Nghịch lý 'bài toán' nhân lực ngành khách sạn

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng khá nhanh. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong ngành du lịch lại chưa đáp ứng đủ cung cấp cho thị trường. Nghịch lý ở chỗ, nhiều sinh viên ngành này ra trường chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải làm việc không đúng chuyên ngành...

Sinh viên du lịch “đói” thực hành

Nhận định này được hầu hết các chuyên gia trong ngành đưa ra khi bàn về chất lượng nguồn nhân lực du lịch của nước ta hiện nay. Ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết: "Các trường đại học đào tạo về du lịch hiện nay đang phải chắt chiu cơ hội để xin thực hành cho sinh viên. Chúng tôi không thể có đủ kinh phí đầu tư cho sinh viên cơ sở vật chất để thực hành nghề. Hiện nay, hầu hết giáo viên của trường phải tự liên hệ nơi thực tập cho sinh viên của mình. Chúng tôi phải sử dụng quan hệ cá nhân và phải đến liên hệ với từng khách sạn nên mỗi nơi cũng chỉ có thể nhận được 10 đến 20 em. Các em khác thậm chí không có cơ hội tham quan khách sạn chứ chưa nói đến chuyện được làm việc".

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Phó tổng giám đốc khách sạn Sheraton: Với chương trình học hiện nay rất khó cho sinh viên có thể ra làm việc được. Bởi trong chương trình 4 năm học, các em chỉ có 12 tuần thực hành. Trong khi đó, để thực sự đem lại sự hài lòng cho khách đòi hỏi những kỹ năng vô thức. Chẳng hạn, cách khách 5 bước chân, nhân viên đã phải nhìn vào mắt khách, khi họ đến gần hơn phải hỏi chuyện… Để làm tốt kỹ năng này thôi, bình thường nhân viên khách sạn phải thực hành từ 7 đến 21 lần mới thuần thục. Một nhân viên thông thường cần khoảng 52 đến 100 kỹ năng như vậy. Người bình thường cần một năm để học các kỹ năng trong một công việc. Với 4 tuần thực hành của sinh viên, riêng tuần đầu các em phải làm quen với khách sạn, từ môi trường làm việc, đường đi lối lại… Vậy làm thế nào các em học kịp được?

Hướng dẫn thực hành nghiệp vụ buồng phòng khách sạn.

Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, khẳng định: "Đã học ngành du lịch thì bắt buộc phải có thực hành. Các nước khác đào tạo ngành này đòi hỏi phải 85% thực hành chứ không như ở nước ta. Khi thẩm định để tuyển dụng thì đa số đều có bằng cấp nhưng thực tế không biết làm việc. Một số tập đoàn lớn về du lịch ở Việt Nam đã tham gia vào quá trình đào tạo, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng tốt. Tuy nhiên, số nhân lực này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của thị trường".

Giải pháp nào cho ngành du lịch?

Theo ông Vũ An Dân, ngành du lịch Việt Nam đang lãng phí nhân lực vì sinh viên mất 4 năm học trong trường. Sau khi ra trường mới bước vào môi trường làm việc. Chúng ta có thể rút ngắn khoảng thời gian này, tăng thời gian đóng góp của nhân lực. Khi có cơ hội, từ năm thứ hai trở đi các em đã có thể đi thực hành nghề. Như vậy chất lượng ra trường của sinh viên sẽ tốt hơn và số lượng nhân lực đáp ứng cho ngành cũng nhiều hơn. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo như hiện nay thật khó đáp ứng thực tế. Nếu so sánh cơ sở vật chất của các nhà trường với khách sạn 4-5 sao, nơi thị trường đang thiếu nhiều nhân lực, thì thấy khoảng cách xa vời.

Theo bà Hoàng Lệ Hoa, Trưởng phòng Nhân sự khách sạn Silk Path, thực tế Silk Path đang sử dụng một số kênh thông tin tuyển dụng qua internet nhưng không hiệu quả. Chẳng hạn, có trang web, khách sạn phải trả 15 triệu đồng/năm để được tuyển dụng nhân sự cho riêng kênh đó. Nhưng thực tế, Silk Path không hoàn toàn phụ thuộc vào một trang web đó mà phải vào rất nhiều trang web việc làm khác, trong đó lại có những trang chỉ tìm được người ở một số đối tượng nhất định như kế toán, thư ký mà không tìm được người cho chuyên ngành du lịch.

Trước thực trạng như vậy, Hội Nhân sự Khách sạn Việt Nam (thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) đã cho ra đời hệ sinh thái số Hotelismo trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu, khả năng phù hợp của thị trường và các cơ sở đào tạo nghề du lịch. Hệ sinh thái này bao gồm đầy đủ dữ liệu của các ứng viên, các nhà tuyển dụng, vị trí khuyết, yêu cầu cụ thể của từng vị trí, văn hóa, thương hiệu của từng công ty... Đặc biệt, lần đầu tiên có sử dụng công nghệ kết nối, trí tuệ nhân tạo tự lọc hồ sơ, tạo buổi họp trực tuyến ảo để đưa đến nhà tuyển dụng những ứng viên phù hợp nhất, giúp giảm thời gian và rút gọn chi phí cho cả hai bên.

Bà Nguyễn Ngọc Dung (Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) gọi đây là một giải pháp "win-win" (hai bên cùng có lợi). Còn bà Hoàng Lệ Hoa coi đây là cơ sở để doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu trong ngành và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng yêu cầu. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Giám đốc tạo nguồn nhân lực Công ty cổ phần Vinpearl: "Với khoảng 35 khách sạn 5 sao và sắp tới đây là một chuỗi khách sạn 4 sao, thì Hotelismo là một nguồn cung cấp nhân lực quan trọng khi nhu cầu của chúng tôi trong năm 2019-2020 lên tới 50.000 người. Có thể nói, cùng xây dựng hệ sinh thái về nhân lực giúp chúng ta hướng tới xây dựng một thị trường lao động chuyên nghiệp, từ đó kích vào thị trường học tập để ngành du lịch tạo dựng được thương hiệu lao động chất lượng cao, có vị thế và đẳng cấp".

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/nghich-ly-bai-toan-nhan-luc-nganh-khach-san-560114