Nghịch lý 'Black Adam'

Giới phê bình và khán giả bất đồng khi đánh giá về bom tấn mới của nhà DC. Trong khi các cây bút điện ảnh chê thậm tệ, người xem đại chúng lại khen ngợi 'Black Adam'.

Tám năm sau khi được “chọn mặt gửi vàng”, The Rock cuối cùng cũng đã có bộ phim siêu anh hùng đầu tiên cho riêng mình. Dựa trên một nhân vật cùng tên của DC Comics, Black Adam là dự án ngoại truyện của Shazam! (2019) và là phần phim thứ 11 trong Vũ trụ DC mở rộng (DCEU).

Chuyện phim theo chân nô lệ Teth Adam, kẻ được ban tặng sức mạnh của các vị thần Kahndaq cổ đại. Vì sử dụng quyền năng sai mục đích, hắn chịu phong ấn suốt 5.000 năm và bất ngờ được giải thoát bởi một người phụ nữ của thế giới hiện đại.

Trở lại sau khoảng thời gian dài, Adam phải đối mặt với Hiệp hội Công lý (Justice Society) cùng mối hiểm họa khôn lường đang chờ đón mình phía trước.

Giới phê bình và khán giả chấm điểm lệch nhau

Ngay từ khi cập bến màn ảnh rộng, bộ phim của đạo diễn Collet-Serra đã gây bão toàn cầu. Trong bối cảnh mùa phim 2022 thiếu vắng những bom tấn có sức công phá, Black Adam dễ dàng gây được tiếng vang lớn và trở thành tâm điểm bàn luận của khán giả.

Với kinh phí sản xuất khủng lên tới gần 200 triệu USD, tác phẩm mang đến những phút giây giải trí ấn tượng. Phần hình ảnh trong Black Adam thực sự nịnh mắt, hoàn toàn xứng đáng với nhận xét “đẹp và đã”. Những thước phim được dàn dựng công phu, với bối cảnh phức tạp cùng những góc quay biến hóa đa dạng.

Người xem cũng không khỏi cảm thấy choáng ngợp trước những cảnh chiến đấu, hành động cường độ cao, được xử lý CGI chỉn chu. Chưa kể, phần âm thanh cũng hoành tráng và mang lại cảm giác nịnh tai không kém.

Black Adam đề cao yếu tố giải trí. Ảnh: Warner Bros.

Với những thượng đế của rạp chiếu bóng, đây là các “yếu tố cần” để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức điện ảnh cơ bản. Một tác phẩm không rối rắm, được kể bằng ngôn ngữ mạch lạc, dễ hiểu và đặc biệt giàu tính giải trí là phần lớn những gì họ mong đợi ở một bộ phim siêu anh hùng.

Song, giới phê bình lại chẳng mấy mặn mà với dự án bom tấn kiểu như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng Black Adam gặp phải vấn đề nghiêm trọng về mặt cốt truyện. Kịch bản phim quá mỏng, thiếu sự kết nối và chiều sâu trong việc phát triển tính cách nhân vật cùng các mối quan hệ. Chính vì điểm yếu chí mạng này, các sự kiện trong phim diễn ra khá đơn điệu, nhạt nhòa, thậm chí thiếu vắng hẳn những nút thắt sáng giá.

Trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes, dự án mới nhất của nhà DC chỉ đạt mức điểm đánh giá 42%, nhận “cà chua thối” từ các nhà phê bình. Đây là một kết quả rất thấp so với kỳ vọng, chỉ xếp trên Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) và Justice League (2017), hai tác phẩm bị các chuyên gia xếp vào hạng “thảm họa”.

Tuy nhiên, điều bất ngờ tới từ nhận xét của khán giả. Với hơn 1000 lượt đánh giá, Black Adam nhận về số điểm khá cao lên tới 89%, được chứng nhận là “cà chua tươi”.

Giới phê bình cùng chê bai kịch bản

Dành những lời khen có cánh cho Black Adam, cây bút Peter Bradshaw của tờ Guardian nhận xét: "Cuối cùng, ngôi sao duy nhất sinh ra để làm siêu anh hùng đã bước lên màn ảnh. Thân hình cường tráng cùng sự hài hước, dí dỏm khiến Dwayne Johnson hóa thân thành nhận vật một cách tuyệt vời”.

Sở dĩ, lời ca ngợi này hoàn toàn có cơ sở. Khởi động sự nghiệp tại Hollywood khi trước đó từng là đô vật chuyên nghiệp, The Rock sở hữu một chiều cao vượt trội cùng cơ bắp vạm vỡ. Chính cơ thể lý tưởng này là một trong những nguyên nhân giúp anh lọt vào mắt xanh của đạo diễn Collet-Serra.

Không phụ sự kỳ vọng của khán giả, nam diễn viên có màn nhập vai hoàn hảo thành một Teth Adam ưa bạo lực, coi nắm đấm là chân lý. Các phân cảnh hành động của anh khiến người xem không khỏi cảm thán vì độ “ngầu” và đem tới sắc màu u tối vốn là đặc trưng của loạt phim DC.

Trên trang IGN, Joshua Yehl đã dành lời khen cho The Rock vì “hóa thân thành Black Adam cứng cỏi và uy nghiêm theo đúng nguyên tác truyện tranh”. Cùng với đó, Fernandez của Fotogramas đánh giá những thước phim chiến đấu được dàn dựng khá hiệu quả, CGI cũng đẹp mắt nhưng không bị lạm dụng một cách thái quá.

Hình ảnh, âm thanh trong phim nhận được nhiều đánh giá tích cực. Ảnh: Warner Bros.

