Nghĩa tình trong sắc nắng tháng Ba

Đầu tháng 3, theo câu hát 'Trà Vinh ơi, xứ sở tôi yêu/ Trà Cú, Cầu Ngang nghiêng nắng trời/ Duyên Hải biển xanh nghe sóng vỗ/ Châu Thành thương quá dáng liêu xiêu...', chúng tôi xuôi về miền duyên hải Trà Vinh 'mây trắng nắng vàng'.

Gia đình chị Phạm Thị Thúy nhận gạo trợ cấp từ Đồn Biên phòng Trường Long Hòa. Ảnh: Đăng Bảy

Thắm tình quân dân

Do vẫn đang còn dư âm của “Ngày Biên phòng toàn dân” nên dù đi tới bất cứ đâu trong 11 xã, thị trấn biên giới biển thuộc 3 huyện (Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải) và thị xã Duyên Hải, chúng tôi cũng được những người dân hiền lành, chất phác kể chuyện về sự gắn bó máu thịt, về những việc làm đầy ắp tính nhân văn của những người lính mang quân hàm xanh.

Thượng úy Trần Văn Trang, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trường Long Hòa đưa chúng tôi đến Khu tái định cư ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải lúc bà con đang chuẩn bị bữa trưa. Tiếng cười, nói rổn rảng, hồn nhiên vang lên át cả tiếng gió biển. Thấy bóng dáng các anh BĐBP, mấy dì, mấy cô tất tả đi ra tính chèo kéo, kêu ghé nhà uống nước. Nhưng khi nhìn thấy cái ba lô trên lưng của Thượng úy Trang, ai cũng nói: “Ghé nhà Thúy đưa gạo hả? Nó mới đi lấy thuốc về đó”. Trang nói với chúng tôi, cả khu tái định cư này có 80 hộ nhưng ai cũng biết việc Đồn Biên phòng Trường Long Hòa nhận trợ cấp gạo cho gia đình chị Phạm Thị Thúy, nên mỗi khi thấy BĐBP chở gạo xuống là biết ngay sẽ ghé nhà chị Thúy đầu tiên.

Trong căn nhà “Đại đoàn kết” rộng chừng 30m2, qua câu chuyện do chính Thúy kể, chúng tôi mới thấu hiểu hoàn cảnh éo le của chị. Sinh năm 1976, chồng mất cách đây 5 năm, để lại cho chị căn bệnh thế kỷ cùng đứa con gái đang học lớp 1. Nhà nghèo, thất học, không nghề nghiệp, Thúy sống lay lắt bằng việc lượm ve chai và làm thuê làm mướn. Bà Trần Dìa, 65 tuổi (mẹ ruột chị Thúy), nhà ở sát bên nói: “Rất may là có đồn Biên phòng và sự bao bọc của bà con lối xóm. Mỗi tháng, ngoài việc hỗ trợ 15kg gạo, thỉnh thoảng mấy anh còn ghé qua cho ký bột ngọt, chai nước mắm... Nó mong mấy chú xuống lắm. Vì không chỉ mang theo gạo, theo quà, mấy chú Biên phòng còn là chỗ dựa tinh thần của nó nữa”... Chỉ chiếc xe đạp dựng ngoài hiên nhà, Thúy cho biết, cái xe đó cũng của chú Mỹ (Đại úy Nguyễn Văn Mỹ, Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Trường Long Hòa) cho.

Chị Trương Thị Mỹ Nương, quyền Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết: “Không chỉ đối với chị Thúy, các hộ gia đình ở ấp Cồn Trứng và cả xã Trường Long Hòa này đều là chỗ thân tình, gắn bó với đồn Biên phòng. Hễ có việc gì khó khăn là mấy anh có mặt, không kể sớm trưa chiều tối. Tình cảm quân dân vì thế ngày càng gắn bó, như cá với nước...”.

Gương sáng cán bộ Biên phòng

Đã gần một tháng trôi qua, nhưng khi xuống xã Trường Long Hòa, chúng tôi vẫn được nghe nhiều người kể về tấm gương dũng cảm của Đại úy Nguyễn Văn Mỹ, nhân viên vũ trang Đồn Biên phòng Trường Long Hòa. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Mỹ đã dũng cảm cứu 6 cháu bé khỏi bị đuối nước.

Mỹ nhớ lại, khoảng 11 giờ 20 phút, ngày 17-2-2018 (mùng 2 Tết), bé trai Nguyễn Nhật Minh Thuận (sinh năm 2006, ở xã Dân Thành, huyện Duyên Hải) đang tắm biển tại Khu du lịch Ba Động thì thụt chân vào hố sâu, bị sóng biển cuốn ra xa. Mỹ đã dũng cảm lao ra cứu được bé Thuận, đưa vào bờ an toàn. Chỉ một ngày sau, lúc 9 giờ 30 phút, ngày 18-2-2018 (mùng 3 Tết), cũng tại bãi biển Ba Động, bé gái Lê Nguyễn Như Ngọc (sinh năm 2007, ở xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần) đang tắm biển thì bị đuối nước.

