Nghĩa tình ở 'vương quốc' tôm càng xanh

Trời vừa ló dạng, ông Rê đã xăng xái cùng hàng xóm ra ruộng tôm. Chiếc máy bơm chạy từ khuya làm ruộng tôm mênh mông nước giờ chỉ còn lại những đường nước nhỏ. Trên bờ, tiếng người í ới gọi nhau chuẩn bị dụng cụ. Đợt thu hoạch tôm bắt đầu với bao kỳ vọng… mà cũng chứa chan tình làng, nghĩa xóm ở vùng đất được xem là 'vương quốc' tôm càng xanh này.

Rất đông hàng xóm đến giúp gia đình ông Rê thu hoạch tôm.

Rất đông hàng xóm đến giúp gia đình ông Rê thu hoạch tôm.

►Những mùa tôm thắng lợi

Nước cạn dần, cánh đàn ông nhanh tay dùng lưới kéo dọc theo lạch nước bắt tôm. Một nhóm khác kéo máy đánh cho nước đục lên để tôm nổi đầu dạt vô bờ, những con tôm không mắc lưới cũng được bắt gọn sau đó. Hàng chục người theo những lạch nước cứ thế bắt tôm cho vào giỏ, chở nhanh vào nhà - nơi cánh phụ nữ đang chờ sẵn để phân cỡ bán cho thương lái. Vụ này nữa là hơn 10 năm ông Lê Văn Rê, ở ấp Hiệp Hòa, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang, chuyển từ trồng khóm sang nuôi tôm càng xanh. Với ông, con tôm như là một giải pháp không chỉ với riêng ông mà cả với nhiều hộ nông dân khác trong xã.

“Vùng này đất đai phèn, mặn, trước đây chỉ độc canh cây khóm nên cuộc sống rất khó khăn. Sau đó, khi chuyển dịch, bà con nuôi tôm sú, tôi cũng nuôi nhưng thấy không hiệu quả nên khoảng 10 năm nay tôi chuyển qua nuôi tôm càng xanh. Từ vài công, nay tôi đã nuôi hơn 5ha, chia ra từng khu vực. Cứ xoay vòng mỗi lần thu hoạch khoảng 1ha, lời hơn 50 triệu đồng, khỏe hơn trồng khóm” - ông Rê nói.

Gần đó, anh Nguyễn Thế Kỷ nhiều năm nay nổi tiếng là tỉ phú tôm càng xanh xứ này. Anh Kỷ kể, trước đây gia cảnh anh rất khó khăn, trong khi điều kiện đất đai chỉ trồng được cây khóm. “Khóm thì giá bấp bênh, trồng cực công nhưng năm trúng mùa lời cũng không bao nhiêu, nên khi thấy bà con chuyển sang nuôi tôm tôi cũng làm theo. Lúc đầu nuôi tôm sú nhưng bị dịch bệnh nên tôi chuyển qua nuôi tôm càng xanh. Nhờ được tập huấn kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích lũy dần, giờ đây hầu như vụ nuôi tôm nào tôi cũng thắng lợi. Tôi chuẩn bị thu hoạch 2ha tôm, thương lái đã chịu giá 145.000 đồng/kg, dự kiến thu hoạch được khoảng 1,2 tấn. Mấy năm nay, nhờ con tôm mà tôi cất được nhà, lo 2 con ăn học” - anh Kỷ nói.

Ông Đoàn Văn Đủ, cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Vĩnh Bình Bắc, cho biết: Mỗi năm người dân Vĩnh Bình Bắc nuôi 2-3 vụ tôm càng xanh, năng suất khoảng 1 tấn/héc-ta. Gần đây, bà con thả thêm tôm thẻ chân trắng vào ruộng tôm càng xanh, gọi là mô hình “tôm xen tôm” vì tôm càng xanh từ thả nuôi đến thu hoạch khá lâu, trong khi đợi thu hoạch bà con thả xen vào tôm thẻ chân trắng, loại này chỉ 3 tháng cho thu hoạch. Theo tính toán và thu hoạch thực tế của nông dân, 1ha nuôi theo mô hình “tôm xen tôm” sẽ lời khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng giám sát chặt chẽ chất lượng con giống, thực hiện tốt quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động sản xuất; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bà con nuôi thành công.

Ông Huỳnh Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Bắc, cho biết thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền trong nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, trọng tâm là phát triển các mô hình nuôi thủy sản, chuyển diện tích đất trồng lúa, đất vườn kém hiệu quả sang nuôi tôm, như: tôm - lúa, nuôi xen tôm càng xanh - tôm thẻ - tôm sú. Đến nay toàn xã đã có hơn 5.000ha nuôi tôm chiếm trên 60% diện tích của xã, sản lượng tôm đạt 5.213 tấn/năm.

