Nghĩa tình trên quê hương đất 'thép'

Làm nên danh hiệu 'Đất thép thành đồng', quân dân huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cũng chịu hy sinh mất mát lớn. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Củ Chi đã có nhiều mô hình tri ân, chăm lo gia đình chính sách cả vật chất, lẫn tinh thần, nhân lên nghĩa tình sâu sắc trên quê hương đất 'thép'.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Líp, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trò chuyện với cán bộ Trung đoàn Gia Định. Ảnh: Duy Hưng

Nhà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Líp, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Mẹ có 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hôm đến thăm mẹ vừa bước qua mấy rặng dừa xõa bóng dài trước ngõ, tiếng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) xôn xao: Mẹ ơi! mẹ ơi! mẹ dậy chưa! mẹ dậy ăn cơm chưa? Giọng nhỏ chậm trong nhà, mẹ Líp nói vọng ra: “Tiếng mấy đứa hình như tiếng mấy con là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định phải không? Mẹ nghe tiếng quen lắm”.

Thân nhân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng huyện Củ Chi nhận bằng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Duy Nguyễn

Bước vội vào trong sân, vừa thấy dáng mẹ, cán bộ, chiến sĩ trẻ đã chạy ùa cả lại đỡ lấy mẹ. Bước những bước chậm chậm đến bên bàn nước, giọng mẹ Líp xúc động: “Mẹ vẫn khỏe, mẹ ăn được lưng cơm rồi. Các con ạ! Mỗi ngày mẹ như khỏe hơn vì càng ngày, mẹ càng chứng kiến sự đổi thay trên quê hương mình và mẹ càng thấy tự hào, vui mừng hơn bao giờ hết. Mẹ già rồi có ăn uống được bao nhiêu nữa đâu. Các con đến thăm, trò chuyện thường nhật là mẹ rất ấm lòng”.

Mẹ bảo: “Nghĩa tình của người dân vùng Sài Gòn - Gia Định xưa là luôn lấy nhân nghĩa làm gốc. Trong kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống nghĩa tình ấy đã hòa quyện với tình đồng chí, đồng đội nâng lên tầm cao mới, làm sâu sắc nghĩa tình truyền thống quê hương đất “thép”. Đây chính là cội nguồn sức mạnh để quân và dân đất “thép” đi từ những thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Củ Chi là căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Mỗi người dân đất “thép” thành đồng luôn trân trọng, tự hào về truyền thống “Một tấc khi đi, một ly không rời” của quê hương mình. Sự tàn phá khốc liệt, ghê gớm của địch, nhưng không thể làm khuất phục, lung lay ý chí, tinh thần cách mạng của nhân dân Củ Chi. Người dân Củ Chi đã đồng cam, cộng khổ, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Mồ hôi, máu và nước mắt của quân và dân Củ Chi hòa vào lòng đất đã nung nấu thêm nghĩa tình đồng bào, đồng chí, lòng căm thù giặc sâu sắc, tạo thêm sức mạnh vô địch để quân và dân Củ Chi đi đến ngày toàn thắng.

Thăm gia đình chính sách tại huyện Củ Chi. Ảnh Duy Hưng

Lập nên chiến công oanh liệt nhưng quân, dân Củ Chi cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất lớn. Mỗi người dân Củ Chi mãi mãi ghi tạc, đời đời biết ơn sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ. Trong mỗi ngôi nhà, từng xóm, ấp và ở mỗi con người Củ Chi đều mang trên mình những vết thương chiến tranh. Bởi vậy hoạt động tri ân, chăm lo gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong suy nghĩ, việc làm hàng ngày cụ thể của mỗi người dân đất “thép”.

Bên cạnh rà soát thực hiện tốt chế độ quy định của nhà nước, trước đây cuộc sống khó khăn, Củ Chi đi sâu vào chăm lo đời sống vật chất, nổi bật là mô hình “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình chính sách, bảo đảm 100% gia đình chính sách đều có nhà ở. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, hoạt động chăm lo gia đình chính sách được cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo không chỉ về vật chất mà luôn chú trọng chăm lo đời sống tinh thần, nhân lên nghĩa tình đồng bào, đồng chí để các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sống vui, sống khỏe.

Thăm gia đình chính sách huyện Củ Chi. Ảnh: Duy Hưng

Càng xuống các xóm, ấp, chúng tôi chứng kiến nhiều chương trình, mô hình hoạt động tri ân giản dị, đậm chất văn hóa truyền thống quê hương lan tỏa trong xã hội, như “bữa cơm nhà mẹ”, thắp nến tri ân, xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; đặt tên những tuyến đường, công trình văn hóa hay chủ đề những đợt thi đua là tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân và tổ chức biên soạn kỷ yếu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của quê hương Củ Chi”…Hiện, Củ Chi có 100% gia đình chính sách đều là gia đình văn hóa, đồng thời đặt tên 300 đường là tên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng….

Chị Huỳnh Thị Thanh Thảo, ngụ đường Nguyễn Thị Rành, huyện Củ Chi bày tỏ: “Đường Nguyễn Thị Rành mang tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành. Những năm qua, bà con dọc tuyến đường đã bảo nhau tự nguyện trồng thêm những loài hoa hướng dương, cúc, vạn thọ…thể hiện nghĩa tình, lòng biết ơn đối với mẹ Nguyễn Thị Rành; qua đó thiết thực xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, xanh, sạch, đẹp ấn tượng”.

Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư huyện ủy Củ Chi khẳng định: “Những việc làm nghĩa tình hằng ngày sâu sắc đó đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, khơi dậy ngọn “lửa” nghĩa tình, truyền thống quê hương, thắp sáng mãi trong lòng mỗi người dân đất “thép” anh hùng; là nguồn động lực để quân và dân Củ Chi, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

NGUYỄN DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/nghia-tinh-tren-que-huong-dat-thep-733771