Rất may, Nguyễn Văn Mỹ (khi đó đang mang quân hàm Thượng úy) kịp thời phát hiện, lao ra cứu và đưa bé vào bờ an toàn. Không lâu sau đó lại xảy ra vụ đuối nước khác. Nạn nhân là 4 bé gái người dân tộc, gồm: Thạch Thị Thảo, sinh năm 2005; Thạch Thị Hiếu, sinh năm 2003; Sơn Thị Ngọc Nhiều, sinh năm 1994; Sơn Nhựt, sinh năm 2001, cùng ở huyện Cầu Ngang. Trong quá trình tắm biển, do không có người lớn giám sát, lại không biết bơi nên cả 4 bé bị đuối nước. Đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc thì Thượng úy Mỹ đang làm nhiệm vụ gần đó kịp thời phát hiện, lao ra cứu được cả 4 bé đưa vào bờ an toàn...

Hôm nay chúng tôi gặp lại, Nguyễn Văn Mỹ đã mang quân hàm Đại úy. Mỹ phấn khởi cho biết, sau khi hay tin việc làm của anh, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP đã ký quyết định thăng quân hàm cho anh trước niên hạn. Mỹ xúc động: “Em sẽ cố gắng hơn rất nhiều để xứng đáng với niềm tin yêu của lãnh đạo các cấp, của nhân dân và của đồng đội”.

Trạm xá của lòng tin

Bà con ở vùng biển Trà Vinh thường dùng câu “Hữu xạ tự nhiên hương” để nói về Trạm xá Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Long Vĩnh. Đứng chân ở ấp Giồng Bàn, xã đảo Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, chỉ với một bác sĩ, một y sĩ, phương tiện nghèo nàn, nhưng từ lâu, nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hàng ngàn bệnh nhân. Không chỉ trong tỉnh Trà Vinh mà rất nhiều người bệnh ở các tỉnh xa như Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cần Thơ cũng tìm đến khám, điều trị.

Cán bộ Quân y Đồn Biên phòng Long Vĩnh khám bệnh cho người dân. Ảnh: Đăng Bảy

Theo sổ ghi chép của đơn vị, mỗi ngày có không dưới 50 người đến đây khám bệnh. Đại úy, y sĩ Lê Văn Sơn, người đã có trên 17 năm gắn bó với trạm xá này cho biết, năm 2017, có 19.260 ca đến khám và điều trị, trong đó có 648 ca cấp cứu; có 96 ca chuyển viện tuyến trên, còn lại điều trị tại chỗ. Theo y sĩ Sơn, phần lớn người dân đến đây để khám, chữa các bệnh thông thường như da liễu, tim, mạch, hô hấp...

Rất nhiều trong số đó là “khách hàng thân thiết” của trạm xá. Không chỉ một người mà cả gia đình, nhiều ấp, nhiều xã đều chọn Trạm xá Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Long Vĩnh để gửi gắm niềm tin, là địa chỉ quen thuộc về chăm sóc sức khỏe cho họ. Đại tá Phạm Cao Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP Trà Vinh nói, y sĩ Sơn có bài thuốc chữa bệnh ngoài da rất hiệu quả. Nhiều người đi chữa ở bệnh viện tuyến trên không được, tìm tới y sĩ Sơn là hết bệnh. Thế nên mới có nhiều bệnh nhân ở các tỉnh xa cũng tìm tới chữa trị tại Trạm xá Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Long Vĩnh.

Tuy chưa tới giờ làm việc buổi chiều, nhưng chúng tôi đã thấy 5-6 bệnh nhân đang đợi ở trạm xá để chờ khám bệnh. Mỗi người mỗi độ tuổi và bệnh tình cũng khác nhau. Bệnh nhân Phan Văn Bờ, 78 tuổi, ngụ ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh nói với chúng tôi: 6 ngày trước, ông bị té, rách đầu gối. Sau khi khâu vết thương, hàng ngày ông đều đến đây nhờ quân y Biên phòng chăm sóc. Ông Bờ nói: “Mấy chú trách nhiệm và nhiệt tình lắm. Hễ thấy tui tới là mời vô thăm khám luôn, không phải mất thời gian chờ đợi như những nơi khác”... Qua trao đổi, chúng tôi được biết, đa số người bệnh có thẻ đăng ký bảo hiểm ở nơi khác nhưng vẫn thích đến điều trị ở đây, vì sự chân tình, thân thiện, trách nhiệm của thầy thuốc Biên phòng”.

Về Trà Vinh, đi trong sắc nắng tháng Ba, trong lồng lộng gió biển của miền duyên hải, chúng tôi càng thêm tự hào về những việc làm hay, những cử chỉ đẹp của những người lính Biên phòng; mới hiểu rõ hơn câu “nghĩa tình quân dân cá nước”...

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghia-tinh-trong-sac-nang-thang-ba/