Nghị viện châu Âu siết luật lệ giữa bê bối tham nhũng liên quan Qatar

Liên quan cáo buộc Qatar hối lộ các chính trị gia châu Âu, Nghị viện châu Âu xúc tiến siết hàng loạt quy định, luật lệ, ngăn bê bối tái diễn.

Ngày 14-12, Bộ Tư pháp Bỉ cho biết tình báo nước này hợp tác chặt với các quốc gia châu Âu khác trong hơn một năm để làm rõ vụ bê bối tham nhũng hiện đang làm rung chuyển hệ thống chính trị châu Âu, theo hãng tin Reuters.

Sự việc nghiêm trọng

Các công tố viên nghi ngờ Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), nghị viên Hy Lạp Eva Kaili và ba người khác đã nhận hối lộ từ Qatar nhằm gây ảnh hưởng việc hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) theo hướng có lợi cho Qatar. Cảnh sát đã thực hiện hơn 20 cuộc truy quét, chủ yếu ở Bỉ và ở Ý, nhằm điều tra cáo buộc hối lộ vì lợi ích chính trị. Các công tố viên nghi ngờ những người “ở các vị trí chính trị và/hoặc chiến lược trong EP đã được trả những khoản tiền lớn hoặc được tặng những món quà đáng kể để gây ảnh hưởng đến các quyết định của nghị viện”.

Các nghị viên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ngày 15-12 đình chỉ cho phép đại diện Qatar tiếp cận các trụ sở cơ quan này, trong khi cuộc điều tra bê bối đang diễn ra. Ảnh: EUROPEAN UNION

Các nghị viên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu ngày 15-12 đình chỉ cho phép đại diện Qatar tiếp cận các trụ sở cơ quan này, trong khi cuộc điều tra bê bối đang diễn ra. Ảnh: EUROPEAN UNION

Bà Kaili phủ nhận mọi cáo buộc, tuy nhiên vẫn bị tước vị trí phó chủ tịch EP sau vụ việc và đang bị các nghị viên kêu gọi rời khỏi EP. Ngày 15-12, các cơ quan tư pháp Hy Lạp mở cuộc điều tra riêng về khả năng rửa tiền và hối lộ liên quan nghị viên Kaili. Tất cả tài sản của gia đình bà đã bị Hy Lạp phong tỏa vài ngày trước.

Phiên điều trần xem xét khả năng tại ngoại của bà Kaili bị hoãn tới ngày 22-12. Chồng bà Kaili - ông Francesco Giorgi, một trợ lý ở EP, bị giam. Cựu nghị viên Pier Antonio Panzeri cũng sẽ bị giam. Nghi phạm Niccolo Figa-Talamanca, tổng thư ký một nhóm vận động, sẽ tại ngoại nhưng đeo thẻ mắt cá chân điện tử.

Theo tờ The Guardian, ngày 15-12, Chủ tịch EP Roberta Metsola đã thảo luận về vụ bê bối này với 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khi dự hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels (Bỉ). Bà Metsola tuyên bố sẽ xem xét lại các quy định của EP để đảm bảo không để cơ quan này bị các thế lực bên ngoài thao túng, phá hoại.

Nghị viện châu Âu sẽ sửa một loạt quy định

Bà Metsola thông báo một loạt biện pháp nằm trong gói cải cách chống tham nhũng mà bà cho biết sẽ thực hiện “trong năm mới” và “sẽ đích thân lãnh đạo công việc này”.

Tất cả nhóm hữu nghị không chính thức (thường được tài trợ từ những người vận động hành lang và chính phủ nước ngoài) sẽ bị cấm. Theo tờ Le Soir của Bỉ, chồng bà Kaili thừa nhận tham gia một tổ chức can thiệp vào EP thay mặt cho Qatar và Morocco. Nhiều nghị viên từ các nhóm trung hữu, tự do và trung tả cho biết đã được người phía Qatar tiếp cận thông qua Nhóm nghị sĩ hữu nghị Qatar - EP tại Brussels. Hiện nhóm này đã bị đình chỉ.

