Nghịch cảnh sau vụ sạt lở ở Vĩnh Long

Vụ sạt lở khiến 13 căn nhà và hơn 10 ha đất chìm xuống sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nhiều người bàng hoàng.

Ngày 5/12, vụ sạt lở khiến 13 căn nhà và hơn 10 ha đất vườn chìm xuống lòng sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Vụ việc không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo tính toán của ngành chức năng, tổng thiệt hại nhà đất, vườn cây, ao cá... của người dân khoảng 35 tỷ đồng. Ở Vĩnh Long, đây là vụ sạt lở nghiêm trọng nhất, quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Người dân bên sông Cổ Chiên trắng tay sau vụ sạt lở kinh hoàng Anh Võ Minh Thảo (xã Hòa Ninh) chỉ kịp chạy vào nhà mang theo ảnh thờ của cha và cõng bà nội ra ngoài. Toàn bộ tài sản ước tính hơn 3 tỷ đồng bị cuốn xuống sông Cổ Chiên.

Vụ sạt lở lịch sử

Khoảng 15h ngày 5/12, nhiều người dân ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, nghe thấy những tiếng động lớn bất thường nơi họ sinh sống. Đó là khu vực mõm đất ven sông Cổ Chiên, cách bến phà Đình Khao khoảng 1,5 km.

Ngay sau đó, từng mảng nhà đất trôi dần xuống sông Cổ Chiên, tạo thành những cơn sóng cao hơn 1,5 m. Sông Cổ Chiên đoạn sạt lở rộng khoảng 1.000 m, sâu hàng chục mét, chia tách hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.

 Sau vụ sạt lở, nhiều căn nhà ven sông Cổ Chiên trong vùng bị ảnh hưởng đã nứt vách tường, dần lún xuống lòng sông.

Sau vụ sạt lở, nhiều căn nhà ven sông Cổ Chiên trong vùng bị ảnh hưởng đã nứt vách tường, dần lún xuống lòng sông.

Thời điểm xảy ra sạt lở, anh Võ Minh Thảo đang làm vườn nhà. Trước mắt anh là cảnh tượng con đê nhỏ chắn nước sông Cổ Chiên bị vỡ, nước tràn vào ao cá. Biết chuyện chẳng lành, anh chạy vội vào nhà lấy hộ khẩu và di ảnh của cha rồi chạy vội ra ngoài. Căn nhà rung lắc và mất dần dưới lòng sông. Khi định thần lại, anh Thảo than khóc vì xót của.

Anh Võ Minh Thảo là một trong số hơn 10 hộ dân bị mất trắng tài sản sau vụ sạt lở.

Căn nhà và khoảnh đất vườn rộng hàng trăm m2 mà anh đang sinh sống là tài sản lúc sinh thời, người cha quá cố của anh đã gây dựng nhiều năm. Theo cách anh Thảo tính, tổng thiệt hại nhà đất không dưới 3 tỷ đồng. Ngoài tài sản, nơi đây còn là chỗ dựa tinh thần của anh với rất nhiều kỷ vật của người cha, gắn liền với anh từ lúc còn là một đứa trẻ.

Hàng xóm của ông Thảo, ông Chiến (69 tuổi) cũng mất trắng căn nhà và mảnh vườn trồng mít, rộng khoảng 2.000 m2. Hàng chục năm sống tại đây, ông chưa từng thấy vụ sạt lở nào lớn như vậy.

- Bà nó xem dọn dẹp đồ đạc nhà hảo tâm vừa cho.

- Ừ, để tạm đây thôi, biết đâu sắp tới chuyển đi ở chỗ khác.

Ông Chiến giục vợ ông - bà Thẩm (65 tuổi) nhanh tay thu dọn mớ đồ dùng, mì gói... vừa được một đoàn từ thiện trao tặng. Khi phóng viên đến, bà Thẩm khóc than, vì chút tài sản dưỡng già của hai vợ chồng không còn. Sắp tới bà không biết làm gì để sinh sống.

Ông Chiến và vợ, các con, cháu ở trong một căn phòng trọ rộng khoảng 20 m2 do chính quyền địa phương bố trí miễn phí. Nơi này thuộc ấp Bình Thuận 2, xã Hòa Ninh, cách căn nhà bị sạt lở của ông Chiến khoảng 4 km.

Ông Chiến nhớ lại chiều 5/12, khi những hàng cây bần cổ thụ, cao khoảng 20 m, đột ngột sụp hoàn toàn dưới lòng sông Cổ Chiên cũng là lúc ông không còn giữ được bình tĩnh. Căn nhà của ông gần đó rung lắc mạnh rồi biến mất. Xót của, nhưng ông phải cố chạy đi để thoát thân và không giữ lại được bất kỳ thứ gì.