Trái lại, nhiều nhà phê bình điện ảnh lại thẳng thừng chê bai, thậm chí chỉ trích bộ phim này. Joshua Rothkopf cho rằng bom tấn mới nhất của DCEU là một sự thất bại. Phim mang tới một hệ thống phản diện và siêu anh hùng hoàn toàn mới nhưng rốt cục, phong cách kể chuyện và thông điệp lại chẳng khác gì các dự án tiền nhiệm.

Không chỉ làm quen với Teth Adam, khán giả cũng được chứng kiến bộ tứ Justice Society lần đầu tiên đổ bộ màn ảnh rộng. Trái ngang ở chỗ, Hawkman và đặc biệt là Doctor Fate nhiều khi vô tình chiếm mất “spotlight” của nhân vật chính. Trong khi đó, bộ đôi Cyclone cùng Atom Smasher lại chẳng có mấy đất diễn.

Các tuyến nhân vật được lồng ghép và xây dựng không triệt để khiến logic phim đôi chỗ bị xáo trộn. David Fear, nhà phê bình phim cấp cao của Rolling Stone, nhận định: "Ngay cả niềm vui khi xem Johnson tham gia bom tấn mà anh được định sẵn để tỏa sáng cũng không thể bù đắp cho sự chung chung, vô hướng và phi logic của bộ phim”.

Chưa dừng lại ở đó, chuyên gia Alonso Duralde thậm chí còn phản bác những ý kiến khen ngợi Black Adam về mặt giải trí. Với ông, đây được coi là một trong những tác phẩm có chất lượng hình ảnh tệ nhất của hãng phim này vì “kỹ xảo CGI kém hấp dẫn, dồn dập khiến các cảnh chiến đấu mất đi sự chân thật, thu hút”.

Phần lớn giới phê bình có chung một nhận định, DC đã tham lam “học hỏi” và nhồi nhét quá nhiều thứ trong dự án của mình. Black Adam có một số chi tiết cóp nhặt từ Guardians of the Galaxy, các cảnh slow-motion gợi nhắc đến phim của Zack Snyder hay cả những khoảnh khắc hài hước châm biếm theo phong cách của Marvel.

Khi nào chuyên gia và khán giả “gặp” được nhau

Trước khi Black Adam ra mắt, từng có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xung quanh các bom tấn của DCEU. Người hâm mộ công khai chỉ điểm rằng, một số nhà phê bình và trang đánh giá như Rotten Tomatoes thiên vị đối thủ Marvel và luôn tìm cách hạ bệ phim nhà DC.

Đơn cử, những dự án như Man of Steel, Wonder Woman hay Justice League đều có chất lượng đánh giá phản hồi từ khán giả cao hơn rõ rệt so với các chuyên gia.

Tuy nhiên, việc một bộ phận fan DC cho rằng các bom tấn của nhà mình phải chịu bất công là thiếu cơ sở. Bởi lẽ “đối thủ truyền kiếp” của họ, Marvel, cũng không thiếu những cái tên có chênh lệch điểm đánh giá rất cao: Eternals (2021) với 31%, X-Men: Dark Phoenix (2019) với 42% và Morbius (2022) với 55%.

Black Adam không phải phim đầu tiên được khán giả đón nhận dù bị các chuyên gia đánh giá tệ. Ảnh: Warner Bros.

Chẳng riêng gì Black Adam, nhiều dự án điện ảnh bom tấn của hai ông lớn DC và Marvel trong những năm gần đây đều vấp phải đánh giá tiêu cực về nội dung, kịch bản. Hàng loạt cái tên trong danh sách này có thể kể tới như Dr. Strange 2, Thor 4, Suicide Squad hay Birds of Prey,...

“Thời điểm hiện tại, ngay cả những fan cuồng của thể loại siêu anh hùng cũng phải cảm thấy mệt mỏi. Dòng phim này đang ở thời điểm chuyển giao, hoặc có lẽ giống như một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên”, chuyên gia của tờ Buzzfeed News đánh giá.

Theo ông, đó là do lối mòn về kịch bản và những giới hạn trong việc chuyển thể nhân vật từ truyện tranh lên phim. Điều này khiến các bom tấn siêu anh hùng dần mất điểm trong mắt các nhà phê bình. Tuy nhiên, điều mà họ đang tìm kiếm ở một tác phẩm thường khác biệt so với những gì mà quần chúng chú ý.

Hầu hết thượng đế tới rạp xem phim để trải nghiệm cảm xúc và những giá trị giải trí mà nó mang lại. Trong khi đó, đa số chuyên gia khi đánh giá lại đặt nặng yếu tố kịch bản, cốt truyện, diễn xuất, thậm chí là cả ngôn ngữ làm phim.

Dẫu có khác biệt về lăng kính quan sát, đó không đồng nghĩa với việc một bom tấn siêu anh hùng khó làm hài lòng cả giới phê bình lẫn khán giả. Trước đây, vũ trụ DC đã có một số cái tên thành công đạt được điều này, đơn cử là The Dark Knight (2008) hay The Suicide Squad (2021).

Theo Francis Coppola, để tạo nên một khẩu vị dung hòa hoàn hảo, một dự án siêu anh hùng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khâu lên kế hoạch làm phim. Việc chú trọng chất lượng của tác phẩm rất quan trọng, bao gồm cả diễn xuất, cách dàn dựng cũng như quá trình hậu kỳ. Cuối cùng, nội dung chắt lọc cùng cốt truyện thu hút sẽ níu chân khán giả. Motif người hùng đánh bại kẻ xấu đã tỏ ra quá cũ kỹ. Vậy nên, việc các đạo diễn chủ động khai thác những khía cạnh mới trong mối quan hệ biện chứng giữa điều thiện và cái ác cũng là một sáng tạo đáng giá.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghich-ly-black-adam-post1367812.html