là thời điểm thích hợp để nghỉ việc

Nhiều người thường nghĩ, nếu quyết định nghỉ việc vào thời điểm nhạy cảm này hẳn người đó phải có một mâu thuẫn, vấn đề nào đó không thể giải quyết. Hoặc đôi khi là vì thưởng Tết thấp, hay không hài lòng về cách làm việc của cấp trên trong việc phát lương, thưởng. Tuy nhiên, lý do đôi khi lại không căng thẳng đến mức vậy, chỉ là họ cảm thấy muốn nghỉ việc.

Đây cũng là trường hợp cách đây 1 năm của Tuấn Minh (27 tuổi, TP.HCM), làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. Theo đó, sau khi nhận thưởng Tết, Tuấn Minh đã ngay lập tức viết đơn xin nghỉ và gửi cho giám đốc khiến nhiều người ngỡ ngàng.

“Thời điểm đó, bản thân mình cảm thấy căng thẳng khi làm việc, không còn sự sáng tạo để làm tốt nên mình quyết định nghỉ việc. Tranh luận, mâu thuẫn trong lúc làm việc chắc chắn có nhưng khi dự án đã hoàn thiện thì mối quan hệ của mình với sếp lại bình thường, nên đó không phải lý do khiến mình nghỉ việc”, Tuấn Minh nói.

Nhiều người cho rằng nhận thưởng Tết xong là thời điểm phù hợp nhất để nghỉ việc (Ảnh minh họa: Pinterest)

Nhiều người cho rằng nhận thưởng Tết xong là thời điểm phù hợp nhất để nghỉ việc (Ảnh minh họa: Pinterest)

Tuấn Minh cho biết thêm, đợi nhận thưởng rồi mới nghỉ vì đó là điều mình xứng đáng được nhận sau cả năm làm việc. “Mọi người đi làm đều vì một mục đích nào đó, chẳng tội gì cống hiến cả năm trời nhưng lại không đợi nhận thưởng Tết. Mình không cảm thấy hành động này là vô ơn hay ích kỷ. Ngược lại, mình bất ngờ hơn với những bạn nghỉ việc trước khi nhận thưởng Tết”, anh bày tỏ.

Còn với Ánh Giang (25 tuổi, Hà Nội) mới đây cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc sau khi nhận lương tháng 13, thưởng Tết. Lý do khiến Ánh Giang nghỉ việc là vì cô có định hướng mới, một môi trường mới với công việc mà cô yêu thích.

Ánh Giang bày tỏ: “Công ty mình có quy định nộp đơn xin nghỉ trước 45 ngày. Do vậy mình thấy đây là thời điểm thích hợp để nghỉ việc. Mình nghĩ ra Tết là lúc rất dễ để các doanh nghiệp, công ty tuyển nhân sự mới. Và đương nhiên, đó cũng sẽ là cơ hội cho những ai nghỉ việc cuối năm giống như mình. Hơn nữa, mình xin nghỉ sau khi nhận thưởng Tết nhưng không phải nghỉ luôn, mình vẫn hoàn thành đủ công việc và trách nhiệm trong 45 ngày còn lại cho đến khi hết hợp đồng”.

Cô cũng chia sẻ thêm, nghỉ việc sau khi nhận thưởng Tết giống như việc khép lại một năm cũ, mở ra một năm mới. Nhân sự làm đúng với công ty và họ cũng nhận được những đãi ngộ xứng đáng. “Nói theo ngôn ngữ thường ngày là ‘không ai còn nợ ai’ nên mình không quan tâm lắm đến những đánh giá như là ích kỉ, vô ơn. Bản thân sếp mình khi thấy đơn xin nghỉ việc cũng không phàn này hay trách cứ. Mình thấy nghỉ như thế này là thuận lợi cho cả 2 bên”.

Nghỉ việc vì thưởng Tết thấp cũng không có gì đáng chê trách

Không giống Tuấn Minh hay Ánh Giang, nhiều trường hợp tỏ thái độ bức xúc khó chịu ngay sau khi nhận thưởng Tết và quyết định nghỉ việc cũng vì mức thưởng thấp. Nói về điều này, cả hai cùng cho rằng đó là tâm lý dễ hiểu của nhân viên.

Thưởng Tết theo kết quả làm việc của từng người sẽ công bằng hơn (Ảnh minh họa: Pinterest)

Ánh Giang chia sẻ thông thường các công ty sẽ có quy định riêng về thưởng Tết. Có nơi sẽ đặt ra một mức thưởng giống nhau hoặc tính theo số năm cống hiến. Ngoài ra, có công ty sẽ tính theo năng suất, mức độ hoàn thành KPI công việc trong năm của nhân viên. Và hầu hết, trường hợp người lao động phàn nàn là do cách thưởng “cào bằng” mà không đề xuất theo năng lực cá nhân. Đó cũng là lý do khiến họ có thể quyết định nghỉ việc ngay sau khi nhận thưởng Tết.

“Có thể họ rất kì vọng vào thưởng Tết bởi họ tự đánh giá được trong năm vừa qua kết quả làm việc của họ như thế nào. Tuy nhiên khi mức thưởng không như mong muốn, tệ hơn là thấp hơn cả ước tính thì chắc chắn họ sẽ phản kháng. Vì đúng là không công bằng nếu như người làm ít, người làm nhiều cũng được thưởng giống nhau”, Ánh Giang nói.

Còn Tuấn Minh cho hay: “Trước đây ở công ty cũ, sếp cũng áp dụng thưởng theo cách tính số năm làm việc. Ai tròn năm sẽ được thưởng 1 tháng lương, còn lại sẽ nhận một nửa tháng lương. Điều này khiến nhiều người thất vọng vì dù làm tốt cũng không được thưởng nhiều hơn. Một người đồng nghiệp cũng có trao đổi lại với sếp nhưng không đi đến được thỏa thuận hợp lý nên bạn ấy cũng xin thôi việc sau khi nhận thưởng Tết”.

Theo Tuấn Minh, nghỉ việc với lý do thưởng Tết thấp cũng không có gì sai hay đáng chê trách. Anh cho rằng nếu suy nghĩ rộng hơn, đó cũng chỉ là vấn đề giữa việc phù hợp hay không phù hợp và quan điểm của nhân viên không còn cùng một hướng với công ty. Do vậy, khi hai bên không thể thống nhất thì nghỉ việc là kết quả đương nhiên sẽ xảy ra.

Hải My

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nghi-viec-ngay-sau-khi-nhan-thuong-tet-co-phai-vo-on-20230110181936505.htm