Cách nơi ở trọ của ông Chiến không xa là phòng trọ của gia đình bà Hằng. Bà chưa mất nhà cửa sau vụ sạt lở. Tuy nhiên, căn nhà nằm sát bờ sông Cổ Chiên của bà đã xuất hiện nhiều vết nứt trên nền gạch, vách tường nghiêng.

Bà Hằng và cháu nội 21 tháng tuổi ở tạm trong nhà trọ, khi căn nhà của bà có nguy cơ sạt lở cao.

Khi vụ sạt lở ập đến, bà Hằng nói rằng bà không thể ở yên trong chính căn nhà bê tông khá kiên cố của mình. Ngoài căn nhà, phần đất vườn khoảng 5.000 m2 của gia đình cũng có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Nhà của bà Hằng nằm ven sông Cổ Chiên đã xuất hiện những vết nứt bất thường, vách tường nghiêng. Gần nhà bà Hằng còn có vài ngôi nhà khác.

Bà nói đây là tài sản thừa kế mà lúc sinh thời, cha mẹ chồng của bà vất vả gầy dựng hàng chục năm từ nghề nấu rượu.

"Qua vụ sạt lở này, chúng tôi càng thêm lo lắng, vì rất nhiều người đang có nhà đất ven sông Cổ Chiên. Ai cũng có thể là nạn nhân của tình trạng sạt lở này, rất nguy hiểm", bà Phượng, người dân ấp Bình Thuận 1, nói.

Bà Phượng lo lắng sạt lở có thể tiếp diễn.

Tức tốc dời mộ

Khu đất vườn nhà có nguy cơ sạt lở rất cao, vì thế ngôi mộ của mẹ chồng và người anh chồng bà Hằng cũng không thể an yên. Mấy hôm nay, các mộ phần được bà Hằng thuê người bốc dỡ, chuyển đến chôn cất tại một mảnh vườn khác, cách nhà khoảng 5 km.

Mộ phần của ông Hải, anh chồng bà Hằng, được bốc dỡ để chuyển đi nơi khác chôn cất.

Mẹ chồng bà Hằng mất 9 năm nay. Anh chồng bà mất hơn 4 năm nay. Cả hai ngôi mộ chưa đến thời điểm lấy cốt. Bà Hằng nói việc di dời này là bất đắc dĩ để tránh sạt lở.

Ông Bảy Trường (chồng bà Hằng) cho biết nhiều ngày nay, ông không có động lực làm việc. Trong đầu người đàn ông trung niên này cứ hiện ra viễn cảnh tài sản nhà đất bỗng chốc lún hoàn toàn xuống lòng sông Cổ Chiên.

"Mộ phần của mẹ và anh trai tôi (ông Hải) được gia đình tức tốc chuyển đi để tránh sạt lở. Việc này không mong muốn, nhưng đó là quyết định của tôi và gia đình", ông Bảy Trường nói.

Chặng đường di chuyển quan tài của mẹ và anh ruột ông Bảy Trường mất nhiều giờ, dù đoạn đường đi chỉ khoảng 5 km. Điểm được chọn làm nơi chôn cất nằm trong khu vực nội đồng, cách tuyến huyện lộ Long Hồ khoảng 1 km.

Đường dẫn vào nơi chôn cất nhỏ hẹp chỉ khoảng 1 m, nên việc di chuyển quan tài khá khó khăn.

Chạng vạng 8/12, bà H. mang lư hương thờ chồng (ông Hải) cùng với đoàn người chuyển quan tài về nơi chôn cất mới. "Về đây chắc ông ấy sẽ an yên hơn. Ngoài kia sạt lở quá nhiều", bà nói.

Quan tài của ông Hải được người thân chuyển về nơi khác để tránh sạt lở.

Toàn bộ người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao tự nguyện chuyển đến nơi ở tạm do chính quyền địa phương bố trí.

Người dân vùng có nguy cơ sạt lở cao ở ấp Bình Thuận 1 tiếp tục thu dọn đồ đạc, tháo dỡ, chuyển nhà những ngày tới với sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các lực lượng quân đội, công an...

Tính từ tâm điểm sạt lở đến vùng bán kính khoảng 500 m phía bờ sông Cổ Chiên địa phận ấp Bình Thuận 1, hiện không có người ở. Thỉnh thoảng có một vài người đi ghe máy vào khu vực vừa sạt lở để nắm tình hình, hoặc nhặt nhạnh một số thứ trôi nổi trên sông.

Vị trí khu vực sạt lở. Ảnh: Google Maps.

Đêm xuống, khung cảnh nơi này vắng ngắt. Nhiều người dân địa phương nói rằng khu nhà họ ở đã khác hoàn toàn so với trước biến cố. Đó từng là những ngôi nhà đầm ấm, nhộn nhịp và sáng choang ánh điện.

Hoàng Giám - Trương Khởi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-canh-sau-vu-sat-lo-o-vinh-long-post1383239.html