Theo ông Nguyên, từ thực tế cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương đã đúng hướng, sản xuất từng bước gắn với nhu cầu của thị trường, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt từ khi chuyển sang nuôi tôm, đời sống người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 29 triệu đồng/người/năm (2015) tăng lên 51,53 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,6% (năm 2015) xuống còn 3,01% năm 2019. “Con tôm thật sự là hướng đi mới giúp người dân vươn lên ổn định cuộc sống, tích lũy tiền xây nhà, nuôi con ăn học và chung tay cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới…” - ông Nguyên nói.

Con tôm càng xanh đã giúp nhiều hộ dân ở Vĩnh Bình Bắc làm giàu.

►Bền chặt tình làng, nghĩa xóm

Mỗi năm, bà con nông dân ở Vĩnh Bình Bắc nuôi khoảng 3 vụ tôm càng xanh. Đến kỳ thu hoạch, thương lái sẽ đến kiểm tra, thỏa thuận giá và người thu hoạch tôm chính là hàng xóm của chủ ruộng. Vào những ngày thu hoạch, ruộng tôm đông như hội. Nhiều gia đình tạm gác việc nhà để sang giúp hàng xóm. Với họ, đây là cách “vần công” để vài hôm sau đến mình thu hoạch tôm thì hàng xóm qua giúp lại. Ở vùng sâu, vùng xa như Vĩnh Bình Bắc tuy cuộc sống một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình chòm xóm thì luôn bền chặt và cụ thể nhất chính ở việc vần công khi đến vụ thu hoạch tôm. “Khoảng 50 người vậy chứ hàng xóm không hà. Họ tiếp tôi, vài bữa thu hoạch tôi qua tiếp lại, xóm giềng mà!” - ông Rê nói.

Đang nhanh tay xách giỏ tôm đưa lên xe, anh Võ Văn Tánh tiếp lời: “Mới đây, khi gia đình tôi thu hoạch 1,8ha tôm, tờ mờ sáng đã có mấy chục người trong xóm tới phụ kéo tôm. Những thanh niên khỏe mạnh thì bơm nước, kéo tôm, gánh tôm từ ruộng vào nhà; còn những chú bác lớn tuổi thì xuống ruộng bắt tôm; chị em phụ nữ đảm nhận công đoạn phân loại tôm để bán cho thương lái... Mỗi người một việc chia nhau làm từ sáng sớm đến xế chiều mới xong, nhưng không ai nhận một đồng tiền công nào. Khi mọi việc hoàn thành, cả xóm cùng ngồi lại ăn bữa cơm chia vui với chủ nhà”. Chị Trần Thị Tiềm, vợ anh Tánh, nói: “Ở quê này, gia đình nào cũng vậy, ngoài bắt tôm còn đám tiệc, làm đường, bắc cầu… ai cũng sẵn lòng giúp nhau. Chòm xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, hôm nay mình giúp bà con, mai mốt họ giúp lại”.

Theo ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, vài năm gần đây, lao động ở nông thôn thiếu trầm trọng do làn sóng rời quê lên TP Hồ Chí Minh, miền Đông làm thuê trong các khu công nghiệp. Điển hình như ở các nơi trồng mía, trồng lúa... luôn rơi vào cảnh thiếu lao động khi tới vụ thu hoạch. Riêng vùng nuôi tôm xứ này vẫn duy trì được mô hình “trả công” trong thu hoạch tôm là rất quý. Cụ thể, khi một gia đình tới kỳ thu hoạch tôm thì hàng chục hộ xung quanh sắp xếp việc nhà để cả vợ lẫn chồng cùng đến phụ kéo tôm. Ngày hôm sau, tới hộ khác thu hoạch tôm, cũng được mọi người đến “trả công” như vậy. Không ai nhận của ai một đồng nào, mà chỉ ăn bữa cơm chia vui mùa vụ. Qua đó, nhiều gia đình cùng thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm; giúp nhau trong sản xuất để rồi cùng vui khi được mùa tôm.

“Nhờ mô hình “trả công” lẫn nhau, mà cứ đến thu hoạch tôm là cả xóm nhộn nhịp. Chính quyền cũng thuận lợi trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, vận động xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự. Việc Vĩnh Bình Bắc được công nhận xã nông thôn mới có phần đóng góp quan trọng từ đột phá trong nuôi tôm” - ông Nguyên chia sẻ.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nghia-tinh-o-vuong-quoc-tom-cang-xanh-a122285.html