Nghịch cảnh chó cắn chết chủ: Đừng cứ thích thì nuôi

Đừng chỉ vì sở thích 'hơn người' rồi nuôi dạy không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề.

Trong vòng 1 tháng qua đã xảy ra 2 vụ chó nuôi tấn công chủ dẫn đến cái chết của một em bé 8 tháng tuổi và một người thân trong gia đình.

Chia sẻ của những người hàng xóm xung quanh nơi xảy ra vụ việc chó cắn vào cổ một người đàn ông 50 tuổi cho biết, chó dữ được nhiều người trong ngõ nuôi nhốt, thả tự do, không rọ mõm, dây xích, đã nhắc chủ nuôi nhiều lần nhưng không nói gì.

Chó Pitbull cắn chết anh trai của chủ tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chó nghiệp vụ (Học viện NNVN), việc chó nuôi cắn chủ là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra do lỗi của chính chủ nuôi.

Trước hết, do chủ nuôi không có kiến thức tối thiểu về tâm sinh lý chó.

"Chó là con vật có hệ thần kinh cao cấp, biết buồn vui giận hờn ghen tỵ... chứ không giống gà, lợn. Do đó, phải ứng xử với nó như một con người, cũng không được nửa vời và đặc biệt là phải có "uy" với vật nuôi" - ông Hà cho biết.

Nhiều chủ nuôi cho chó ăn thịt sống bởi nhu cầu nuôi chó dữ để chống trộm, để thể hiện với các chủ nuôi khác hay nuôi chó với mục đích để chọi đấu.

Tuy nhiên, loại thực phẩm thịt sống vừa không hợp vệ sinh, vừa tăng thêm tính hung dữ của chó. Chó cần được vận động phù hợp và không nên luôn luôn bị nhốt trong cũi hoặc dây xích cổ.

"Thực tế cho thấy là hầu hết những con chó thường xuyên bị xích hoặc bị nhốt trong cũi là những con chó rất dữ và có tính nết khó chịu" - ông Hà giải thích.

Chó cũng là loài đặc biệt thích được vui chơi giải trí, nhất là vui chơi với chủ. Những con chó ham chơi là năng động và rất thông minh. Chó cũng có tính sở hữu rất cao như đồ chơi, thức ăn, lãnh thổ, kể cả sở hữu chủ (sự trung thành).

Cần hiểu chó và có thời gian huấn luyện những con giống dữ.

Lý do thứ hai là không tìm hiểu về chó nhưng lại có sở thích "hơn người". Chủ nuôi thích giống chó nào thì sẽ đi mua để nuôi mà không cần tìm giống chó phù hợp với gia đình mình, không quan tâm đến môi trường sinh hoạt của gia đình có phù hợp với tâm sinh lý riêng của chó hay không... Điều này đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Ví dụ, con chó đòi hỏi phải được vận động cường độ cao như các loại chó săn lớn, chó làm việc, chó dữ như Phú Quốc, Xoáy Thái, Becgie Đức, Ngao Tạng.. lại ở nhà chật hẹp, đông người, nhiều trẻ con hiếu động thì rất nguy hiểm.

Thứ ba là cách nuôi dạy chó không đúng cách.

Lựa chọn nuôi dạy một con chó từ khi nó còn bé sẽ khó khăn hơn nhưng cần thiết, đặc biệt là với những giống chó dữ. Khi đó, chủ và vật nuôi sẽ có được mối quan hệ đủ lâu để hiểu nhau và thuần phục.

Nếu mua về con chó đã lớn tuổi (1 năm trở lên) nếu là giống chó dữ sẽ rất nguy hiểm. Nó sẽ khó bị chủ mới khuất phục, nghe theo. Hơn nữa, mua một con chó lớn như vậy sẽ dễ gặp rủi ro, bị lừa vì có thể con chó có vấn đề sức khỏe, thần kinh.

Nếu chiều chó gần như vô điều kiện hoặc quá nghiêm khắc và thô bạo đối với chó đều nhận được các hậu quả tiêu cực.

"Nhiều trường hợp do giáo dục sai cách tạo cho chó hiểu sai vị trí của nó trong gia đình, không tôn trọng chủ là nguyên nhân chắc chắn sẽ dẫn đến việc cắn chủ sau này" - ông Hà cảnh báo.

Vị chuyên gia khuyến cáo, cũng giống như con người, có một số con chó có tính khí côn đồ, hung dữ, đã dạy bảo không được thì phải kiên quyết thải loại. Chủ nuôi cũng cần tinh ý nhận ra phản ứng của chó, không thể đến lúc quá muộn, để xảy ra những tai nạn như vừa rồi.

Nước ngoài quản lý chó thế nào?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, ở các nước phát triển, người muốn nuôi chó thường thông qua tư vấn chuyên nghiệp xem nên nuôi giống chó nào, nuôi như thế nào cho tốt nhất...

Chó phải được huấn luyện trước khi trao cho chủ có kiến thức về nuôi dưỡng chó.

Thậm chí ở một số nơi còn có những quy định về không gian tối thiểu cho một số giống chó mà nếu người chủ không thực hiện được sẽ bị phạt nặng và không được nuôi.

Các giống chó dữ bị bắt buộc đi học ở những trung tâm huấn luyện. Trong quá trình nuôi dưỡng chó rất cần thiết phải sử dụng một số biện pháp để khống chế (rọ mõm, dây cương cổ dề kỷ luật, vòng cổ xung điện...)

Tại Mỹ, những giống chó dữ nếu không được xác định làm giống thì thường được cho đi thiến, vừa giúp chó khỏe mạnh, an toàn, không bị áp lực sinh lý gây bức xúc mất kiểm soát.

Hà Nội sẽ tăng kiểm soát điều kiện nuôi chó mèo

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho báo Đất Việt thông tin, hiện nay thành phố Hà Nội đã có các quy định về quản lý chó mèo tuy nhiên những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.

"Các phường, xã là đơn vị chịu trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân, tiếp nhận đăng ký của chủ nuôi, báo cáo lên Phòng Nông nghiệp huyện, quận. Nhưng chúng tôi không thể cấm người dân nuôi chó được, chỉ có quyền yêu cầu phải đeo rọ mõm, đeo dây xích cổ cho chó trước khi ra đường...

Hiện nay, chúng tôi đã có kiến nghị bổ sung các biện pháp quản lý chó mèo chặt chẽ hơn, đã trình lên Thành phố về việc này" - ông Mỹ cho biết.

Một số biện pháp quản lý có thể là: các giống chó dữ phải được đào tạo qua trung tâm huấn luyện chứ không để gia đình tự nuôi dẫn đến tự hại mình, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh; gia đình có nhu cầu tự nuôi nấng những giống chó dữ phải được đào tạo, hướng dẫn, tư vấn phù hợp...

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/nghich-canh-cho-can-chet-chu-dung-cu-thich-thi-nuoi-3364257/