Vấn đề lợi ích tài chính của tất cả 705 nghị viên EP sẽ được xem xét kỹ. Theo The Guardian, nhiều nghị viên cho biết họ được tài trợ chuyến đi miễn phí và vé xem World Cup ở Qatar. Bà Metsola cho biết bà cũng được mời dự World Cup nhưng “đã từ chối”.

Đây là cách chúng ta xây dựng lại niềm tin. Như chúng ta biết, niềm tin phải mất nhiều năm để xây dựng và có thể bị phá hủy chỉ trong phút chốc. Chủ tịch Nghị viện châu Âu ROBERTA METSOLA

EP sẽ xem xét đầy đủ và sâu sắc việc kiểm soát các quy tắc ứng xử, cách các nghị viên tương tác với các nước thứ ba. Các nghị viên và trợ lý sẽ phải ghi lại các cuộc gặp với đại diện chính phủ nước ngoài trên sổ đăng ký minh bạch hoặc bị phạt vì không tuân thủ.

Trong ngày 15-12, các nghị viên đã bỏ phiếu thống nhất hỗ trợ các biện pháp được thiết kế nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa tất cả tổ chức châu Âu nhằm đối phó với vụ bê bối hối lộ. Các biện pháp này bao gồm lập một ủy ban điều tra để điều tra các cáo buộc tham nhũng, một ủy ban đặc biệt để xem xét các lỗ hổng trong tính minh bạch và một vị trí phó chủ tịch EP chịu trách nhiệm chống tham nhũng và sự can thiệp của nước ngoài vào EP. Các nhà lập pháp cũng kêu gọi thành lập một cơ quan đạo đức độc lập nhằm ngăn chặn những vụ bê bối như vậy tái diễn.

Hiện các công tố viên đang tìm cách dỡ bỏ quyền miễn trừ của các nghị viên châu Âu. Văn phòng Công tố viên của EU kêu gọi EP dỡ bỏ quyền miễn trừ đối với nghị viên Kaili, cũng như một nghị viên Hy Lạp khác là bà Maria Spyraki, người đang bị điều tra một cáo buộc tham nhũng riêng biệt. Ngoài ra, EP cũng sẽ tăng cường các hệ thống bảo vệ người tố giác sai phạm.

Theo một nguồn tin của EU thì bà Metsola nhận được “sự ủng hộ hoàn toàn” từ các nhà lãnh đạo khối để thực hiện việc rà soát điều chỉnh luật lệ.•

Qatar bị Nghị viện châu Âu “cấm cửa”

Về phần Qatar, dù bác bỏ mọi cáo buộc liên quan vụ bê bối là “thông tin sai lệch nghiêm trọng” nhưng nước này đã phải nhận phản ứng từ EP. Ngày 15-12, các nghị viên EP bỏ phiếu áp đảo lên án việc Qatar cố gắng can thiệp vào EP “thông qua các hành vi tham nhũng, cấu thành sự can thiệp nghiêm trọng của nước ngoài trong các tiến trình dân chủ của EU”.

Đại diện của Qatar sẽ bị cấm tiếp cận trụ sở của EP trong quá trình điều tra, các tổ chức phi chính phủ cũng sẽ bị đánh giá lại. Ngày 14-12, EP đình chỉ việc công nhận tổ chức phi chính phủ No Peace Without Justice mà theo bà Metsola là “bị cáo buộc có liên quan đến cuộc điều tra”.

Theo dự kiến, trong tuần này EP sẽ bỏ phiếu về vấn đề miễn thị thực du lịch cho người Qatar tới châu Âu, tuy nhiên lịch này bị hoãn sau vụ bê bối. Thỏa thuận hàng không EU - Qatar và một số chuyến thăm theo kế hoạch đều bị tạm dừng trong khi chờ điều tra.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-vien-chau-au-siet-luat-le-giua-be-boi-tham-nhung-lien-quan-qatar-post712577.html